Tips cho bài kiểm tra giữa kì đầu tiên

Lumie, Theo 00:01 01/10/2011

Bắt đầu năm học đã hơn một tháng nay, ắt nhiều bạn đang phải lo sốt vó vì nghe phong phanh đâu đó chuẩn bị ôn tập cho bài kiểm tra giữa kì đầu tiên!?

Tuy chỉ là bài giữa kì, nhưng với mục đích đánh giá đúng chất lượng học sinh, do vậy các trường học đều tổ chức rất nghiêm túc hệt như một kì thi cuối kì. Không ít bạn sau kì nghỉ hè lơ là chuyện học hành nên cảm thấy rất lo lắng trước bài kiểm tra này. Dưới đây là một số tips giúp bạn tự tin hơn khi làm bài kiểm tra giữa kì đầu tiên của mình.

Khoanh vùng trọng điểm

Kiến thức cần học đa số nằm trong chương trình học kì 2 năm trước và cả một vài bài cơ bản của đầu năm. Chẳng hạn, nếu bạn học lớp 11 thì nội dung bài kiểm tra sẽ chủ yếu ở phần kiến thức học kì 2 của năm lớp 10, thêm vào đó có 2 đến 4 bài đầu tiên lớp 11. Đây đều là những nội dung đã học qua. Do đó, bạn chỉ cần ôn lại là có thể nắm vững.

T.Phương (Lớp 11, THPT Đống Đa, Hà Nội) chia sẻ: “Mình đôi khi cũng cảm thấy sợ những bài kiểm tra đầu năm. Dù biết chắc rằng kiến thức nằm chủ yếu ở phần đó, nhưng sau hè mình cũng không còn nhớ nhiều. Chắc phải ôn lại thì mới nhớ”.

Tâm lý thi cử

Cũng giống như những bài kiểm tra học kì khác. Muốn làm tốt được các bạn phải đánh giá đúng mức độ quan trọng của nó. Nên có thái độ tích cực khi học và làm bài. Nhiều bạn nghĩ rằng chỉ cần qua 5 điểm là được nên không cần phải cố gắng. Tuy nhiên, bài kiểm tra này sẽ giúp bạn đánh giá được lượng kiến thức bạn học được trong năm trước là bao nhiêu, có thiếu hụt ở đâu không. Chỉ khi làm bài nghiêm túc và hết sức bạn mới nhận ra được điểm yếu và vùng kiến thức thiếu sót của mình.

Mặc dù vậy nhưng cũng không nên quá căng thẳng. “Mình đã từng chỉ vì bài kiểm tra đầu năm mà ốm mất 1 tuần liền. Sáng, chiều đều đi học thêm nên chỉ có buổi tối là mình tự học. Thời gian hơi ít nên mình phải thức đêm thường xuyên ôn thi. Thiếu ngủ, lại ăn ít nên bị ốm” – bạn Phương Linh (Lớp 10, THPT Nhân Chính, Hà Nội) nói. Đặt mục tiêu đạt điểm cao trong kì thi này là động lực tốt giúp bạn tự tin khi làm bài nhưng vì thực hiện mục tiêu đó mà ép mình phải thức đêm học trong tình trạng mệt mỏi thì không những không đạt kết quả cao mà còn hại người dẫn tới kết quả không được như ý muốn.



Cách ôn tập bài

Vì đều là kiến thức đã học nên bạn có thể mở lại vở ghi để học. Những kiến thức tóm gọn trong đó cùng với bài tập đã làm qua sẽ giúp bạn nhớ lại.

Với môn Toán, bạn nên ghi lại những dạng bài chính rồi học thuộc và làm bài tập trong sách cho nhuần nhuyễn. Môn Văn thì học thuộc thơ và văn cùng cách phân tích của từng bài. Trước các kì thi thường có thông tin rò rỉ, lộ đề. Tuy nhiên, không phải tin nào cũng đúng, cũng đáng tin cậy. Do đó, không nên học tủ hay nghe theo các tin đó tránh trường hợp tủ đè.

Điểm bài kiểm tra đầu năm có quan trọng? 

Đó là câu hỏi của rất nhiều bạn học sinh. Thường thì các trường đều lấy điểm thi này làm bài 1 tiết của các môn, tuy nhiên, điều này phụ thuộc vào từng trường quy định.

M.Tuấn (Lớp 9, THCS Nguyễn Trãi, Hà Nội) lo lắng nói: “Mình thấy rất lo vì nhỡ bị điểm kém thì có thể kéo điểm cả năm xuống. Chưa kể, điểm bài thi này còn được thông báo trong cuộc họp phụ huynh sau đó. Điểm kém quá sẽ khiến bố mẹ thất vọng”. Suy nghĩ của Tuấn cũng là suy nghĩ chung của rất nhiều bạn. Đôi khi áp lực điểm và nỗi lo lắng điểm sẽ được thông báo cho phụ huynh khiến các bạn mất bình tĩnh và không làm bài hết sức.

Bình tĩnh, tự tin ôn bài cẩn thận và chu đáo chính là bí quyết giúp bạn đạt được thành công trong bài thi đầu năm.