Thầy Vĩnh Bá - "ông Bụt" của teen Quốc Học

Ái Nhi; Ảnh: Chí Long, Theo 09:20 20/11/2011

Nếu bạn yêu thích học tiếng Anh thì chắc đã biết đến thầy Vĩnh Bá - người thầy viết rất nhiều sách nổi tiếng. Thầy chính là thầy, là cha, là ông Bụt của teen Quốc Học Huế đấy.

Teen Quốc Học Huế luôn tự hào khi kể về thầy Nguyễn Phước Vĩnh Bá – giáo viên dạy môn Anh văn. Mặc dù thầy đã về hưu, nhưng với các bạn í, thầy chính là “ông Bụt”, là người cha già và là người thầy kính yêu. 

Thầy Vĩnh Bá chắc không còn xa lạ gì với dân chuyên ngữ rồi đúng không nào? Thầy chính là tác giả của rất nhiều bộ sách và bộ đề tiếng Anh hay mà các bạn chăm học tiếng Anh thường bảo nhau rằng: “Sách của thầy Vĩnh Bá là sách gối đầu giường cho những ai muốn học giỏi tiếng Anh.”


Thầy có mái tóc bạc và khuôn mặt hiền từ và được các teen Quốc Học gọi trìu mến là "ông Bụt".

Nhưng đó không phải là lí do duy nhất mà teen Quốc Học yêu mến thầy như thế! Thầy là từ điển sống của dân chuyên Anh, những điều dù khó hiểu đến đâu thầy cũng đều giải đáp thông suốt. Có bạn còn khoe trên facebook rằng: “Thầy Vĩnh Bá của tớ giỏi lắm! Thầy còn viết cả từ điển nữa cơ mà!”. Thầy đều nhớ tên hầu như tất cả các học sinh của mình, kể cả những thế hệ học trò từ nhiều khóa trước. “Con học hành răng rồi?”“Trời lạnh nhớ mặc ấm nghe!” – thầy động viên, quan tâm học trò như vậy đó! Thầy hỏi han từng chuyện, nhắn tin động viên khi học trò ăn ngủ không yên vì chờ kết quả thi cử. Thầy bảo rằng hồi trước thầy bị đuổi học vì không có năng lực nhưng rồi thầy cũng quay lại trường học và bắt đầu lại từ đầu nên đừng bao giờ bỏ cuộc. Nhiều học trò tâm sự rằng được học với thầy là một hạnh phúc, không chỉ có kiến thức uyên bác mà thầy còn rất tâm lí nữa. Chính vì thế mà teen Quốc Học đã lập một fanpage cho thầy mang tên: Hội những người yêu thương thầy Vĩnh Bá..

Bảo Quyên (cực học sinh Quốc Học) viết về thầy:

Nghe tin thầy nghỉ hưu rồi, tôi sững sờ trong giây lát. Bất động. Kể cả trái tim tôi. Hôm ấy là thứ Sáu. Đến thứ Bảy, lại như một thói quen, tôi định đi thăm thầy.
Dãy hành lang trống...Dài xa như vệt quá khứ...Cứa sâu vào mắt tôi. Đau!...
Và tôi thực sự ko thể ngăn nổi những giọt nước mắt yếu đuối - thứ mà tôi rất ghét!
Tôi thực sự đã ý thức được mình đã mất đi điều gì.
Những năm tháng dưới mái trường Quốc Học này, tôi chỉ toàn thấy mệt mỏi và ức chế. Và cái lạnh của sự cô độc tột cùng... Thầy như một bến bờ bình yên ru ngủ tôi sau bao thất bại liên tiếp và mệt mỏi tràn trề, thầy như một bản piano dịu dàng mang đến cho tôi một tình thương ấm áp...Nhìn thầy tôi như nhìn thấy thời gian, nhìn thấy những giá trị chân chính của cuộc sống, nhìn thấy cái gọi là ý nghĩa của cuộc sống này. Tôi cần thầy thật nhiều vì thầy chính là chỗ tựa tinh thần cho tôi trong những ngày tháng phổ thông.
Thầy ạ! Thầy là một trong những lí do khiến con  muốn trở thành cô giáo và phấn đấu sống tiếp. Con yêu thầy thật nhiều, ba Bá của con. Mong thầy luôn tuyệt vời như thế, thầy nhé!”





Nhân ngày 20/11, chúng tớ đã có một buổi trò chuyện thú vị với thầy:

Em xin chào thầy! Trước hết cho em xin chúc thầy có một ngày 20/11 vui vẻ và hạnh phúc! Thầy có thể cho em biết tâm trạng của mình khi đón mừng ngày Nhà Giáo Việt Nam?

Cảm ơn lời chúc mừng của em. Cũng như tất cả những người yêu nghề dạy học khác, tôi thấy lòng mình ấm lại mỗi khi lại đến cái ngày mà nghề nghiệp của mình được tôn vinh. Sự tôn vinh này làm tôi nhận ra ngay từ những ngày mới vào nghề rằng dạy học không đơn giản là một nghề để kiếm sống. Dạy học là làm công việc khai hóa, và công việc này của mọi nhà giáo đã được xã hội ghi nhận. Tôn trọng người dạy học là một trong những dấu hiệu của một xã hội văn minh.

Cảm xúc của thầy thế nào khi nhận được những lời chúc từ học trò trong ngày hôm nay?

Cảm động. Nhất là khi nhận được lời chúc từ những học trò cũ của 20, 30 mười năm về trước.

Với thầy, món quà 20/11 nào là ý nghĩa nhất? 

Không bao giờ tôi quên được tâm trạng cảm kích khi học trò cũ đến thăm dẫn theo cả vợ hoặc chồng và cả con cái. Cái cô hay cậu học trò tinh quái ngày xưa bây giờ là những người chững chạc. Có người thành đạt nhưng cũng có người đang bươn chải, có những người hồi ấy rất xuất sắc môn tiếng Anh của tôi nhưng cũng có người học mấy cũng không giỏi được. Thực là ý nghĩa khi thầy trò cùng ôn lại kỉ niệm vào ngày này.

Thầy có thể chia sẻ một vài kỷ niệm trong ngày này không ạ?

Tôi nhớ mãi cái khăn tay bằng vải thô, trên một góc có thêu dòng chữ ”Kính tặng Thầy nhân ngày Hiến Chương Nhà Giáo 20–11” mà tôi được tặng vào ngày này khi dạy học ở một trường miền quê rất xa vào thời cả nước đang khó khăn. Những cái khăn thêu này đã được các em gái phân công nhau thêu vào giờ ra chơi những ngày trước đó. Cái khăn thêu gói trong một tờ giấy hoa kèm theo tấm thiệp tự tạo nắn nót lời chúc mừng, thật cảm động biết bao!

Tôi cũng nhớ một trận lụt đúng vào ngày 20-11, học trò đến thăm ngồi chưa ấm chỗ đã phải vội vã ra về vì nước đang dâng nhanh ngoài đường vào nhà tôi. Cũng chính trong ngày này, tôi lặng người đi khi chợt nhớ vài học sinh đã qua đời giữa lúc son trẻ và vài học sinh khác đang vật vã với cơn tâm thần quái ác!  



Thầy chụp ảnh cùng các học trò.

Từ lúc đứng trên bục giảng đến nay, thầy cảm thấy tâm đắc điều gì nhất?

Thời đi học của tôi nhiều gian nan và trắc trở, nguyên nhân chính là vì tôi rất kém các môn khoa học. Để bù lại tôi chỉ tập trung vào học các môn xã hội và tôi đã phải vật lộn với ngoại ngữ để mong vượt qua hai kì thi tú tài.

Cái vất vả khi tự học ấy đã làm nảy sinh trong tôi một tâm niệm ngay khi mới vào trường sư phạm, rằng sau này khi trở thành thầy giáo tôi sẽ cố giúp học sinh hiểu sao cho nhanh chóng những điều mà ngày xưa tôi phải tự mày mò một cách vất vả mới hiểu được. Tôi thật sự tâm đắc khi chỉ với một vài lời giải thích ngắn gọn mà giúp cho học trò tránh được nhiều giờ hoặc nhiều ngày lục lọi sách vở. Một phần của công việc dạy học là truyền cái kinh nghiệm học sao cho nhanh, là chỉ ra con đường tắt để tới cái hiểu. Cái cảm giác “hài lòng với nghề nghiệp” làm cho chữ “thầy” trở thành rất có ý nghĩa. 

Tôi chỉ tiếc một điều là vì sự bó buộc của chương trình, tôi đã không làm được điều mà tôi muốn bắt chước một vị thầy dạy tiếng Anh lớp 12 của tôi tại một trường tư ở Sài Gòn đã làm: Giới thiệu với các em cái đẹp của nền văn học viết bằng tiếng Anh. Thầy đã biếu cho cả lớp mỗi người một cuốn giáo trình in ronéo: “Nhập Môn Văn Chương Mỹ” do thầy biên soạn dành cho sinh viên khoa Anh Văn đại học Văn khoa Sài Gòn, và thầy say sưa phân tích và bình giảng các tác phẩm suốt cả năm học. Tôi yêu văn học Mỹ từ đó. Ngoài cái học để thi, còn có cái học để biết. Tôi chỉ mới dạy cho học sinh cái học để thi. 

Trên Facebook có một hội: Hội những người yêu thương thầy Vĩnh Bá. Ngoài học trò của thầy thì thành viên của hội còn có những người chưa học với thầy bao giờ nhưng cảm mến vì những cuốn sách thầy đã viết. Thầy nghĩ gì khi học trò lập một trang fanpage ý nghĩa như thế này để thể hiện lòng yêu mến dành cho thầy?

Tôi rất cảm kích trước thiện ý của những em khởi xướng và trước những lời tốt đẹp mà các học sinh cũ lẫn mới dành cho tôi, mặc dù tôi vẫn luôn cố tránh mọi sự nhắc nhở đến mình trước đám đông. Thỉnh thoảng tôi có ghé vào trang này để tìm xem có người học trò cũ nào lâu ngày không có tin tức, nhưng tiếc là không biết tên thật sau một số nickname.


Nhật Hà - cô bạn học lớp 10 chuyên Anh đến thăm thầy nhân ngày 20.11.




Thầy có thường trò chuyện hay gần gũi với các em học sinh không ạ? Những học sinh nào làm thầy ấn tượng nhất?

Với mỗi lứa học trò, tôi không có cơ hội trò chuyện với tất cả, nhưng qua trò chuyện với các em tôi nhận ra được những khác biệt trong cách nghĩ  của các em và của tôi hồi bằng tuổi các em. Mối “cách biệt thế hệ” là một thực tế. Chính các em cũng hiểu rõ mối cách biệt này, thể hiện ở sự ngạc nhiên pha thích thú khi tôi "giả vờ" sành sỏi về các ban nhạc đang “hot” với tuổi teen!

Tôi ấn tượng khi tìm được sự “đồng điệu” ở nơi những học sinh yêu thích môn dạy của mình. Đó là những học sinh “học để biết”, không phải “học để thi”.

Thầy hãy kể một vài kỷ niệm trong suốt thời gian đứng lớp cho chúng em biết với ạ!

Kỷ niệm thì nhiều, tôi không biết lựa cái nào để kể. Nhưng có kỷ niệm này có thể làm các thầy giám thị nhăn mặt: Hồi ấy tôi đang chủ nhiệm một lứa chuyên Anh. Một hôm thoáng thấy bóng thầy giám thị sắp ghé vào lớp kiểm tra đồng phục học sinh, tôi liền ra hiệu cho mấy em gái không mặc áo dài ra trốn ở hành lang sau của phòng học vốn rất rộng của trường Quốc Học, và đón thầy giám thị ở cửa lớp, thầm mong thầy đừng đếm số học sinh có mặt. 

Ngược lại, cũng với lớp này, rất nhiều bận tôi đến lớp trong tình trạng kiệt sức vì đang giai đoạn lo toan làm nhà, chỉ kịp ra bài tập cho cả lớp rồi trốn ra sau hành lang nằm nghỉ trên hai cái bàn học ghép lại mà các em đã khiêng giúp tôi, và cũng chính thầy giám thị ấy được các em, đang rất trật tự làm bài, trả lời là tôi vừa mới đi đâu ra ngoài đó thôi. Cái kỷ niệm bao che lẫn nhau này vẫn được nhắc lại mỗi khi các em lớp này gặp lại tôi trong ngày 20–11.

Sau khi đọc bài phỏng vấn này, hẳn các bạn cũng đã hiểu hơn về người thầy đáng kính của teen Quốc Học và cũng là người thầy mẫu mực đối với các bạn học sinh chuyên Anh đúng không nào. Nhân ngày 20/11, cùng chúc thầy Vĩnh Bá luôn khỏe mạnh và hạnh phúc, các bạn nhé!