"Thủ lĩnh ngầm" một thời của thí sinh Đường lên đỉnh Olympia

Tri Thức, Theo 10:25 23/09/2013

Không chỉ dừng lại ở vai trò một người chơi của chương trình, Phạm Văn Thắng còn được cộng đồng các thí sinh dự thi Đường lên đỉnh Olympia biết đến là người kết nối và tổ chức các phong trào trong nhiều năm liền.

Hai lần được mời tham dự chương trình

Nhớ lại thời điểm cách đây 13 năm, khi còn là cậu học sinh lớp 12 trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Quảng Trị), Phạm Văn Thắng rất vui khi được Ban giám hiệu nhà trường cử đi thi chương trình Đường lên đỉnh Olympia - một gameshow truyền hình thu hút rất đông khán giả.

Là học sinh đầu tiên của trường tham dự chương trình, nhưng anh suýt bỏ lỡ cơ hội này. Cuối năm 2000, anh nhận được lời mời từ ban tổ chức nhưng đành phải từ chối vì khi đó, anh đang tham gia ôn thi học sinh giỏi quốc gia môn Vật lý của tỉnh Quảng Trị nên không thể sắp xếp thời gian.

Vài tháng sau, bất ngờ khi nhận được thư mời lần thứ hai, chàng trai Quảng Trị đã quyết định tham dự, với tinh thần chơi là chính. Bởi thời điểm đó, anh đang dồn hết tâm sức vào kỳ thi học sinh giỏi quốc gia cũng như kỳ thi đại học. Mặc dù vậy, anh vẫn là một trong những thí sinh lọt vào vòng thi tháng.

"Thủ lĩnh ngầm" một thời của thí sinh Đường lên đỉnh Olympia 1
Anh Phạm Văn Thắng.

Khi được hỏi kỷ niệm đáng nhớ nhất gắn liền với cuộc thi này, anh Thắng chia sẻ rằng đó không phải là một kỷ niệm vui. Anh kể: “Thời điểm diễn ra cuộc thi cũng là lúc tôi tham dự đội tuyển học sinh giỏi quốc gia môn Vật lý. Lọt vào vòng thi tháng, khi đang là người có số điểm cao thứ hai, tôi đối mặt với câu hỏi cuối cùng, mang tính quyết định việc tôi có vươn lên thứ nhất được hay không. Tôi vẫn nhớ đó lại là một câu hỏi về Vật lý, lại khá dễ. Khi giành được quyền trả lời, tôi khá tự tin nhưng không hiểu sao lại trả lời sai. Điều đó khiến các thầy giáo cũng như bản thân tôi cảm thấy rất buồn và thất vọng”.

Chia tay cuộc thi một cách đáng tiếc song anh Thắng vẫn thường xuyên theo dõi chương trình. Theo anh, những năm đầu tiên tính chất câu hỏi cần sự tư duy, suy luận và logic nhiều hơn. Còn hiện tại, các câu hỏi dường như rất rộng, đòi hỏi các bạn chơi phải đọc và nhớ nhiều.

Anh cũng cho biết thêm, những năm đầu, các thí sinh tham gia chương trình không hề có máy tính, chỉ sử dụng giấy bút để tính toán và trả lời câu hỏi.

Chàng thủ lĩnh năng động

Không chỉ dừng lại ở chuyện “thi xong xuôi tất cả lại về”, các thí sinh dự thi chương trình Đường lên đỉnh Olympia còn xây dựng một cộng đồng với rất nhiều hoạt động thiết thực. Để làm được điều đó, một trong những người có vai trò kết nối và tổ chức phong trào chính là anh Nguyễn Văn Thắng.

Thông qua diễn đàn, anh Thắng cùng những người bạn cũng là các thí sinh Olympia thường xuyên tổ chức gặp mặt, giao lưu, trao đổi tài liệu học tập. Bên cạnh đó, các anh còn tổ chức nhiều cuộc thi kiến thức trực tuyến, thu hút đông đảo các thành viên tham gia, bao gồm cả những người chưa từng dự thi chương trình Đường lên đỉnh Olympia nhưng có sự đam mê kiến thức, ham học hỏi.

Không chỉ dừng lại ở đó, cộng đồng Olympia này còn thực hiện các hoạt động thiện nguyện, giúp đỡ trẻ em nghèo, mồ côi, người già khó khăn...

Anh Thắng chia sẻ: “Các bạn dự thi chương trình đều là những học sinh giỏi. Vì vậy, khi liên kết lại với nhau sẽ tạo thành một cộng đồng mạnh. Chúng tôi vẫn tương tác, giúp đỡ và chia sẻ thông tin với nhau, trong đó có cả những cơ hội học tập và nghề nghiệp”.

Hiện tại, công việc dẫn dắt cộng đồng, tổ chức các hoạt động đã được chuyển giao dần cho các bạn trẻ nhưng anh vẫn là một trong những thành viên tích cực của diễn đàn.

Mặc dù tốt nghiệp khoa Công nghệ thông tin (nay là đại học Công nghệ - đại học Quốc gia Hà Nội) nhưng anh Thắng lại đang gắn bó với nghề báo. Đến với nghề cũng là một cái duyên đối với anh. Khi còn là sinh viên, vì đam mê bóng đá, ngay từ năm thứ ba đại học anh đã tập tành viết bài gửi báo Thể thao & Văn hóa - Thông tấn xã Việt Nam và may mắn được đăng ngay từ những bài viết đầu tiên.

Sau đó, anh trở thành cộng tác viên và chính thức gắn bó với báo Thể thao & Văn hóa từ khi tốt nghiệp đại học cho đến nay. Giờ đây, anh đang là Trưởng phòng Điện tử, phụ trách trang điện tử của báo Thể thao & Văn hóa, đồng thời là thành viên cốt cán của Ban thư ký tòa soạn.

Gia đình Olympia

Không chỉ là một thành viên tích cực của cộng đồng Olympia, anh Thắng còn có một cái duyên khác với chương trình. Đó là người vợ anh - chị Vũ Thị Phương Quỳnh - cũng là thí sinh từng dự thi chương trình này.

Chị Quỳnh, người Vĩnh Phúc, là thí sinh dự thi Đường lên đỉnh Olympia năm thứ tư. Hai năm sau khi tham dự chương trình, mặc dù vẫn theo dõi các buổi phát sóng hàng tuần trên VTV3 nhưng thời điểm đó, anh Thắng gần như không có bất cứ ấn tượng gì về cô nữ sinh này.

Đến năm 2003, trước khi trận chung kết năm thứ tư diễn ra, ban tổ chức chương trình có mời những thí sinh từng lọt vào vòng thi tháng các năm trước đó tham dự gala tại khu du lịch Thác Đa (Ba Vì, Hà Nội). Cặp đôi cũng tham gia chương trình gặp mặt và cùng được xếp chung một nhóm.

Nhớ lại kỷ niệm này, anh kể: “Hồi đó, bạn Quỳnh vẫn chỉ là một cô nữ sinh lớp 12, lại khá trầm trong khi mình đã là sinh viên, khá sôi nổi nên khi tham gia chương trình giao lưu, hai người hầu như không trò chuyện nhiều. Mình cũng không có ấn tượng nào đặc biệt về bạn ấy, ngoài vẻ nhút nhát và mái tóc dài”.

Sau thời gian đó, Quỳnh thi đỗ đại học Ngoại thương Hà Nội và qua những buổi giao lưu của cộng đồng Olympia, hai anh chị cũng quen nhau hơn. Vì anh làm nhiệm vụ kết nối, kêu gọi mọi người tham gia nên cũng hay “rủ rê” chị.

Đến khi tốt nghiệp đại học, chị Quỳnh lại tình cờ làm việc gần tòa soạn nơi anh đang công tác. Sau những lần hẹn hò cà phê, “chém gió”, hai người thân thiết với nhau hơn và dần nảy sinh tình cảm.

"Thủ lĩnh ngầm" một thời của thí sinh Đường lên đỉnh Olympia 2
Hai thí sinh cùng dự thi Olympia giờ đây đã nên duyên vợ chồng.

Anh kể, trước khi hai người tổ chức cưới, anh được cử đi học tập tại Berlin - Cộng hòa Liên bang Đức trong vòng nửa năm theo chương trình 165. Vì vậy, một mình chị ở nhà chuẩn bị mọi thứ cho đám cưới. Lúc về nước, anh chỉ việc chụp ảnh cưới và làm chú rể.

Hiện tại, hai anh chị đã có một cô con gái hơn 2 tuổi - bé Phạm Hà Minh. Tên của bé được đặt theo một trong hai bút danh của anh trong làng báo. Anh dự định, nếu sinh bé thứ hai là con trai thì sẽ đặt tên là Đông Hà - bút danh chính của mình.

"Thủ lĩnh ngầm" một thời của thí sinh Đường lên đỉnh Olympia 3
Bé Phạm Hà Minh.

Một điều đặc biệt đó là, bé Hà Minh ngay từ lúc hơn một tuổi đã rất thích xem chương trình Đường lên đỉnh Olympia, dù có lẽ bé chưa hiểu được gì. Cũng chính vì điều đó, nên chủ nhật hàng tuần cả nhà anh chị đều dành thời gian cùng nhau theo dõi chương trình này.