Thủ khoa đau đầu lập kế hoạch chi tiêu

An Ninh Thủ Đô, Theo Trí Thức Trẻ 10:12 01/10/2013

Thủ khoa Bùi Thị Thảo Hương, sinh viên ĐH Ngoại Thương cho biết, cô đang lên kế hoạch chi tiêu chi tiết cho năm đầu tiên sinh hoạt, học tập trong môi trường đắt đỏ giữa Thủ đô thời điểm này.

Là một thủ khoa ĐH có hoàn cảnh khó khăn, chắc hẳn việc nhập học và sinh hoạt ở Thủ đô khiến bạn rất vất vả?

Đây là thời điểm các bạn sinh viên bắt đầu nhập học nên chắc chắn là phải tính toán nhiều, từ việc hoàn thành thủ tục nhập học, đăng ký môn học đến việc tìm chỗ trọ và chuẩn bị sinh hoạt ăn uống hàng ngày. Chỉ riêng tiền nhập học học kỳ này em đã phải đóng 2,5 triệu đồng. Đây là khoản khá lớn đối với các gia đình còn khó khăn.

Vậy để duy trì việc học tập trong điều kiện kinh tế không dư dả, bạn đối phó thế nào?

Hiện tại mình với bạn cùng lớp đi tìm chỗ trọ với mức giá phù hợp. Việc ăn uống sẽ phân công nhau nấu nướng để sao cho chi phí không quá cao và vẫn đảm bảo thời gian học tập. Ngoài ra, mình cũng lên kế hoạch để giành học bổng trong học kỳ tới.

Thủ khoa đau đầu lập kế hoạch chi tiêu 1

Sinh viên làm thêm ngoài giờ học tại một quán cơm bình dân trên phố Nguyễn Quý Đức. Thanh Xuân, Hà Nội. Thủ khoa Bùi Thị Thảo Hương, sinh viên ĐH Ngoại Thương (ảnh nhỏ)

Thủ khoa đầu vào như bạn cũng chưa được cấp học bổng?

Ở trường ĐH Ngoại thương, chỉ sau một học kỳ, dựa vào kết quả học tập nhà trường mới quyết định cấp học bổng cho bạn nào xứng đáng. Đây thực sự là một thách thức với tân sinh viên tụi mình khi phải làm quen với hình thức học tập mới, môi trường mới.

Vậy còn khoản học bổng bạn được nhận từ các quỹ xã hội với thành tích Thủ khoa?

Học bổng mình được nhận từ Quỹ học bổng của các tổ chức xã hội là món quà rất có ý nghĩa cả tinh thần và vật chất. Mình định sử dụng số tiền này cho việc học thêm tiếng Anh vì ở cấp THPT mình học môn tiếng Nga. Ngoài ra, mình cũng dự kiến rút ngắn thời gian học tập trong 3 năm để hoàn thành số tín chỉ theo quy định của nhà trường. Như vậy mình sẽ tiết kiệm được 1 năm học ĐH, cũng là tiết kiệm được các chi phí phát sinh.

Bạn có định kiếm việc làm thêm để tự trang trải kinh phí sinh hoạt của mình?

Đây cũng là một cách để các bạn sinh viên gánh một phần trách nhiệm kinh tế cho gia đình, đặc biệt là những gia đình còn nhiều khó khăn như mình. Tuy nhiên, mình cũng dự kiến chưa đi làm thêm trong năm học thứ I để tập trung vào việc học tập theo kế hoạch của mình. Mình cho rằng với kế hoạch như vậy, sẽ hạn chế được những chi phí không cần thiết trong quá trình học tập, ăn ở tại Hà Nội trong thời gian tới.