Thói xấu từ người bạn cùng phòng làm bạn khổ sở

Quỳnh Trang, Theo Pháp luật xã hội 00:00 23/12/2013

Ở bẩn, nợ nần, hay dùng đồ đạc cá nhân của người khác... Thật mệt mỏi nếu bạn có những người bạn cùng phòng có thói quen gây phiền nhiễu. Bạn đang băn khoăn không biết tìm cách nào để giải quyết cho ổn thỏa?

Ở bẩn

Phòng trọ luôn bừa bãi và lộn xộn, thật ngán ngẩm nếu bạn cùng phòng của bạn không hề động tay đến việc dọn dẹp, giữ gìn vệ sinh chung. 

Tìm được phòng qua tấm biển tìm người ở ghép. Sau một tuần, Tuấn (tân sinh viên Đại học Bách Khoa) cảm thấy ngán ngẩm vì những người bạn cùng phòng của mình. Ngoài vùi đầu trong game và mạng xã hội ra, các bạn không hề dọn dẹp, quét dọn, thậm chí là vứt rác hay giặt đồ. Căn phòng lúc nào cũng trong tình trạng “chiến trường”, khiến Tuấn phải chuyển đi ngay 1 tháng sau đó.

Chậm trả tiền thuê nhà

Một người bạn không trả tiền thuê nhà đúng hạn sẽ làm ảnh hưởng đến các bạn cùng phòng khác. Nhiều bạn sinh viên đã bị chủ trọ phạt, thậm chí là đuổi đi do nộp tiền chậm.

Thùy Linh (sinh viên năm 2 Đại học Sư phạm Hà Nội) than thở về người bạn cùng phòng của mình: “Tớ biết rằng nhà bạn ấy khó khăn, nhưng vậy không có nghĩa là mỗi tháng bạn ấy đều chậm trả tiền phòng, hoặc vay mượn chúng tớ để đóng tiền phòng rồi không chịu trả lại.” 

Thói xấu từ người bạn cùng phòng làm bạn khổ sở 1

Dùng đồ dùng cá nhân của bạn

Bạn cùng phòng mặc đồ của bạn và đồ dùng cá nhân khác từ quần áo, giầy dép, mũ nón, đến cả kem dưỡng da, son môi... mà không cần hỏi bạn đến một câu. Bạn đã gặp phải trường hợp này bao giờ chưa? Vấn đề này ắt hẳn sẽ làm bạn rất khó chịu. 

Học cùng lớp đại học, chơi thân với nhau, Nhung và Nga (Đại học Văn hóa Hà Nội) dọn đến ở cùng nhau, vì quá thân thiết nên Nhung thường mặc quần áo, đi giày dép của bạn cùng phòng khiến Nga rất khó chịu. “Mình vừa đi học về, thì tá hỏa khi thấy Nhung đi đôi giày mới mua của tớ đi chơi. Giận thì giận lắm, nhưng mà ngại chẳng thể nói ra” - Nga tâm sự.

Dẫn bạn lạ về nhà

Một thói xấu vô cùng kiêng kỵ khi ở trọ nữa là bạn cùng phòng dẫn một người bạn lạ lẫm về cười đùa, trò chuyện, thậm chí ngủ lại. Hương (sinh viên Đại học Thăng Long) nói: “Bạn cùng phòng của mình chơi thân với một bạn từ nhỏ, vì vậy bạn ấy hay dẫn bạn về cùng nấu ăn, trò chuyện, cười đùa ríu rít như đôi chim, làm mình thấy buồn bã, lạc lõng, lại không thể tập trung vào việc học nữa.

Nhưng đó không phải là điều quan trọng, cái chính là khi dẫn về bạn ấy chẳng hề thảo luận với mình. Đến khi trong phòng thất lạc đồ, tiền bạc thì lại xảy ra tình trạng nghi ngờ, ngờ vực lẫn nhau rất ngại. Lúc đó cũng chẳng có ai chịu trách nhiệm cả".

Tác phong chậm chạp

Một cô bạn cùng phòng luôn lề mề, chậm chạp. Tắm lâu, sử dụng nhà vệ sinh lâu, nấu ăn chậm chạp khi bạn đang đói, ắt hẳn sẽ khiến bạn thật sốt ruột. Nhiều khi, sự lề mề, chậm chạp của bạn cùng phòng sẽ làm bạn phải hoãn lịch và các hoạt động khác. 

Thói xấu từ người bạn cùng phòng làm bạn khổ sở 2
Ảnh minh họa.

Phải làm sao?

Việc chung sống với những bạn cùng phòng một cách vui vẻ và ăn ý là một điều không dễ, nhưng sẽ không hề khó với sự cảm thông, chia sẻ và thắng thắn giữa những người bạn với nhau. Khi có điều khi không vừa lòng, đừng ngại góp ý một cách nhẹ nhàng với bạn cùng phòng của bạn. Đừng chịu đựng một mình, rồi đến một ngày, bạn sẽ không thể chịu đựng được thêm nữa. Những lời nhắc nhở nhẹ nhàng và mang tính xây dựng lúc nào cũng được trân trọng.

“Khi mình có điều gì làm bạn cùng phòng không vừa lòng, các bạn ấy đều góp ý thẳng thắn. Vì vậy chúng mình có thể làm vừa lòng nhau và sống một cách thoải mái, đó là bí quyết mà chúng mình có thể ơ cùng với nhau suốt 3 năm rồi mà chưa có ý định chuyển chỗ.” - Minh Anh (sinh viên Đại học Phương Đông) vui vẻ nói về các bạn cùng phòng của mình.

Còn chính bạn thì sao. Bạn sẽ "xử lý" người bạn cùng phòng của mình như thế nào?