Trò chuyện nhanh với một thực tập sinh trường ĐH Ngoại Thương tại Singapore

Cá Mập, Theo Trí Thức Trẻ 23:52 27/04/2012

Để xem những gì mà các sinh viên trường Ngoại Thương nói về việc mình bị bóc lột tại Singapore thực hư thế nào nhé!?

Khi vụ “lùm xùm” quanh chuyện “bóc lột thực tập” của các bạn sinh viên trường ĐH Ngoại Thương, HN còn chưa được làm rõ, chúng tớ đã kịp liên lạc với một bạn trong đoàn 48 sinh viên sang Sing đợt tháng 2 vừa rồi. Bạn ấy cũng đang làm ở dịch vụ sân bay của Singapore (SATS) đấy! Hãy cùng nghe những gì bạn ấy thu được trong khoảng thời gian đáng nhớ này nhé!

Công việc của một “special service section”, sướng hay khổ?

Nhàn (tên nhân vật đã được thay đổi), nhân vật mà chúng tớ “tóm được”, đã chia sẻ về công việc của bạn ấy như thế này: “Nói chung là giúp đỡ những hành khách bị khuyết tật, người già, người không biết nói tiếng Anh, hàng khách nhỏ tuổi đi du lịch một mình có thể làm các thủ tục trong sân bay dễ dàng và nhanh chóng hơn.” 

Khi được hỏi về “scandal” đưa khách đi vệ sinh, đó có phải một đầu mục công việc bắt buộc không, bạn ấy nói: “Công việc thì có cả đẩy xe lăn, nhưng chuyện đưa khách đi vệ sinh thì rất hy hữu và gần như không có. Bản thân khách hàng họ cũng có lòng tự trọng của người ta. Còn với những người kiểu khuyết tật hoàn toàn thì họ cũng có người nhà đi cùng chứ cũng không nhờ đến mình đâu.” 


Các sinh viên trường Ngoại Thương trong chuyến thực tập tại Singapore vừa rồi.

Không ít cư dân mạng cũng phê phán, chỉ trích các sinh viên trường ĐH Ngoại Thương rằng, họ kênh kiệu và tự cao, tự đại quá. Sự thật thì đâu phải vậy! "Mình cũng được phân công làm ở sân bay, cũng đưa đón khách, rõ ràng là có vất vả, làm đâu cũng mệt thôi, nhưng tôi chưa hề thấy bạn ấy kêu than một lần. Một tuần bọn tớ làm việc 44h, tùy theo lịch mà được nghỉ 1 - 2 ngày, trung bình cứ 3 - 5 ngày thì được nghỉ 1 ngày. Tính ra mỗi ngày làm khoảng 8h, giữa giờ nghỉ 1h. Mất thời gian thì chủ yếu do chỗ ở hơi xa chỗ làm (mất 1h để đi hoặc về) nên cũng hơi mệt một chút, nhưng giao thông ở Sing rất tiện lợi và nhanh chóng, nên không sao cả. Công việc phải thay đổi ca, làm việc theo nhiều múi giờ khác nhau nên lúc đầu không quen sẽ khá mệt mỏi vì bị đảo nhịp sinh học. Nhưng dần dần sẽ quen. Đấy cũng là một trải nghiệm hay” Nhàn cho biết.

Thực hư ra sao chuyện bóc lột?

Hàng ngày, bạn ấy và những “đồng nghiệp” đi làm bằng xe bus, nhưng nếu công việc đột xuất cần bắt đầu quá sớm và kết thúc quá muộn thì sẽ có xe của công ty đưa đón về tận nơi. “Nói là làm 8h nhưng thực ra thời gian khá bận rộn, đông đúc thì chỉ có khoảng 4 - 5h vì có nhiều chuyến bay dồn dập. Còn lại, bọn tớ vẫn được chơi khoảng 2 - 3h, tùy từng ca”. 

Nói về “vấn đề tế nhị” chính là lương, Nhàn cho biết: “Lương của công ty thì luôn được trả đầy đủ và đúng hạn. Chỉ có tiền allowance của đại lý thì hai tháng trước có trả chậm nhưng sau đó đã được giải quyết đầy đủ rồi. Mọi người cứ than đói, khổ chứ làm vài tháng, mọi người đã mua Iphone, sắm đủ thứ, không thì bỏ tiền vào tài khoản tiết kiệm.”

Không giống như những bạn sinh viên có phản hồi không mấy tích cực về “đợt thực tập” này, Nhàn chỉ có những phàn nàn nhỏ về việc công ty của bạn ấy hơi “chậm chạp” trong việc lắp đặt đường truyền internet cũng như trả tiền hoa hồng. Nói chung là mọi thứ giờ đã ổn cả rồi. 

Hẳn là cũng đọc báo và hiểu rõ những sự “thất vọng” rồi “vỡ mộng” của các bạn đồng môn của mình, Nhàn đưa ra lời “cảnh báo”: “Công việc này nếu nói là internship (thực tập) thì không đúng. Nói là “work and travel” thì đúng hơn. Nếu nói là internship, nhiều bạn sẽ shock vì thấy công việc không như mình mong đợi”.

Bảng thông báo tuyển thực tập sinh đợt 2 và 3 tại Singapore.

Ngoài việc thừa nhận trình tiếng Anh ngày càng được nâng cao, bạn ấy cũng đề cập đến những “ác cảm” mà mọi người đang gán cho công ty đưa các bạn đi lần này. “Từ vấn đề to hay nhỏ của nhân viên, họ đều lắng nghe và có hướng giải quyết tức thời, sao cho nhân viên có thể thoải mái làm việc. Môi trường làm việc thì có nhân viên đến từ nhiều quốc gia khác nhau, mọi người cũng vui vẻ và thân thiện, nên không có cảm giác bị lạc lõng trong một tổ hợp lớn. Tất nhiên là ở đâu cũng có người này người kia, nhưng nói chung là mọi người đều đối xử tốt với bọn tớ. Các cô chú lớn tuổi thương bọn tớ mới sang còn cho nhiều lời khuyên hữu ích trong công việc rồi mua bánh, mua nước cho ăn nữa. Hôm trước, sinh nhật một bạn trong đoàn, sếp của bọn tớ còn mua bánh đến chúc mừng sinh nhật, nói chung là vui” - Nhàn đặc biệt tiết lộ.

Nếu là “work and travel” thì có học được gì không?

Chúng tớ đã đưa ra câu hỏi là “Nếu được chọn lại, bạn có quyết định đi thực tập bên Sing nữa không, nhất là sau quá nhiều “tai tiếng” được đồn thổi về Việt Nam như thế?”, bạn ấy đã khẳng định chắc nịch rằng: "Đó là một quyết định hoàn toàn đúng đắn".

Ai chẳng biết đi làm là khổ, kiếm được đầu tiền dù ở vị trí nào cũng mệt lắm thay. Nhưng cái Nhàn thu được không chỉ là những suy nghĩ ban đầu như thế. Nhàn nói: “Một năm ở đây, tớ tin rằng mình sẽ biết thêm nhiều thứ, học thêm được nhiều điều và thấy thế giới này thật rộng lớn. Nhiều sinh viên trường mình sang đây cứ nghĩ rằng Ngoại Thương đã là cái gì ghê gớm lắm. Đi mới biết chúng tớ cũng chẳng là gì. Thoạt đầu, chúng tớ đều nghĩ biết tiếng Anh là đã hơn người. Ở đây, người ta còn nói được 3 - 4 thứ tiếng, trôi chảy hẳn hoi, đa phần mọi người đều nói được, nhưng họ chẳng bao giờ kiêu căng cả. Vì với họ, đó là chuyện hoàn toàn bình thường.”

Hòa cùng “làn sóng” 3 - 4 ngoại ngữ của người dân Sing, Nhàn cũng đang cố gắng học vài câu thông dụng tiếng Trung, tiếng Hàn và tiếng Nhật để có thể giao tiếp với khách trong những trường hợp cần thiết. 

“20 năm ở Việt Nam chỉ biết học và học, sang đây tớ mới hiểu thế nào là làm việc, thế nào là cuộc sống. Có thể học được cách quản lý cuộc sống, tiền bạc, thời gian, công việc của mình, tớ thấy bản thân trưởng thành lên nhiều lắm” - cô bạn chia sẻ thật lòng.

Bạn ấy cũng nói thêm rằng: “Tớ không cho rằng làm việc ở đây mãi mãi là một ý hay, nhưng dành một năm ở đây để học hỏi và trải nghiệm, dành thời gian cho bản thân mình, theo tớ nghĩ, là một quyết định đúng đắn”.


Hợp đồng lao động của Công ty Inter Island với sinh viên ĐH Ngoại thương.

Không có con đường nào trải đầy hoa hồng

Nghề nào cũng gian khó vậy thôi, quan trọng là bạn có biết cách bằng lòng và ứng phó với nó bằng nhiều cách khác nhau vậy thôi. Vẫn biết rằng mệt mỏi và không ít áp lực, nhưng Nhàn đã biết tự động viên bản thân, tìm ra những nguồn vui trong cuộc sống để tiếp tục công việc. Còn về trường hợp của các bạn sinh viên khác tỏ ra bất mãn với công việc của mình đã khiến không ít người lên tiếp và "phủ đầu". Một comment của Hoàng Hùng có ghi lại trên mạng rằng: "Đọc bài viết và bình luận của các bạn mà tôi thấy tiếc cho cách nghĩ của các bạn trẻ Việt Nam. Các bạn cứ nghĩ tốt nghiệp đại học là một cái gì ghê gớm, ra trường là phải làm này vị trí này nọ... Nhà trường đã quá tốt khi tìm kiếm cho các bạn cơ hội thực tập để cọ xát với thực tế cuộc sống.

Các bạn bảo sống và làm việc, được giao tiếp với người nước ngoài ở Singapore mà không nâng cao trình độ ngoại ngữ tiếng Anh và tiếng Trung được hay sao? Tôi đảm bảo với các bạn là với những sinh viên Việt Nam thực tập ở các công ty trong nước cũng không ai cho các bạn làm việc gì ngoài dịch tài liệu, trà, nước, chạy đi đưa tài liệu đây đó... Đôi khi phải biết nhìn nhận lại vấn đề và hãy biết làm tốt từ những việc nhỏ nhất đi đã nhé."

Trong khi đó, một bạn tên Kim Yến đã từng đi thực tập ở Thụy Sỹ cũng lên tiếng: "Tôi là người đã từng tu nghiệp ở Thụy Sỹ, chuyên ngành Quản lý khách sạn. Khi đi thực tập, chúng tôi cũng làm đủ thứ việc, các bạn có thể hình dung các bạn vào khách sạn có nhân viên làm những việc gì, thì sinh viên thực tập chúng tôi cũng làm hết những việc đó, từ dọn rác, lau chùi phòng vệ sinh, làm bếp, làm bar, làm phòng, lễ tân... đủ cả. Và chúng tôi được dạy là muốn là một người quản lý tốt thì phải làm tốt và phải hiểu công việc của nhân viên. Nếu như các bạn chúng tôi cũng gọi về nhà mà kêu ca là phải đi dọn toilet, quét rác, phải đi lau nhà... - xấu hổ, bị bóc lột, hại sức khỏe... - không thể chịu được - thì chắc sinh viên Việt Nam chúng tôi chẳng ai đủ tiêu chuẩn mà tốt nghiệp." 

Còn GS.TS Hoàng Văn Châu - hiệu trưởng trường ĐH Ngoại thương lại từng nói rằng: "Sinh viên đi làm việc chứ không phải du lịch. Hàng tháng các em được trả lương và tiền làm thêm giờ. SV phải xác định đi thực tập, làm việc chứ không phải đi chơi, đi du lịch. SV hoàn toàn tự nguyện và trực tiếp ký hợp đồng làm việc với công ty Inter Island. Hợp đồng cũng được phụ huynh ký xác nhận sau khi được nhà trường thông báo toàn bộ thông tin về chương trình thực tập. Việc giúp người khuyết tật cởi quần đi vệ sinh, ngay cả đời sống thường ngày chúng ta có thể giúp những người khuyết tật làm việc này. Ở đây nếu quả đúng là SV có phải làm việc đó thật thì không có gì phải xấu hổ cả, nhất là khi mình được họ trả lương đàng hoàng”. (Trích: Giadinh)