Sinh viên đi thi không cần học?

Mực Tím, Theo 17:08 26/12/2011

Những ngày cuối năm, khi học sinh cấp 3 đã được thư giãn thì đến lúc sinh viên chuẩn bị đối mặt với kì thi học kì đầy cam go. Tuy nhiên ...

... sinh viên vẫn khá thản nhiên, có bạn còn cho rằng: “Lên đại học rồi, đi thi cần gì phải học”…

Vậy tại sao họ lại có tư tưởng này và có thật sự một bộ phận sinh viên “không hề học gì” trước khi kì thi bắt đầu?

“Có học cũng… như không!”

Nếu như ở cấp 3, gần đến kì thi, học sinh ôn đến nhàu nát quyển vở, học đi học lại rất nhiều, làm đủ mọi dạng bài tập mà vẫn chưa yên tâm, thì lên đại học, sinh viên “gan lỳ” hơn. Môi trường thoải mái, không bị đốc thúc học, thời gian nghỉ quá nhiều, thầy cô lại không kiểm tra bài… đã khiến sinh viên dần dà bị “dị ứng” với sách vở. “Họ có thể đi học chỉ với một tờ giấy và một cây viết chì, thậm chí chả cần gì, tài liệu học thì có bạn còn không mua, gần đến kì thi thì í ới mượn nhau đi photo, rồi đọc được vài chữ thì… ngáp”- Mỹ Uyên (sinh viên năm 2 ĐH Hồng Bàng) chia sẻ.

“Học dồn”, “học ép”, “học tủ” là chuyện thường ngày của sinh viên. Phần lớn họ rất ít khi đụng đến sách vở, nhưng đến kì thi là bắt đầu lôi đề cương ra “luyện” đêm ngày, có khi thức trắng, nhưng kết quả thì… chẳng đâu vào đâu cả.

“Mình học ngành Xã hội, lúc chưa thi cử thì nhìn sách vở rất ngán, nhưng gần thi thì nỗi sợ hãi làm động lực nên cũng ráng học, học rất nhiều, nhưng rồi vì học một khối lượng kiến thức lớn trong khoảng thời gian quá ngắn nên học xong mình cũng chẳng nhớ được gì hết. Chính vì điều đó mà nhiều bạn quyết tâm… không thèm học vì có học cũng… chẳng nhớ gì” - Bảo Ngân (sinh viên năm 2 trường ĐH KHXH & NV) chia sẻ.

“Với một khối lượng kiến thức vô cùng lớn, mà trước đó chẳng hề nghiên cứu hay ôn luyện gì, thì cho thời gian vài tháng, bọn mình cũng không ôn hết. Nhiều bạn thậm chí đợi trước khi thi 1 ngày mới chịu giở tài liệu ra xem, lúc ra đề thi, nhớ được đến đâu viết đến đó” - Thúy Vy (sinh viên năm 1, ĐH CNTT) cho biết.

Chính vì thế mới có chuyện, khi học sinh cấp 3 đã thi xong và thư giãn, thì các anh chị sinh viên chuẩn bị ôn tập. Nhưng ôn kiểu gì không biết, chỉ biết suốt ngày họ khoe trên Facebook rằng đã đi đâu, làm gì, dịp lễ đến như thế nào, rồi những tâm trạng buồn vui vu vơ như tuổi mới lớn, chỉ vì những vấn đề vặt vãnh, hoàn toàn không đả động gì tới chuyện học.

“Không nhắc đến vì không dám đối diện với sự thật thôi. Thực ra vẫn lo canh cánh trong lòng đó chứ. Nhưng không học bài thì ráng mà chịu, chứ than thở với ai, sinh viên ai cũng như nhau cả” - Vân Anh (sinh viên năm 2 trường Cao đẳng Tài chính - Hải quan).



Hoàn cảnh chi phối

Kì thi học kì diễn ra vào cuối năm, khi lễ Noel đang diễn ra và Tết sắp đến gần. Sinh viên xa nhà lại được dịp… nhớ quê hương, mong được về quê để ăn Tết. Rồi mua sắm, đi chơi cùng bạn bè, người ấy, công việc, hoạt động Đoàn, Hội… Với ngần ấy hoạt động, công việc, kế hoạch, thì làm sao họ có thể tập trung để học hành đàng hoàng?

Sau khi thi xong môn đầu tiên, Bích Trâm (sinh viên năm 2 ĐH Ngoại Thương) chia sẻ: “Chưa bao giờ mình đi thi tệ như lần này. Đề thi hoàn toàn lạ lẫm và mình không có một tí kiến thức nào hết, chẳng biết làm thế nào vì khi làm cần nhớ công thức, mà đầu óc hoàn toàn trống rỗng. Cảm giác rất khó tả. Có thể mình sẽ phải học lại môn này, nhưng mình không cảm thấy quá lo lắng như thời cấp 3. Có lẽ vì cơ hội ở đại học có quá nhiều và áp lực thi đua không còn nữa”.

“Mình có 1 tháng để ôn trước khi thi học kì. Sáng sớm vừa mở cuốn sách thì nhỏ bạn rủ đi mua sắm. Trưa về thì bật tivi lên xem vì có bộ phim hay. Chiều đọc được vài trang sách thì có người nhắn tin, ngồi nhắn qua lại, sau đó thấy buồn buồn, mở Facebook lên xem. Gần tối thì cầm tờ đề cương mà ngủ lên ngủ xuống, bạn bè í ới: “Online đi kể cái này cho, hay lắm”, và thế là mình bỏ hết sách vở… Ngày qua ngày, lúc nào cũng bị hết chuyện này đến chuyện khác khiến mình mất tập trung, khi “tỉnh ngộ” thì kì thi đã đến, thế là bắt đầu quýnh quáng” - Mỹ Uyên cho biết.

Nếu không học, họ sẽ làm bài thi thế nào?

Phần lớn sinh viên thuộc nhóm “không học khi kì thi đến” chia sẻ rằng:

- Trước ngày thi sẽ siêng đọc tài liệu, đọc đi đọc lại nhiều lần và ráng nhớ các ý chính, có thể học tủ một vài câu, hỏi đề năm ngoái để “loại trừ”.

- Trước khi thi, cố gắng nhìn lại đống tài liệu lần cuối và tranh thủ viết ngay những gì mình đã nhớ vào một tờ giấy nháp sau khi được phát.

- Vào phòng thi, tích cực “chém gió”, viết ra thật dài và nhiều, trình bày thật sạch đẹp, có thể tranh thủ lúc giám thị lơ là thì tranh thủ hỏi hết sức có thể, mọi giác quan tích cực hoạt động, tai nghe mắt nhìn tay chép…

- Cố gắng ở lại phòng thi đến hết giờ dù cho bạn bè đều đã ra ngoài gần hết. Càng ở lại lâu, phòng thi càng vắng thì càng có cơ hội… hỏi.

Tất nhiên, đây chỉ là những thủ thuật mang tính tạm thời và phần lớn họ đều không đạt điểm cao. Nếu có “ăn may” cũng chỉ được vài lần vì với cái đầu không có kiến thức, không biết cách hệ thống nội dung bài học, kèm với tâm trạng lo âu thường trực, thì kết quả chỉ mang tính vớt vát, về sau kết quả học tập sẽ rất thảm hại.

o0o

Điều quan trọng không phải là bạn học gì, mà bạn học như thế nào. Nếu biết cách hệ thống hóa kiến thức và thật sự tập trung, thì bạn vẫn có thể học ít mà vẫn đạt được kết quả tốt. Nên tránh đổ lỗi cho hoàn cảnh hay bị tác động bởi môi trường xung quanh. Cách tốt nhất là học dàn trải để gần đến kì thi không phải cuống cuồng và mệt mỏi. Chúc các bạn thi tốt