Radio cực chất của teen trường THPT chuyên Lê Hồng Phong

Nhộng Tằm; Ảnh: Xí Muội, Theo Trí Thức Trẻ 00:01 11/02/2012

Lâu rồi bạn không nghe radio vì cho rằng nó đã lỗi thời và nhàm chán thì hãy xem lại nhé! Đã có chương trình radio rất đặc sắc và gần gũi do các bạn học sinh trường Lê Hồng Phong tự làm đây!!!

Hiện nay, tại các trường THPT đa số đều có hẳn một chương trình radio phát vào giờ ra chơi như những bài hát, câu chuyện để các bạn có thể "relax". Một chương trình được biên tập kỹ lưỡng, cẩn thận sẽ là nhịp cầu gắn kết các bạn học sinh trong trường với nhau hay với những du học sinh xa bạn bè. Nhưng điều này là cực kì hiếm!

Thời gian gần đây, chúng tớ phát hiện ra một chương trình radio rất hay ho do nhóm học sinh của trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (TP.HCM) tự dàn dựng. Tính đến thời điểm hiện tại, nhóm đã cho "ra lò" gần 10 số radio dành riêng cho các bạn học sinh rồi đấy!

Các bạn hãy tự giới thiệu về sự bắt đầu của nhóm đi nào!

Chào các bạn, mình là Nguyễn Thanh Ngân, sinh năm 1992, cựu học sinh trường THPT chuyên Lê Hồng Phong và hiện đang là sinh viên Báo chí Nhân Văn. Mình còn là thành viên già nhất nhóm đấy (cười). Thời gian vừa rồi, bọn tớ có chuẩn bị cho buổi họp mặt của các học sinh trường Lê Hồng Phong. Rồi mình chợt nghĩ là nên làm một cái gì đó để kết nối các bạn lại với nhau một cách nhanh chóng và thuận tiện nhất. Nên mình mới quyết định làm một chương trình radio "ra ngô ra khoai" và phát triển hàng tuần để kêu gọi nhiều cựu học sinh và các em học sinh tại trường cùng nhau tham dự sự kiện hôm đó.


Phạm Thảo Uyên (1993), Nguyễn Thị Kim Anh (1993) và Nguyễn Thanh Ngân (1992) từ trái qua, là các thành viên trong nhóm lập nên chương trình radio dành cho học sinh trường Lê Hồng Phong.

Nhóm các bạn làm việc như thế nào?

Nhóm mình có tất cả 7 người, 2 MC nam, 2 MC nữ, một chị kỹ thuật viên, một bạn làm cộng tác viên cho trường, nếu số nào cần phỏng vấn nhân vật thì bạn đó sẽ liên lạc. Và cuối cùng là Ngân sẽ chịu việc biên tập, thu âm cũng như hướng dẫn cho các MC. Mỗi lần thu bọn tớ thường mất từ 1 tiếng rưỡi cho đến 2 tiếng nếu thu tại phòng có thiết bị đầy đủ. Còn nếu thu tại nhà thì có khi mất cả buổi vì dễ lẫn tạp âm. Sau đó tớ sẽ chuyển sang cho chị kỹ thuật viên chuyên dựng file và nghe lại thêm một lần nữa. Nếu tính cả thời gian từ lúc biên tập cho đến hoàn thành một số thì mất từ 2 đến 3 ngày. Hoàn thành xong, bọn tớ sẽ đăng trên trang website chính, Facebook của trường và Facebook của hội Họp mặt Lê Hồng Phong.
 
Radio số 5 - chủ đề tình yêu với tên gọi "Dấu yêu một thời" với những câu chuyện buồn, vui đan xen về tình cảm học trò của các LHPers qua nhiều thế hệ. Khách mời đặc biệt là thầy Lê Minh Châu sẽ hé mở về chuyện tình của vợ chồng thầy - đều từng là cựu học sinh Lê Hồng Phong.

Mỗi lần thu các bạn gặp khó khăn gì?

Khó khăn đầu tiên của bọn tớ là việc thiếu thiết bị thu âm. Trong nhóm ai cũng là học sinh, sinh viên nên làm gì có đủ vốn, đành phải đi "cầu cứu" khắp nơi, nhờ sự giúp đỡ của bên Thư viện tổng hợp. Ở đây họ có một hội Sách nói nên cho bọn tớ thuê với giá cũng tương đối mềm tầm 150 nghìn đồng một giờ. Thầy cô trong trường cũng từng giúp đỡ và ủng hộ bọn tớ rất nhiều.

Ngân luôn là người đi đầu, hướng dẫn các em trong nhóm.


Kim Anh và Thảo Uyên là 2 MC nữ có giọng nói ngọt ngào.

Về nhân sự thì bọn tớ không khó khăn cho lắm. Ngày xưa Uyên với Kim Anh từng làm trưởng và thư kí của nhóm phát thanh trong trường nên đã quen với cách nói, diễn đạt cảm xúc. Đặc biệt cả 2 còn có giọng nói rất truyền cảm và nhẹ nhàng nên mỗi lần đọc truyện hay đọc thư do các bạn du học sinh gửi về đều tràn trề cảm xúc, khiến mọi người rất dễ xúc động và thích thú. 

Những chủ đề các bạn thực hiện hàng tuần được lấy từ đâu?

Toàn bộ đều do bọn tớ tự vắt óc suy nghĩ ra thôi. Một hai số đầu còn gặp khó khăn, có khi phải tự lấy những chuyện của bản thân để dựng chương trình. Nhưng thường bọn tớ dựng chủ đề theo các câu chuyện tình yêu tuổi học trò, cảm xúc về trường, những trò quậy phá đặc trưng của học sinh Lê Hồng Phong, rồi còn có chương trình góc nhỏ yêu thương, hay chuyện từ phương xa... Về mặt nội dung thì bọn tớ có một email riêng để các bạn gửi thư về, từ đó sẽ cho ra rất nhiều câu chuyện thực tế và cho vào kịch bản theo mỗi số khác nhau.

Điều gì khiến chương trình của các bạn khác biệt so với những chương trình radio dành cho học sinh khác?

Tuy chỉ là một chương trình dành riêng cho học sinh, nhưng chúng tớ cũng cố gắng làm rất nhiều thứ cho nó hay ho, hấp dẫn. Ngoài việc giải đáp hay chia sẻ những vấn đề của tuổi học sinh, bọn tớ còn thường xuyên mời thêm các vị khách mời đặc biệt để chương trình thêm phần mới lạ. 



Bọn tớ từng mời học sinh trong trường đến hát, kể chuyện; một cặp bạn thân cùng chia sẻ kỉ niệm, tâm sự về tình bạn... Và gần đây nhất là cặp thầy cô từng học chung rồi cưới nhau đến để chia sẻ kỷ niệm của họ. Nhờ vậy mà bọn tớ có được những mẩu chuyện rất hay và đời thường, gần gũi với cuộc sống của học sinh. Mình nghĩ đó là điểm thu hút nhất của chương trình radio do bọn tớ làm.

Các bạn cảm thấy phản ứng của các học sinh và cựu học sinh Lê Hồng Phong về chương trình của mình như thế nào?

Ở những số đầu, chúng tớ không nhận được nhiều lượt "play". Từ số thứ 3 trở đi, thì hơn cả nghìn lượt, khoảng 100 lần download và quan trọng là trên Facebook, website của trường nhận được rất nhiều bình luận tích cực. Thư từ của các bạn du học sinh gửi về cũng ngày càng nhiều, mọi người còn cám ơn vì đã tạo được nơi để cùng hồi tưởng lại cái thời áo trắng đáng yêu của tuổi học trò.


 
Radio HMLHP số 07 - Con đường đến trường, chia sẻ những câu chuyện của các LHPers trên đường đi học, về những phương tiện đến trường hằng ngày...

Vậy các bạn có dự định phát triển chương trình này lâu dài?

Tất nhiên là có rồi! Đây cũng là định hướng từ đầu của cả nhóm. Hiện nay chương trình của bọn tớ một tuần cho ra một số. Nhưng thời gian tới các em còn phải lo ôn tập thi cử các kiểu, nên mình sẽ kéo dài ra thành từ 3 hoặc 4 tuần 1 số để không bị ảnh hưởng đến việc học. 





Làm việc cùng nhau, các bạn có những kỉ niệm gì đáng nhớ không?

"Thời gian đầu thu tại nhà, gần 8 đứa "rồng rắn" nhét vào trong cái phòng bé téo tẹo, mà lúc thu phải tắt quạt vì sợ lẫn tạp âm. Nhìn mấy em mồ hôi chảy như tắm mà thương lắm. Nhưng mình phải phục là bọn này chịu nóng giỏi thật" - Ngân hào hứng kể.

Rồi lâu lâu còn nghe thấy tiếng chó sủa, mèo kêu, tiếng đàn ghi-ta của cái anh hàng xóm lẫn vào, làm bọn tớ phải thu đi thu lại liên tục. Nhưng được cái là rất vui.

Có bao giờ các bạn nghĩ sẽ "lôi kéo" học sinh từ những trường khác cùng tham gia để chương trình phổ biến rộng rãi hơn?

Chuyện này mình cũng từng nghĩ tới, nhưng do vừa rồi chủ yếu là muốn tạo cầu nối dành riêng cho học sinh trường Lê Hồng Phong nên nếu bây giờ làm thì phải chuẩn bị thêm rất nhiều. Nhưng hiện tại, các bạn từ những trường khác nếu cảm thấy hứng thú, muốn chia sẻ câu chuyện của mình thì cứ gửi mail về, bọn tớ sẵn sàng hồi đáp và tâm sự cùng các bạn hoặc ghé thăm Facebook của bọn tớ nhé.