Sinh viên chấp nhận rủi ro khi tìm việc làm thêm mùa Tết

Phan Hằng, Theo Pháp luật xã hội 00:00 05/01/2014

Những ngày ôn thi cuối kỳ đã kết thúc, thay vì tính toán kế hoạch ăn chơi xả stress thì nhiều bạn lại hào hứng muốn tìm việc làm, muốn kiếm thêm chút tiền để tiêu Tết thoải mái hơn.

Những công việc thời vụ được sinh viên (SV) lựa chọn

Thông thường những công việc thời vụ, ngắn ngày sẽ được SV lựa chọn nhiều nhất. Các việc như cắt tỉa hoa, dọn dẹp nhà cửa, làm mứt, bán quần áo, bán hàng trong hội chợ, các cửa hàng…thường chỉ làm trong những ngày đông khách, gấp rút giao hàng và lương gấp 2, 3 lần so với thông thường.

Có vẻ như nắm bắt được tâm lý của SV, những ngày cận Tết như thế này nên có rất nhiều nơi treo biển tuyển dụng, các công ty môi giới vào dịp này cũng tích cực đi phân phát tờ rơi. Trên các website tuyển dụng đăng tin hàng loạt mà các công việc thường chỉ làm trong 2, 3 ngày ngắn hoặc làm tính theo giờ, lương nhận liền sau khi kết thúc công việc.

Sinh viên chấp nhận rủi ro khi tìm việc làm thêm mùa Tết 1
Ảnh minh họa.

Bạn H.Mai (SV năm 3) vui vẻ cho hay: “Mình vừa kết thúc kì thi cuối kỳ, bây giờ việc học trên trường không còn căng thẳng nữa, với lại mình cũng đang có nhiều thời gian rảnh nên muốn kiếm thêm việc gì đó làm để kiếm chút tiền tiêu Tết. Mình ở trọ, Tết này chắc mình sẽ không về quê nên tranh thủ kiếm thêm tiền. Ở gần trường mình họ trồng rất nhiều hoa để bán Tết, họ đang cần người nên mình chộp thời cơ liền. Mỗi buổi mình làm 3 tiếng, công việc cũng rất nhẹ nhàng chỉ là tưới hoa, cắt tỉa, nhổ cỏ mà lương cũng khá cao. Mình làm cho tới 30 Tết.”

Thường thì những công việc như phục vụ nhà hàng, quán cà phê, bán trong chợ được SV chọn. Vì những nơi này SV có thể đến trực tiếp để xin mà không phải thông qua bất kỳ người nào, nên độ rủi ro cũng giảm.

Những rủi ro mà sinh viên gặp phải

Tất nhiên, với những công việc “hời” như thế này thì một năm chỉ có vài dịp để làm. Thế nhưng, không phải bất kỳ SV nào cũng dễ dàng tìm thấy những việc phù hợp với mình.

Dạo quanh một số con đường, các trụ điện hoặc trên các bảng thông báo ta sẽ thấy có rất nhiều những tờ thông báo tuyển dụng hấp dẫn vào dịp Tết. Tại các bến xe, các đường ĐH, CĐ, những nơi đông đúc người qua lại đều có rất nhiều người phát tờ rơi. Nếu để ý, bạn sẽ choáng váng bởi những lời mời chào cực kỳ hấp dẫn, việc nhẹ lương cao, nhận việc ngay, lương trả đúng hẹn sau khi làm xong việc, làm ngày 2-3 tiếng, uy tín, đảm bảo không mất tiền phí… mọi chi tiết xin vui lòng liên lạc tới số điện thoại…

Thấy công việc có vẻ tốt nên nhiều SV chủ động liên lạc, đến nơi nhiều bạn tá hỏa khi biết nếu muốn nhận việc ngay thì phải nộp một số tiền. Chấp nhận tốn phí để có được công việc hậu hĩnh kia, nhưng sau khi nộp tiền thì một số trung tâm hẹn ngày khác tới để đưa địa chỉ, hoặc bảo rằng trong 1, 2 ngày sau sẽ liên hệ lại. Và những lần gặp thứ 2, thứ 3 nhiều bạn SV bị yêu cầu phải nộp thêm 1 số khoản. Đến nước này nhiều bạn đã biết mình đã bị lừa nhưng đành cắn răng chịu đựng.

Sinh viên chấp nhận rủi ro khi tìm việc làm thêm mùa Tết 2
Ảnh minh họa.

Một số bạn đã từng đi làm thêm vào dịp Tết này chia sẻ lại kinh nghiệm cay đắng của mình. Bạn N.Loan (SV năm 2 ĐH KT) cho hay: “Vì sợ bị lừa nên mình chủ động tìm việc, nói chuyện trực tiếp với chủ luôn. Cuối cùng thì mình cũng tìm được một công việc rất tốt là làm mứt trong vòng một tháng, cứ nửa tháng sẽ trả lương một lần, ngày làm 3 tiếng tháng 2.500.000 đồng, 2 tuần trả một nửa số lương. Thấy hấp dẫn quá, mình đăng ký làm liền. 

Thế mà sau khi công việc kết thúc thì mình được hẹn ngày tới lấy nốt số lương còn lại. Sau nhiều lần hẹn mà vẫn không thấy gì, lúc nào cũng nhận được lý do để khất. Biết mình bị quỵt tiền mà không làm được gì người ta nên mình cảm thấy rất tức. Rút kinh nghiệm, năm nay mình sẽ nhờ bạn bè giới thiệu những người quen, đáng tin cậy hơn.”

Có một số trường hợp SV bị lừa rất “đẹp” mà vẫn phải “ngậm bồ hòn làm ngọt”. Một số bạn kể rằng, có những nơi bắt làm 2 tuần trước Tết. Theo như lời của chủ quán yêu cầu là nếu vi phạm 3 lỗi trở lên sẽ bị đuổi việc và chỉ nhận được nửa lương. Vì thấy lương cao mà công việc cũng không có gì nên nhiều người hăng hái đăng ký đi làm. Hơn tuần đầu, mọi chuyện đều suôn sẻ và những ngày gần cuối mọi người đều hớn hở vì sắp được nhận lương. Thế nhưng, trong những ngày gần cuối thì bị chủ quán bắt bẻ rất nhiều chuyện vô lý, cố tình để nhân viên vi phạm để chỉ trả nửa số lương. 

Vì đồng lương cao và những lời hứa hẹn có cánh mà nhiều SV đã đánh liều bán sức lao động cho những người lừa đảo. Thế nên, vào những ngày cao điểm gần Tết thế này tuy việc làm thêm là cần thiết nhưng SV phải cẩn thận trước những công việc “béo bở”.