Teen "vật vã" khi ở chung với chủ nhà

Xuân Thu, Theo 00:00 03/12/2011

Học các trường chuyên ở thành phố, nhiều teen cũng phải ở trọ giống như SV ĐH. Và có một số quy định rất oái oăm mà teen nhà mình vẫn phải chịu khi ở trọ chung với nhà chủ.

Không về nhà sau 22h

“Khi mình tới trọ ở đây, bác chủ nhà đã đưa cho mình một tờ quy định gồm 11 điều yêu cầu cần thực hiện đủ. Mình cứ nghĩ như ở quê, 22h là muộn nhưng ở Hà Nội, mọi sinh hoạt đều bắt đầu muộn cứ gần 21h mình mới ra khỏi nhà được. Có 1 tiếng ở ngoài thì mình đi được tới đâu chứ” - Hà Oanh (lớp 11- Lý, THPT chuyên KHTN) than thở.

Hầu hết các nhà trọ ở cùng chủ, chìa khóa cổng, chìa khóa nhà đều do chủ nhà giữ. Khi đi phải đi qua cổng hay phòng khách của chủ nhà nên các bạn khó lòng có thể về muộn.

Nguyễn Hương (lớp 11 Anh, THPT chuyên Ngữ) chia sẻ: “Năm đầu tiên, bố mẹ cho mình trọ ngay cạnh trường, ở chung nhà với chủ cho yên tâm. Có lần mình ra ngoài sinh nhật bạn, mình đã phải cáo lỗi về sớm nhưng về tới nhà cũng là 22h30 thế là mình bị cô chủ nhà mắng cho một trận. Làm mình ngại với cậu bạn đưa về quá”.

Nếu bạn nào bận việc học, đi làm thêm,... thường xuyên về muộn sau 22h thì tốt nhất nên thương lượng lại với chủ nhà để tìm hướng giải quyết. Vì đây chắc chắn là những quy định đầu tiên mà bất cứ chủ nhà nào cũng sẽ "giao kèo" với bạn lúc đầu trước khi ký hợp đồng thuê nhà. Nhưng lúc này bạn chẳng thèm nói gì mà cứ thường xuyên về muộn thì chắc chắn chủ nhà sẽ làm khó với bạn đấy.

Không cho bạn vào nhà chơi

Lý do chủ nhà trọ đưa ra cho quy định này là để đảm bao an ninh trật tự trong nhà trọ.

“Nếu bạn bè cháu tới chơi thì ra quán nước ngồi. Nhà cô chật chội, với lại nếu bạn bè tới chơi thì sẽ làm ảnh hưởng tới những người cùng phòng nên nếu bạn cháu tới thì cháu đưa bạn ra quán nước ngồi nói chuyện nhé” - chủ nhà trọ của Mai (Yên Bái) thông báo ngay khi bạn tới hỏi thuê nhà.

“Quy định này thật quá đáng. Không bao giờ mời bạn về nhà chơi, khác nào chẳng có bạn thân. Như vậy thì chơi được với ai nữa” - Mai bức xúc nói.

Tuy là bạn đã thuê nhà, nhưng dù sao đây cũng là nhà của người khác. Bạn bè đến chơi nếu là một, hai, ba người thì bạn có thể mời vào, nhưng nếu như gặp trường hợp của bạn Mai phía trên, quá đông người thì bạn phải là người linh động, xin phép chủ nhà trước một ngày để lấy ý kiến. Vì các bạn kéo quá đông bạn bè đến, gây ồn ào hay mất trật tự cũng rất phiền hà hàng xóm đó chứ.



Không được để xe của khách vào sân

Đi chung cổng với chủ nhà, vì lý do chật chội, nhiều chủ nhà lại đưa ra quy định: sân chỉ để xe của người trong xóm trọ. Khách thì không được để xe vào.

“Bạn mình tới chơi, để xe vào sân, lát sau bác chủ nhà lên làm ầm lên, hỏi xe của ai, cháu có đọc quy định chung không, nếu cháu không thuê ở đây nữa thì thôi… Mình thật không biết phải nói sao với cậu bạn nữa” - Lê Thị Nhiên (THPT Lê Hồng Phong) buồn rầu kể.

Cùng ở chung xóm trọ với Nhiên, Hồ Văn Toàn (Hà Nam) rất bức xúc vì bạn tới chơi đều phải ra tận ngoài chợ gửi xe. “Sang tháng mình sẽ chuyển nhà, ở thế này chắc không có ai dám tới nhà mình nữa” - Toàn nói.

Không cho bạn ngủ nhờ qua đêm

“Mình biết quy định này đúng và chủ nhà làm thế cũng chỉ vì bảo đảm an ninh trong xóm. Nhưng các bác chẳng linh động cho chúng mình tý nào. Bạn mình tới chơi, bị nhỡ xe bus, mình xin bác cho ngủ lại. Bác bắt mang chứng minh thư, thẻ sinh viên xuống, nếu không có thì không cho ngủ lại” - Phạm Thủy (THPT Nguyễn Tất Thành) cho biết.

“Ai cũng có những lúc đột suất, có khó khăn gì mà không thể thông cảm được cho tụi mình chứ. Bạn mình tới chơi, xin phép ở qua đêm, chủ nhà bảo cứ trả 10.000 đồng/đêm. Nhẹ nhàng chẳng phải lo bị mắng mỏ gì. Nhưng nhiều lúc cũng có hơi ngại với bạn bè” - Đặng Thanh Phúc (THPT Nguyễn Tất Thành) cho biết.

Tạm kết

Ở chung với nhà chủ sẽ có những quy định hoàn toàn trái ngược với cuộc sống sôi động của teen. Nhưng bù lại, an ninh được bảo đảm cao. Các bạn có thể trò chuyện với chủ nhà để có được lòng tin của họ và đi dần tới việc thương lượng lại những quy định chung hợp lý nhé!