"Thám tử" học đường

Mực tím, Theo 15:58 22/11/2009

"Chết! Gần 300k tiền quỹ...bay đâu mất tiêu rồi?" - Sau lời thảng thốt của thủ quỹ, cả lớp 11K trường X (Q.1) cũng hốt hoảng theo. Đó là "vụ án" thứ ba liên tiếp xảy ra ở lớp từ đầu năm học tới nay...

Những "vụ án" bí ẩn

Hai "vụ án" trước, lớp 11K chỉ bị cuỗm những thứ linh tinh như thước, máy tính... Nhưng lần này lại là số tiền khá lớn. Và cả ba vụ mất cắp đều xảy ra trong tiết học thể dục. Tuy nhiên, thủ phạm vẫn là một ẩn số. Mọi người đều lo ngại, không hiểu kẻ gian đột nhập bằng cách nào vì trường có rào cao, bảo vệ canh giữ cẩn thận, người ngoài khó lọt vào được. Nhiều bạn bán tín bán nghi, cho rằng lớp có "giặc trong".

Một "vụ án" nữa xảy ra cách đây chưa lâu ở trường Y (Tiền Giang). Chuyện bắt đầu khi ba bạn: Q. M, N. P và A. K bị ba bạn khác trong trường là Đ.T, M.T và C.T hăm doạ: "Không nộp tiền sẽ bị... giang hồ chặt tay!". Q. M không giấu được vẻ sợ hãi, cứ thấp tha thấp thỏm không yên, rồi bỗng dưng... xin tiền ba mẹ thường xuyên. Gia đình lo lắng, liên hệ với nhà trường nhờ giúp đỡ.

Cũng ly kỳ không kém là "vụ án" xảy ra ở lớp 11A1 trường quốc tế Z (Q. Phú Nhuận). Trường có cả học sinh bán trú lẫn nội trú, riêng lớp 11A1, đa số teen học bán trú. Lớp có 25 thành viên, trong đó 9 bạn nam nổi tiếng mê chơi bóng đá, thường vào lớp trễ sau các giờ học thể dục. Thậm chí có lần, một bạn còn lén chuyển rượu vào trường bán cho các nhóm học sinh nội trú. Vào ngày "định mệnh" ấy, một bạn nữ trong lớp bất ngờ thông báo cặp táp của mình bị lục tung và 50k trong hộp bút đã "bốc hơi"...


Ảnh chỉ mang tính chất minh họa

"Thám tử" ra tay

Vừa nhận được tin ở lớp 11K trường X, một nữ "thám tử" lập tức vào cuộc bằng việc tăng cường tiếp xúc với các học sinh. Người ấy cũng không quên quan sát biểu hiện của từng người và lập các "vệ tinh" là cán bộ lớp để hỗ trợ thu thập "tin nóng". Trong suốt quá trình điều tra, nữ "thám tử" không đả động gì đến chuyện lớp bị mất đồ mà chỉ trò chuyện với teen những câu chuyện về lòng tự trọng, tính trung thực... Ngày nọ, các "vệ tinh" thông báo cho nữ "thám tử" tin tức quan trọng: L và H dạo gần đây thường tỏ ra lo lắng, ít nói chuyện với bạn bè. Hai người nằm trong diện bị tình nghi này cũng có biểu hiện học hành sa sút. Ngay lập tức, nữ "thám tử" hẹn gặp L, H tại căn tin trường. Sau một hồi trò chuyện cởi mở, H đã tin tưởng tâm sự với nữ "thám tử" vì buồn chuyện gia đình nên học tập lơ là. Một mối nghi ngờ bị loại trừ. Còn L, lúc đầu cứ một mực khẳng định không biết ai đã lấy tiền của thù quỹ. Nhưng trước thái độ vừa cương vừa nhu của nữ "thám tử", cậu bạn đã thú nhận: "Tại mê game nên em... làm liều!"...

Ở trường Y, thám tử là một người đàn ông trung niên sở hữu chất giọng ấm áp và cách nói chuyện "ngọt như mía lùi". Sắp xếp nhiều cuộc gặp gỡ thân mật ngoài giờ học, như một người bạn lớn, người ấy chăm chú lắng nghe chuyện kể của các học trò, từ chuyện trường lớp đến chuyện riêng tư. Chính thái độ ân cần và gần gũi của người ấy mà Q.M đã đồng ý tiết lộ bí mật: bạn bị Đ.T bắt nộp vài chục ngàn mỗi tuần. Địa điểm và thời gian đưa tiền do Đ.T qui định (thường xuyên thay đổi). Q.M vốn hiền lành nên khi bị dọa, cô bạn vô cùng hoảng hốt. Nỗi khiếp sợ lên đến đỉnh điểm khi lần nọ, Q.M bị "người lạ" túm tóc trong nhà vệ sinh. Q.M đành chọn giải pháp câm nín và tìm mọi cách kiếm tiền "cống nạp". Tương tự, lần đầu N.P bị C.T "xin" 5k. Nhưng những lần sau, số tiền N.P phải nộp lên đến hàng trăm ngàn. Còn A.K thì bị M.T (cậu bạn cùng lớp trước đây, nay đã nghỉ học) bắt phải "cho" 200k. Sau khi nắm thông tin từ các nạn nhân, "thám tử" lên kế hoạch hành động. Hôm đó, y hẹn, Q.M ghé vào nhà vệ sinh để gặp thủ phạm. Khi Đ.T vừa nhận tiền từ tay Q.M thì bị "thám tử" bắt quả tang. Cũng bằng cách tương tự, "thám tử" không mấy khó khăn để "túm" hai tên thủ phạm còn lại.

"Thám tử" ở trường Z thì có "chiêu" khác. Sau khi tiếp cận nạn nhân, người ấy chỉ lẳng lặng nghe kể chuyện mà không bình luận gì. Trưa hôm sau, thám tử mời 9 nam sinh lớp 11A1 trường Z xuống căn tin. Trò chuyện một hồi, người ấy hỏi: "Dạo này, khi chơi đá banh các em phải trả tiền thuê sân bao nhiêu?". Cả nhóm ngỡ ngàng. Rồi người ấy kể ngày trước mình cũng "ghiền" bóng đá, lúc bí tiền đã từng mượn bạn bè để thuê sân chơi cho bằng được. Những lời tâm sự tiếp tục được người ấy chia sẻ bằng câu chuyện một lần nhặt được 50k trong lớp và đã... nhảy tưng tưng vì nghĩ mình gặp may với "của từ trên trời rơi xuống". Nhưng sau đó, khi phát hiện người đánh rơi tiền là một bạn rất nghèo, phải dành từng đồng để đi học, người ấy quyết định trả lại. Từ ngỡ ngàng, nhóm nam sinh chuyển sang bối rối. Cuối buổi chiều, 9 anh chàng ấy đã tìm gặp "thám tử" để tiết lộ một "vụ án tập thể". Vì thiếu 50k thuê sân chơi bóng, nhóm đã bày binh bố trận: người đứng vòng ngoài canh chừng, người lục cặp cô bạn cùng lớp. Các bạn cũng thừa nhận chuyện từng mang rượu vào trườngỖbán. Sau khi nhận lỗi, nhóm đã gửi số tiền đánh cắp nhờ "thám tử" trả lại cho nạn nhân và hứa sẽ không tái phạm nữa.

Chân dung "thám tử"

"Thám tử" của "vụ án" ở lớp 11K chính là cô chủ nhiệm Đặng Tuyết Lan. Lần đó, sau khi cô "phá án", trong tiết sinh hoạt lớp, các bạn bị mất cắp không khỏi ngạc nhiên khi thấy đồ của mình bỗng dưng quay về cố chủ. Cả lớp hỏi chuyện, cô chỉ cười và bảo mình có... "phép". Đặc biệt, danh tánh của thủ phạm được cô thoả thuận với các "vệ tinh" giấu kín nhằm giữ thể diện cho những bạn đang muốn sửa chữa lỗi lầm. Từ đó, tập thể teen lớp 11K càng "tình thương mến thương" hơn.

Với "vụ án" ở trường Y, đích thân thầy hiệu trưởng Bùi Công Tại "phá án". Sau khi giải quyết xong sự việc, ai cũng nghĩ thầy sẽ kỷ luật những bạn phạm lỗi. Tuy nhiên, vì hiểu học trò của mình bị những đối tượng xấu ngoài trường dụ dỗ, lôi kéo làm chuyện hư hỏng, thầy quyết định cho các bạn cơ hội sửa sai. Trong "vụ án" này, thầy đã thuyết phục Đ.T phối hợp với các giáo viên trong trường bắt gọn nhóm côn đồ từng uy hiếp bắt buộc học sinh trong trường trấn lột những bạn khác. Nhờ lấy công chuộc tội nên 3 thủ phạm của "vụ án" trấn lột chỉ phải làm bản kiểm điểm, chứ không bị cảnh cáo trước toàn trường. Họp riêng với phụ huynh, thầy còn khéo léo nhắc nhở gia đình quan tâm hơn đến con em mình nhằm phát hiện đúng lúc những biểu hiện "kì kì" và xử lí kịp thời.

Còn vị "thám tử" tâm lí trong câu chuyện ở trường Z chính là thầy giám thị Đình Huấn. Sau khi "phá án", thầy cũng giữ bí mật chuyện xấu cho 9 bạn nam lớp 11A1 Các bạn càng cảm động hơn khi biết rằng, để điều tra "vụ án", thầy đã bỏ nhiều công sức, thời gian để tìm hiểu hoàn cảnh gia đình, tính cách của từng người để có cách cư xử phù hợp. Nể phục tấm lòng vị tha, hết lòng vì học trò của thầy, các bạn đã hứa học hành tốt hơn. Và kết quả đậu đại học năm học vừa rồi của cả nhóm đã chứng minh lời hứa ấy.

Không chỉ tận tuỵ trong từng bài giảng để truyền đạt kiến thức cho bao thế hệ học trò, thầy cô chúng mình còn như những người cha, người mẹ sẵn sàng xông vào nơi nguy hiểm để bảo vệ đàn con thân yêu. Tấm lòng ấy sao chúng mình có thể quên, phải không bạn!