Sát ngày thi, tránh học nhồi nhét

Bee, Theo 10:01 26/06/2012

Đề thi đại học không quá khó đến mức đánh đố nhưng lượng kiến thức phải học lại khá nhiều.

Theo các giáo viên có kinh nghiệm về luyện thi, để làm bài tốt, ngoài kỹ năng làm bài, thí sinh cần có kỹ năng ghi nhớ tốt, đừng vì "cuống" mà cố gắng "nhồi nhét".

Học cách ghi nhớ kiến thức

Có thể nói điều đầu tiên làm thí sinh đau đầu là vì học mãi không nhớ được. Làm chủ bộ não, làm chủ trí nhớ để đọc đâu nhớ đấy là một việc không dễ. Nhiều học sinh rơi vào tình trạng đọc đi đọc lại đến hàng trăm lần mà không thể nhớ được.
 
Thành công của Hà Khương Duy, huy chương vàng Olympic Toán quốc tế 2009 là biết cách ghi nhớ. Duy cho biết: Bí quyết chung cho việc ghi nhớ tốt đó là hãy liên kết thông tin trên giấy với hoàn cảnh thực tế ngoài đời. Kích thích não bằng hình ảnh, âm thanh, mùi vị... Khi đọc đến khái niệm nào, bạn hãy tập trung liên tưởng đến một hình ảnh liên quan đến nó. Bạn có thể vẽ hình, vẽ sơ đồ, không cần phải đẹp nhưng khi vẽ, não bạn sẽ được kích thích sáng tạo một cách tối đa, giúp mở rộng trí nhớ cho thông tin nạp vào. Đối với các môn tự nhiên, chỉ cần hiểu bản chất vấn đề là có thể ghi nhớ được.

Để ghi nhớ lâu bài học, thầy Nguyễn Sơn Hà, khối chuyên, Đại học Sư phạm Hà Nội cho biết, nên ghi chép thành dàn bài. Trước tiên bạn đọc toàn bài môn bạn đang học 1, 2 lần, có thể là 3 lần. Ðến lúc bạn nắm chắc yêu cầu bài mới thôi. Vì có hiểu sơ bộ bài, bạn mới lập được dàn bài. Bạn chia nội dung toàn bài thành 3 phần chính (ví dụ là A - B - C). Trong phần A - có nhiều mục nhỏ, bạn có thể sắp xếp các mục nhỏ ấy gọi là "tiêu đề" bằng những chữ số: 1, 2, 3... Sau đó, bạn có hệ thể hệ thống lại bằng cách "nhẩm trong óc" nhẩm từng phần một của dàn bài, chỗ nào quên bạn dừng lại, lật dàn bài ra xem lại. Bạn cứ tiếp tục nhẩm sang phần khác và đừng quên các phần quan trọng đáng ghi nhớ, đừng bỏ sót một chi tiết nào. Lần lượt như vậy cho đến hết toàn bài.

Có nhiều trường hợp học trò trầm uất, stress, ngớ ngẩn, thậm chí là tự tử vì áp lực học hành quá lớn. Thế nhưng, với kỳ vọng chính đáng vào con mình, nhiều phụ huynh vẫn buộc phải lên kế hoạch "nhồi nhét". Các chuyên gia tâm lý khuyến cáo, chỉ cần có phương pháp học tốt, việc tiếp thu bài học sẽ dễ dàng. Càng bắt, càng cố thì hiệu quả sẽ càng thấp.
 
TS Đỗ Mộng Tuấn, giảng viên cao cấp Trường Đại học Sư phạm Hà Nội cho rằng: "Kỳ thi đại học thường gây áp lực cho những học sinh mà kiến thức học không vững, học để đối phó. Tuy nhiên, với những trường hợp này thì không nên nhồi nhét kiến thức trong khoảng một thời gian ngắn. Vì kiến thức nhồi nhét quá nhiều làm hoạt động trí óc bị suy giảm, thậm chí khiến học sinh căng thẳng dẫn đến trạng thái tâm lý tâm thần, hoảng loạn".


Ôn thi một cách hợp lý giúp các bạn học sinh có kết quả cao trong kỳ thi.

Không quá ôm đồm kiến thức

Theo thầy Trần Quang Minh, Giám đốc Trung tâm luyện thi đại học chất lượng cao Thống Nhất, học sinh phải biết cách hệ thống lại kiến thức đó, phân bổ thời gian để tự ôn luyện chứ không thể trông chờ hoàn toàn vào thầy cô luyện thi. Học sinh hiện đang thiếu trầm trọng phương pháp hệ thống kiến thức. Vì thế, thầy cô luyện thi phải dạy được cho chúng phương pháp này.

Theo các giáo viên có kinh nghiệm về tuyển sinh, không nên chạy nước rút bằng cách ôn xô bồ. Môn học nào cũng có một cái khung định sẵn, nếu kiến thức đã bị hổng quá nhiều, chỉ cần nắm được những nội dung cơ bản, nhưng thật chắc là khả năng được điểm 6, 7 đã rất dễ dàng. Không nên ôm đồm quá để rồi bị "loạn", "nhiễu" kiến thức, dẫn đến không biết cái gì rõ ràng cả.

Trải qua nhiều kỳ thi lớn, ngay cả trong các cuộc thi quốc tế, Hà Khương Duy cũng luôn giữ cho mình sự tập trung cao độ khi cần thiết: "Mình chỉ học khi bản thân cảm thấy hứng thú và thoải mái. Khi đó, mọi suy nghĩ chỉ tập trung ở bài học thì sẽ rất hiệu quả. Khi đầu óc được giải phóng khỏi những tạp âm xung quanh, giải phóng khỏi những suy nghĩ ngoài bài học thì việc ghi nhớ sẽ rất dễ dàng".

"Môn Ngoại ngữ tư duy khác các môn tự nhiên ở chỗ chỉ cần cần cù, mỗi ngày chịu khó đọc, viết ít một chứ không cần suy luận nhiều như môn Toán. Giáo viên phải thiết lập một chương trình phù hợp để học sinh có kiến thức căn bản, phương pháp học "mỗi ngày một ít", không phải học từ theo kiểu học vẹt, viết ra nhanh quên mà đặt từ trong ngữ cảnh rồi biến đổi câu, trong quá trình biến đổi câu, kiến thức sẽ dễ nhớ hơn" - Thầy Trần Quang Minh chia sẻ.