"Học giỏi chưa chắc làm việc giỏi, nhưng học dốt chắc chắn làm việc cũng không giỏi"

Đình Khôi, Theo Helino 16:58 22/03/2018

Xung quanh chia sẻ của Giám đốc Facebook Lê Diệp Kiều Trang, nhiều cư dân mạng đã chia sẻ quan điểm rằng học giỏi có thể không thành công nhưng học dốt cũng rất khó để thành công, muốn làm việc giỏi, muốn thăng tiến trong sự nghiệp phải kết hợp rất nhiều yếu tố với nhau.

Xoay quanh chia sẻ của Giám đốc Facebook Việt Nam Lê Diệp Kiều Trang về những người học tập giỏi ở trường lớp và câu chuyện liệu họ có thành công hay không sau khi tốt nghiệp, cư dân mạng đã nhanh chóng đưa ra rất nhiều ý kiến trái chiều. Không ít quan điểm đã được  để lại xoay quanh vấn đề liệu những người học giỏi hay những người học không giỏi sẽ thành công trong cuộc sống?

Từ học đến làm là 1 khoảng cách dài, không phải ai thông minh, học giỏi cũng thành công

Từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, chắc hẳn bạn đã từng nghe những lời khuyên cố gắng học giỏi, tốt nghiệp bằng đỏ để sau này ra trường đời kiếm được nhiều tiền hơn, thành công hơn. Nhưng đi làm rồi, ai cũng biết thực tế chẳng phải vậy.

Trong số những người học giỏi ra trường có bao nhiêu người có khả năng thay đổi thế giới? Bao nhiêu người vào top những người giàu nhất nước/hành tinh. Nghiên cứu mới đây của trường Đại học Boston là: Chẳng có ai cả!

Thống kê của Đại học Boston với 700 triệu phú, tỷ phú Mỹ, họ thấy rằng điểm trung bình thời đi học của những người này chỉ ở mức trung bình, không quá xuất sắc. Điều đó cho thấy rằng học giỏi chưa chắc ra trường đã có thể thành công, vì khoảng cách giữa lý thuyết suông đến thực tiễn còn rất xa vời.

Chị Lê Diệp Kiều Trang đã chia sẻ: "Học giỏi không có nghĩa là làm việc giỏi. Rất nhiều học trò giỏi trong môi trường giáo dục ở Việt Nam thường là người "học giỏi thụ động", chỉ có khả năng trình bày lại những kiến thức được học một cách đầy đủ nhất, chứ không có khả năng ứng dụng kiến thức được học để phân tích, giải quyết một vấn đề thực tế hoặc sáng tạo ra sản phẩm, tìm ra nguyên lý mới.

Nhiều sinh viên giỏi ra trường đã không thể trở thành những thủ lĩnh giỏi, mà phải nhường vị trí này cho những bạn có chuyên môn không mạnh bằng nhưng có thể tập hợp nhiều người giỏi.

Để làm việc hiệu quả, thành công, IQ cũng chỉ là một phần, vì vậy không có nghĩa ai thông minh, học giỏi sẽ thành công."

Học giỏi chưa chắc làm việc giỏi, nhưng học dốt chắc chắn làm việc cũng không giỏi - Ảnh 1.

Quan điểm này đã nhận được sự ủng hộ rất lớn từ cộng đồng mạng. Người dùng Nguyen Dang Vinh cho rằng: "Từ học đến làm còn 1 khoảng cách dài. Nhiều người không bằng cấp vẫn là chủ tập đoàn, trên cả 1 cái đầu so với hàng ngàn nhân viên."

Trần Đình Hậu: "Không nên nhìn đời từ những trang sách."

Bạn Phuong Anh Nguyen: "Đi làm rồi mới thấy câu nói trên chuẩn không cần chỉnh, học giỏi nhưng kỹ năng, kinh nghiệm kém cũng không thể làm việc tốt được."

Eric Barker, nghiên cứu sinh trường ĐH Boston chia sẻ: "Trường học thưởng điểm số cao cho những học sinh theo khuôn mẫu, học và làm việc như cái máy, những người luôn biết nghe lời và làm theo hệ thống. Trong trường học, những quy tắc rất rõ ràng. Trong trường đời, chẳng có quy tắc nào cả. Chính vì thế những người không tuân thủ quy tắc luôn là người có lợi thế hơn, họ chủ động hơn với mọi thứ".

Học giỏi chưa chắc làm việc giỏi, nhưng học dốt chắc chắn làm việc cũng không giỏi - Ảnh 2.

"Học giỏi chưa chắc làm việc giỏi, nhưng học dốt chắc chắn làm việc không giỏi"

Tuy nhiên theo chị Trang, người học giỏi ít nhất là có một vài lợi thế. Ví dụ, khi bắt đầu đi làm, sinh viên giỏi ít nhất sẽ là người có kiến thức vững vàng hơn và có khả năng tư duy sáng tạo tốt hơn.

Kiến thức trong trường học chẳng bao giờ thừa cả, những trường hợp học dốt mà vẫn thành công trên thế giới không phải là những người kém cỏi thời đi học như bạn nghĩ. Họ có đầu óc, họ nhạy bén, họ chỉ không hứng thú với việc học thôi, bù lại họ có niềm đam mê với kinh doanh, họ khát khao được làm giàu, được thành công.

Nếu học kém, không có kiến thức nền tảng thì sẽ rất khó có thể làm những việc chuyên sâu.

Thành viên Kim Ngưu đồng tình: "Chí ít người học giỏi nhanh nắm bắt hơn, cái gì cũng cần nền tảng vững chắc mới phát triển tốt được."

Bạn Lê Long: "Học dốt thì chắc chắn không thể thành công. Đừng nói là không cần học tốt, học chăm mà thành công được, không học ở nhà trường, sách vở thì họ học ngoài thực tế, học qua thực hành, thực nghiệm. Khái niệm "học" rất rộng, nó không chỉ bó hẹp bằng "học trên nhà trường", không nên vội vàng kết luận "không cần học giỏi mà vẫn thành công".

Phạm Cẩm Tú: "Học giỏi không có nghĩa là làm việc giỏi, nhưng học dốt thì không có cơ hội để người khác biết mình làm giỏi như thế nào."

Ngọc Nguyễn: "Học giỏi chưa chắc làm việc giỏi, nhưng học dốt chắc chắn làm việc cũng không giỏi."

Phuong Hoang: "Học giỏi là yếu tố bắt buộc. Nhưng chỉ giỏi lý thuyết không thì vẫn chưa đủ."

Hung Vu: "Quan trọng là tư duy giải quyết vấn đề, học giỏi là tiếp thu kiến thức vào mình giỏi, còn làm việc giỏi là phải biết vận dụng kiến thức đó vào trong thực tiễn để giải quyết vấn đề cho công việc, cho người khác."

Học giỏi chưa chắc làm việc giỏi, nhưng học dốt chắc chắn làm việc cũng không giỏi - Ảnh 3.

Ông chủ tập đoàn Microsoft, tỷ phú hàng đầu thế giới Bill Gates trước đến nay vẫn được các bạn trẻ thêu dệt thành huyền thoại về một chàng sinh viên nhờ... bỏ học mới có được thành công. Nhưng Bill Gates đã khẳng định: "Những công việc tốt ngày nay đòi hỏi các bạn phải có bằng đại học".

Học ở trên sách vở thôi chưa đủ, chúng ta phải nỗ lực từng ngày học thêm rất rất nhiều kỹ năng khác, phải ra vật lộn với cuộc đời mới biết mình cần gì và đang thiếu những gì.

Dân mạng vẫn đang tranh cãi và chắc chắn câu chuyện này rất lâu mới có hồi kết. Còn bạn, bạn đã có câu trả lời cho mình chưa?

Cuối cùng, xin được dẫn một câu nói Lê Diệp Kiều Trang: "Cuộc sống cần có nhiều người với những khả năng khác nhau, mỗi người sẽ ngồi vào vị trí khác nhau và thành công theo cách của riêng mình. Vậy nên điều quan trọng là các bạn hãy thật trung thực với năng lực của mình. Hãy đừng vì niềm ngưỡng mộ tài năng của người khác mà bắt mình phải đánh đổi cuộc sống vốn không dành cho mình."