Teen bị loạn với giấy báo nhập học

Huyền Trang, Theo 00:01 27/08/2010

Dù đang hồi hộp chờ kết quả NV2 nhưng nhiều teen lại đang quáng quàng, nhộn nhạo với đủ các loại giấy báo nhập học. Thậm chí có nhiều trường, các sĩ tử chưa một lần nghe danh, thế mà giấy trúng tuyển lại được gửi về tận nhà. <img src='/Images/EmoticonOng/00.png'>

Không thi cũng trúng tuyển

Nhiều ngày qua, hàng loạt giấy mời nhập học, giấy báo trúng tuyển của các trường lần lượt gửi về. Kèm theo đó, một số trường mới mở, trường liên thông nước ngoài, và một số trường tư thục, dân lập, trường dạy nghề cũng liên tục gửi giấy báo làm nhiều sĩ tử rối ren.

Không chỉ các teen thành phố mới bị loạn giấy báo nhập học, nhiều bạn ở dưới tỉnh cũng mắc phải vấn đề này. Nhiều ngày qua, cô bạn Hà Thu (sn 1992) cảm thấy rối vì có quá nhiều giấy nhập học gửi về nhà. Chẳng ít lần cô bạn cứ phải “há hốc mồm” vì ngạc nhiên khi nghe tên những trường mà mình chẳng hề biết đến.

Hà Thu chia sẻ: “Từ ngày các trường bắt đầu gửi giấy báo nhập học, mình đã nhận được 8 tờ giấy báo trúng tuyển và mời học. Đa số là các trường nước ngoài, tư thục và dạy nghề. Những lần đầu, gia đình mình không biết, gọi điện thoại hối hả lên sung sướng báo tin mình trúng tuyển. Nhưng sau này vỡ lẽ ra, gia đình mình cũng chẳng gọi nếu nhận được giấy báo. Mình sau mấy phen mừng hụt cũng quen dần”.

Không hề thi, không hề đăng kí nhận giấy báo, nhưng không hiểu vì sao các sĩ tử lại liên tục nhận được những tờ giấy báo “trúng tuyển” như vậy. Trường mình mong thì mãi chẳng thấy giấy, những trường chẳng biết đến thì liên tục gửi thư mời. Thậm chí đi qua một số ngã tư lớn, một số trường còn phát cả tờ rơi kèm theo tờ “Giấy mời nhập học”. Chính vì thế, giấy báo trúng tuyển làm một số bạn bị rối trong khâu chọn trường.

Trọng Bảo (Tiền Giang) chia sẻ: “Mình chỉ đủ điểm sàn Cao Đẳng, nên nếu giờ có nộp trường nào cũng chỉ học cao đẳng thôi. Khi nhận được giấy báo trúng tuyển của một trường ĐH liên thông nước ngoài mình rất đắn đo. Vì học trường nước ngoài phải thi tiếng Anh, rồi đóng tiền học tiếng Anh nhiều, học phí lại cao, không biết bố mẹ mình có lo nổi không. Nhưng có thể như thế sẽ tốt hơn học cao đẳng. Mình rất phân vân và đang tìm hiểu thử."

Những quan niệm và những câu hỏi mập mờ trong lòng các thí sinh không ít. Mỗi giấy báo trúng tuyển là mỗi sự đắn đo. Tất nhiên, ai cũng muốn lựa chọn con đường tốt nhất cho mình. 
 

Ảnh chỉ mang tính chất minh họa

Các trường dễ vào thì chất lượng đào tạo liệu có kém?

Nhận được những giấy báo mời nhập học với những hình ảnh lung linh và những lời quảng cáo về trường hết sức hấp dẫn, nhiều bạn không khỏi bị lôi cuốn. Thế nhưng kế bên đó là suy nghĩ: “Liệu nó có thật sự hay, thật sự tuyệt vời và dễ dàng như những lời quảng cáo không?”.

Ngọc Huyền (Phú Nhuận) chia sẻ: “Mình đậu NV1 rồi. Nhưng khi nhận được giấy báo trúng tuyển và đến tham gia buổi hội thảo và giới thiệu của một trường của Úc liên kết với Việt Nam mình rất muốn học. Mình chỉ lo rằng sao đầu vào có vẻ dễ quá? Quảng cáo thì hay nhưng chất lượng thực sự thì chưa biết ra sao? Rồi còn bố mẹ mình  liệu có đồng ý để mình thay đổi lựa chọn không nữa. Mình đang rất phân vân”.

Ngay cả bản thân các thí sinh còn chưa có niềm tin thì việc muốn cho các phụ huynh đồng ý còn… hơi bị khó. Một số trường nước ngoài, đầu vào khá dễ dàng, nhưng điều đó không đi kèm với chất lượng. Nhiều học sinh vẫn có khả năng nhập học, nếu có đủ điều kiện. Ngay cả những học sinh yếu tiếng Anh, cũng được tạo điều kiện học và thi tiếng Anh ở đầu vào. Nhưng có thể tiếp tục theo học hay không còn tùy thuộc và khả năng và quyết tâm của mỗi người.

Một điều chắc chắn hơn là các trường như vậy thì mức học phí thường khá cao. Đơn giản nó được đầu tư nhiều và quy trình đào tạo cũng khó khăn, gian nan hơn, giúp các sinh viên có nhiều kĩ năng mà họ chưa được trang bị. Thế nên, học phí cũng là vấn đề được nhiều bạn quan tâm.

Bên cạnh đó…

Nhận được những tờ giấy báo trúng tuyển kiểu như vậy giúp các thí sinh có thêm cơ hội lựa chọn trường học cho mình. Tuy nhiên, nếu không lựa chọn, tìm hiểu và xem xét kĩ sẽ rất dễ mắc phải sai lầm. Một số trường, tuy là trường nước ngoài nhưng chỉ là trường dạy nghề. Một số trường khác lại không thể học lên đến tận Đại học, hay nếu muốn học lên thì phải… đi du học nước ngoài.

Mức học phí, khi được quảng cáo trên giấy thường chưa hoàn toàn chính xác. Đó chỉ là những khoản chi chính, chưa kể đến những khoản phụ thu, hay những khoản đóng tiền để học thêm, để thi tiếng Anh đầu vào, tiền mua sách vở, chi phí trong quá trình học.

Không nên quá vội vã tin theo những lời quảng cáo, tuy nhiên, cũng đừng vội vã bỏ qua. Vì chắc chắn không phải trường hợp nào cũng giống nhau, và nó có tốt, có thích hợp hay không, cũng còn tùy thuộc vào hoàn cảnh của mỗi bạn, mỗi gia đình nữa.