"Zoom" vào khu xóm trọ nghèo của SV Sài Gòn

H.H; Ảnh: Đỗ Anh, Theo Trí Thức Trẻ 00:01 04/07/2012

Thử trong vai trò một sĩ tử đi tìm phòng trọ thi, chúng tớ đã ghi lại được chùm ảnh xóm trọ nghèo của sinh viên ở làng Đại học Thủ Đức – gần Dĩ An, Bình Dương.

Tiếp nhận hơn 300.000 sinh viên mỗi năm, TP.Hồ Chí Minh là miền đất hứa cho các bạn trẻ. Tuy nhiên, số lượng sinh viên không ngừng tăng theo mỗi năm mà đất thì không nở ra hơn, không thể tránh khỏi tình trạng sinh viên phải chấp nhận ở trong những khu nhà ổ chuột. 

Trong vai trò một sĩ tử lên Sài Gòn ôn thi để tìm phòng, chúng tớ sẽ đưa các bạn “thám thính” khu trọ qua những chùm ảnh trong xóm trọ sinh viên ở làng Đại học Thủ Đức – gần Dĩ An, Bình Dương.

Bên cạnh những ký túc xá của các trường đại học nổi tiếng tại TP.Hồ Chí Minh như ĐH Quốc tế, ĐH Bách Khoa, ĐH PUF, ĐH Khoa học Xã hội & Nhân văn… là những con đường nhỏ dẫn vào các khu nhà dân đông đúc. Khi thấy chúng tớ loay hoay trước những căn nhà khá lớn để tìm chỗ thuê phòng, một bạn sinh viên đã chỉ dẫn: “Ở đây không cho thuê nhà đâu, muốn thuê thì tìm vào các con hẻm nhỏ nhỏ ấy”.



Những căn phòng ở đây trông hơi lộn xộn, nhưng thật ra chúng đã rất "xa xỉ" đối với một số bạn sinh viên và sĩ tử.

Quả thật, ẩn sâu trong những con hẻm nhỏ hun hút ở làng đại học là những khu trọ đông đúc của sinh viên. Mỗi ngõ nhỏ như vậy chỉ đủ cho một xe máy ra vào, “Hai xe là kẹt cứng khỏi đi” – một bạn sinh viên trường ĐH Thể dục thể thao cười chia sẻ. Đường vào lầy lội, có những đoạn sỏi đá, ổ gà chằng chịt. Bên trong khu trọ, những căn phòng chỉ tầm 10 – 16m2 có tới 4, thậm chí 5 bạn "share" nhau, cá biệt có cả phòng còn cố “nhồi” thêm chiếc xe máy vào đường luồn nhỏ hẹp. 

Một căn phòng dưới 10m2 trong khu này có giá thấp nhất vào khoảng 500k. Còn muốn phòng rộng hơn, chủ trọ đáp: “Phòng 15m2 thì 1 triệu, điện nước theo giá Nhà nước, sáng 5h mở cửa, tối 10h đóng cửa, không có ngoại lệ, ở bao nhiêu người tùy thích”.

Càng gần ngày thi đại học, xóm trọ này cũng trở nên "đắt khách" hơn. Giá cả cũng vì thế mà leo thang hơn. 


Một tấm biển treo trước cổng dùng để "câu khách"



 


Nhiều bạn không đủ tiền, đành phải tìm người ở ghép




Quần áo phơi ngổn ngang và môi trường sống cũng khá lộn xộn



Trước hiên nhà trọ hoặc bên trong phòng của các bạn, quần áo phơi đầy trên các dây móc. Và bởi vì diện tích phòng quá nhỏ nên WC phải dùng chung chứ không ở trong phòng. Mỗi phòng lại có các gác để tận dụng tối đa chiều cao của căn phòng vốn đã xập xệ.

Mỗi hẻm như vậy là một khu trọ, có những khu nằm lọt thỏm trong chợ, bên cạnh các cửa hàng, quán cà phê, tiệm ăn ồn ào. “Hơi ồn một chút nhưng cũng tiện vì đi học về tạt qua chợ là có đồ ăn, nấu cơm cho nhanh” – một bạn nữ ĐH Khoa học XH&NV nói. Xung quanh khu nhà điều hành của trường ĐH Khoa học Tự nhiên là một con đường khá thông thoáng, có cây xanh thoáng mát và các hẻm trọ ở đây cũng thuộc diện khá khẩm nhất. 


Nhiều dãy phòng san sát nhau


Một khu cho thuê khá ẩm thấp

Dường như khu này lúc nào cũng nườm nượp người qua lại, các bạn sinh viên của các trường tụ tập tại đây tạo nên một khung cảnh rất… “sinh viên”, nhộn nhịp và vui tươi. Tầm 4h chiều, các hẻm trọ lại râm ran tiếng cười, các bạn sinh viên ra sân chung nói chuyện hoặc tụ tập đánh đàn buổi tối rất vui vẻ. Những khu bán hàng, ăn uống lúc nào cũng xôm tụ khách hàng sinh viên, mà theo đánh giá của chúng tớ thì giá cả ở đây rất hợp lý, hoàn toàn hợp túi tiền eo hẹp của teen.



Sống ở đây, các bạn chỉ có thể đến các quán  hàng ăn nhỏ ven đường

 
Và một khu chợ nhỏ ở gần đấy




Khi được hỏi ở chung như vậy có vấn đề gì nảy sinh không, bạn H.Anh (SV ĐH Tự nhiên) tâm sự: “Ở chung trong một khu trọ như thế này cũng có cảm giác như ở ký túc xá vậy, vui và học được cách sống tập thể. Tất nhiên cũng có một chút vấn đề khi ở chung trong không gian hơi hẹp này, nhiều khi muốn có không gian riêng tư cũng không được, nên những lúc như vậy thì phải ra khỏi nhà đi loanh quanh”. 



 
Một điều đáng lưu ý nữa là con đường dẫn tới khu trọ này rất vắng vẻ, lại không có đền đường nên cực kì nguy hiểm


Căn phòng nhỏ hẹp thế này có khi còn bị "chém" đến 2 triệu/tháng. Buộc lòng các bạn phải tìm người ở ghép với nhau



Một SV khác kể: “An ninh ở một số khu trọ cũng không được tốt, năm 1, khu trọ nhà tớ bị trộm đột nhập, ngay ban ngày, đi vào ngang nhiên như chỗ không người mà mọi người tưởng là người lấy ve chai. Sau đó hắn lấy đi khoảng 3 cái laptop và ví tiền của các bạn trong khu trọ. Từ đó chủ nhà tớ phải ghi lên cửa: Ve chai không được vào. Nói chung là vấn đề an ninh cũng khá… hên xui”. 

Khi được bọn tớ hỏi ở chật chội như vậy, các bạn có muốn chuyển chỗ ở không thì đa phần các bạn trả lời không cần chuyển. “Ở chật nhưng nếu biết cách chia sẻ với nhau thì mọi thứ sẽ ổn thôi. Giá cả những khu trọ ở đây cũng rất sinh viên, không giống như ở trung tâm, có khi lên tới 1 triệu/người/tháng. Ở đây lại gần trường, xe bus cũng nhiều, với lại ở cũng quen rồi, không muốn chuyển nữa” – một ý kiến của bạn Tâm (SV) cho hay. 

Bên cạnh đó, cũng có nhiều bạn không muốn chuyển bởi vì: “Ở như vậy mới là sinh viên, sinh viên phải ở khổ một chút, nhưng đời sống tinh thần phong phú mới có động lực học tập. Nếu ở khu mắc tiền mà chỉ có người đi làm, không chia sẻ với nhau thì rất buồn”.






Buổi sáng, mọi người thường tập trung tại bến xe bus để đến trường


Một bạn sĩ tử đến hỏi phòng thuê và đang được chủ nhà dắt đi tham quan






Quy định của một khu nhà trọ





Chúng tớ quay trở về trung tâm thành phố, vẫn kịp thấy khung cảnh nhộn nhịp đông vui của làng đại học Thủ Đức, tiếng đàn hát, cười đùa vui vẻ của các bạn sinh viên.

Trong thời buổi hiện nay, giá cả vật chất leo thang, thì để kiếm một phòng trọ lịch sự, khang trang với giá hợp lý quả thật rất khó. Nhưng dù ở hoàn cảnh, tình huống nào thì các bạn vẫn cố gắng thu xếp nhà cửa gọn gàng sạch sẽ, tinh thần vẫn lạc quan yêu đời hoàn toàn đúng chất sinh viên.