Học sinh cấp 3 sẽ được học thêm môn Âm nhạc

Sinh Tuyển, Theo Trí Thức Trẻ 15:47 14/01/2018

Theo Ban Phát triển các chương trình môn học, môn Âm nhạc trong giáo dục phổ thông tổng thể có nhiều thay đổi so với hiện nay.

Ở trường trung học phổ thông, Âm nhạc là môn lựa chọn, không bắt buộc tất cả HS học; do đó, không nhất thiết tất cả các trường phải có ngay và có đủ giáo viên Âm nhạc. Các trường cũng có thể mời giảng viên trường nghệ thuật, mời nghệ nhân hoặc giáo viên Âm nhạc ở trung học cơ sở giảng dạy một số nội dung phù hợp. Các Sở GDĐT nên chọn một số trường trung học phổ thông để thí điểm việc triển khai giảng dạy Âm nhạc trước khi nhân rộng.

Những thay đổi chủ yếu của chương trình môn Âm nhạc là gì?

Thứ nhất, chương trình được mở rộng về phạm vi đối tượng giáo dục, lần đầu tiên được dạy ở trường trung học phổ thông.

Thứ hai, chương trình được hoàn thiện về nội dung dạy học, lần đầu tiên nội dung nhạc cụ và hợp xướng được đưa vào chương trình.

Thứ ba, chương trình vừa có nội dung tích hợp (lý thuyết âm nhạc), vừa có nội dung phân hóa (nhạc cụ); vừa là môn học bắt buộc (từ lớp 1 đến lớp 9), vừa là môn học lựa chọn theo nguyện vọng và định hướng nghề nghiệp (từ lớp 10 đến lớp 12). Chương trình có hướng mở, để tác giả sách giáo khoa và giáo viên vận dụng linh hoạt, tránh quá tải.

Thứ tư, chương trình tập trung phát triển năng lực thẩm mỹ và năng lực âm nhạc, với 4 thành phần: thể hiện âm nhạc, cảm thụ âm nhạc, phân tích và đánh giá âm nhạc, sáng tạo và ứng dụng âm nhạc.

Thứ năm, chương trình có những đổi mới về phương pháp dạy học và đánh giá kết quả học tập, ví dụ đọc nhạc theo ký hiệu bàn tay, bộ gõ cơ thể, hát bè,...

Thứ sáu, chương trình có điều chỉnh tên một vài nội dung, ví dụ: hát, đọc nhạc, thường thức âm nhạc, câu chuyện âm nhạc,...

Học sinh cấp 3 sẽ được học thêm môn Âm nhạc - Ảnh 1.

Tại sao chương trình có thêm nội dung nhạc cụ?

Học nhạc cụ làm bối cảnh học tập trở nên đa dạng hơn, vừa giúp học sinh phát triển năng lực âm nhạc (nghe, hát, đọc nhạc) và năng lực tự học, giao tiếp, hợp tác, vừa để giảm bớt lý thuyết, tăng cường thực hành và nâng cao tính ứng dụng.

Thông qua nhạc cụ, môn học giúp học sinh được học bằng đa giác quan, có thể tận hưởng tiết học Âm nhạc một cách thú vị, nâng cao sự trải nghiệm âm nhạc, thể hiện cảm xúc theo những cách khác nhau, khác với cách hát thông thường.

Nhiều học sinh không có khả năng ca hát, một số em đến độ tuổi 12 - 14 thường bị vỡ giọng, nhạc cụ sẽ là phương tiện để các em học tập và thể hiện bản thân.

Học nhạc cụ còn góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa và hội nhập quốc tế, thông qua việc học những nhạc cụ Việt Nam và nhạc cụ nước ngoài.

"Các em hãy chơi một nhạc cụ, để tận hưởng những giờ học Âm nhạc một cách thú vị. Nhạc cụ là hiện thân của âm nhạc, là công cụ tuyệt vời để tạo ra âm thanh. Chơi nhạc cụ sẽ giúp các em có thêm cảm hứng, là bước khởi nguồn cho những sáng tạo nghệ thuật." -  Lời khuyên của Ban Phát triển các chương trình môn học dành cho học sinh.

Phương pháp giáo dục có gì mới?

Căn cứ vào nội dung dạy học, yêu cầu cần đạt, thời lượng và đặc điểm của lớp học, giáo viên nên linh hoạt sử dụng các quy trình âm nhạc (nghe - đọc - tái hiện - phản ứng - sáng tạo - trình diễn - phân tích, đánh giá - ứng dụng) cho phù hợp và hiệu quả.

Ở tiểu học, cần tập trung phát triển cảm xúc thẩm mỹ và tình yêu âm nhạc. Cần lựa chọn các hoạt động học tập phù hợp với sở thích và nhận thức của học sinh: nghe nhạc, vận động, chơi các trò chơi, kể chuyện,... Cần thiết kế các hoạt động trải nghiệm và khám phá âm nhạc tích hợp nhiều nội dung và hoạt động.

Ở trung học cơ sở: tập trung phát triển các kỹ năng âm nhạc cơ bản. Cần lựa chọn các hoạt động học tập phù hợp với hứng thú và nhận thức của học sinh: nghe nhạc, vận động, đánh giá, phân tích, sáng tạo, ứng dụng,... Cần thường xuyên củng cố và vận dụng những kiến thức, kỹ năng đã học từ tiểu học.

Ở trung học phổ thông: tập trung nâng cao và hoàn thiện kỹ năng thực hành, dàn dựng và biểu diễn âm nhạc. Cần lựa chọn các hoạt động học tập phù hợp với phong cách cá nhân, tạo thói quen luyện tập âm nhạc hằng ngày, hình thành định hướng thẩm mỹ và định hướng nghề nghiệp.