Tại sao học mãi mà không giỏi?

Lumie, Theo 00:01 26/06/2011

Đã bao giờ bạn tự hỏi “Tại sao mình đã rất cố gắng học tập, chăm chỉ hơn người khác gấp nhiều lần mà vẫn không giỏi”?

Thomas Edison đã từng nói: “1% là thông minh, còn 99% là do chúng ta tự tìm hiểu, tự sáng tạo”. Tuy nhiên, không phải ai cần cù, chịu khó học tập đều trở nên giỏi giang được. Vì nhiều lý do khác nhau mà sự cố gắng của bạn dường như không được đáp trả. Dưới đây là một vài trong số rất nhiều những lý do đó.

Phương pháp học chưa hợp lý

Bạn tự xây dựng cho mình một chiến lược học tập. Ban đầu, bạn cho rằng nó phù hợp với mình. Tuy nhiên, chỉ khi áp dụng vào thực tế bạn mới phát hiện ra nó có rất nhiều vấn đề. Bạn mất rất nhiều thời gian học, phân bổ thời gian giữa các môn không hợp lý hay quá chú trọng vào môn này mà lơ là các môn khác… Tất cả những lý do trên đều khiến phương pháp học của bạn đi sai hướng.

Có thể coi phương pháp học như kim chỉ nam trong quá trình học tập của bạn. Do đó, hãy tự điều chỉnh và xây dựng cho mình một phương pháp học tích cực và phù hợp với bản thân.

Đi nhầm hướng

M.Tuấn (sinh viên năm 2) chia sẻ: “Suốt những năm cấp 2, 3 mình đều học rất kém các môn tự nhiên. Dù rất cố gắng nhưng mình vẫn không thể đạt được điểm 7, 8 môn Toán, Lý, Hóa. Thất vọng, chán nản vô cùng. Chỉ cho tới khi một người bạn của bố phát hiện ra khả năng về tin học của mình, mình mới như được khai sáng. Mình bỏ ý định học chuyên ngành Kinh tế, thay vào đó mình học ngành Công nghệ thông tin. Dù chỉ đỗ vào Cao đẳng nhưng kết quả học tập tốt khiến mình vô cùng tự tin”.


Đã có bao giờ bạn phân vân như thế chưa? 
 (Ảnh minh họa) 

Từ chia sẻ của M.Tuấn, bất cứ ai khi phải học môn học mà mình không thích đều cảm thấy chán nản và thiếu sinh khí, động lực để duy trì. Do đó, phát hiện ra thế mạnh và khả năng của mình ở đâu chính là một lợi thế giúp bạn thể hiện bản thân.

Thiếu kiên trì

Bạn không thông minh, nên khi học bạn mất nhiều thời gian hơn những người thông minh. Họ có thể giải một bài toán trong 5 phút, nhưng bạn có thể mất tới 10, 15 thậm chí là nửa tiếng đồng hồ hoặc hơn thế nữa. Tuy nhiên, nếu bạn sớm bỏ cuộc thì mọi sự cố gắng từ trước tới nay của bạn đều trở nên vô nghĩa.

Học nhồi nhét

Bạn tin vào câu nói “Cần cù bù thông minh” nên bạn rất chăm chỉ. Bạn đọc và học rất nhiều nhưng hiệu quả lại không thu lại được là bao. Điều này xuất phát từ việc bạn chỉ coi trọng xem số lượng mình học được là bao chứ không quan tâm nhiều tới chất lượng. Dù chăm chỉ, học được nhiều bao nhiêu thì bạn cũng phải xác định kiến thức nào cần cho mình hơn để tập trung vào nó. Bạn không thể gồng mình học tất cả các môn mà không có một môn nào là thế mạnh, nổi trội.

Biết bằng lòng với bản thân

“Giỏi” là một khái niệm tương đối. Có thể so với người này bạn kém hơn nhưng so với những người khác bạn lại giỏi hơn. Do đó, không nên kêu than quá nhiều “học mãi mà không giỏi”. Hãy biết bằng lòng với bản thân và phát huy thế mạnh hiện tại. Nếu bạn cho rằng như vậy vẫn chưa phải là giỏi thì hãy tiếp tục cố gắng. Kiên trì, chăm chỉ cộng với một phương pháp học đúng đắn sẽ là chìa khóa đưa bạn tới thành công như mong ước.