Phương pháp học tập hiệu quả của Đại học Massachusetts

Hiến Nguyễn, Theo Trí Thức Trẻ 00:00 10/08/2014

Đây là phương pháp học tập do Giáo sư Robert Feldman (ĐH Massachusetts của Mỹ) đề xướng, nhằm hướng dẫn sinh viên, đặc biệt là tân sinh viên cách học tập có hiệu quả nhất.

1. Chuẩn bị

Học đại học không bắt đầu từ bài giảng đầu tiên của thầy, mà là bắt đầu từ trước đó. Sinh viên, đặc biệt là tân sinh viên cần khởi động sớm hơn cho những bài học, hay rộng hơn là những môn chính của mình bằng cách: đọc trước giáo trình, chuẩn bị phương pháp tiếp cận môn học,…

Sự chuẩn bị về mặt tư liệu sẽ hiệu quả hơn, nếu nhiều sinh viên có sự chuẩn bị về mặt tâm lí tiếp cận kiến thức một cách chủ động và sáng tạo. Với sự chuẩn bị về tâm lí hay tâm thế - nghĩa là chủ động tự đặt trước cho mình những câu hỏi liên quan đến bài học, xây dựng những mục tiêu khi kết thúc,… để có thể tiếp nhận bài học một cách có hệ thống.

Học đại học là một quá trình trao đổi giữa người dạy và người học. Chính vì thế, bước chuẩn bị là bước vô cùng quan trọng để người học có thể tiếp thu tri thức một cách chủ động thay vì chỉ nghe và chép.



2. Lên kế hoạch chi tiết 

Sự chuẩn bị nói trên sẽ được nâng cao hơn gấp nhiều lần khi sinh viên bước vào giai đoạn thứ hai. Giai đoạn này đòi hỏi sinh viên phải biết tự tổ chức, sắp xếp quá trình học tập của mình một cách có mục đích và hệ thống.

Tất nhiên mỗi người sẽ có một cách sắp xếp riêng phù hợp với bản thân mình. Đồng thời ở mỗi cá nhân cũng luôn cần thay đổi để phù hợp hơn với thực tế.

3. Học và hành

“Học luôn phải đi đôi với hành” là một chân lý. Nhưng hiện nay các sinh viên thường mắc một sai lầm đó là tách rời việc học với hành ra với nhau. Trong khi thực hành chính là một quá trình học tập trực tiếp có hiệu quả nhất.

Các hình thức thực hành trong môi trường đại học rất đa dạng, phong phú: Lắng nghe và ghi chép bài giảng, thuyết trình hoặc thảo luận, truy cập thông tin, xử lí các dữ liệu, bài tập, thực tập các thí nghiệm... tất cả đều đòi hỏi phải làm việc thật nghiêm túc, có hiệu quả.

Trong giai đoạn này, sinh viên phải biết cách làm việc một cách có ý thức và có phương pháp ở trong lớp và trong phòng thí nghiệm, thực hành. Nếu nhà tường không tạo điều kiện, sinh viên phải tự chủ động tìm kiếm cơ hội để được thực hành những điều mình đã được học.


4. Đánh giá kết quả

Ngoài hệ thống đánh giá (điểm số) của nhà trường, sinh viên còn phải biết tự đánh giá chính bản thân mình cũng như sản phẩm do mình tạo ra trong quá trình học tập.
Sự đánh giá này cần phải trung thực và kiên quyết mới có thể giúp cho sinh viên biết mình đang đứng ở vị trí, thứ bậc nào và cần phải làm thế nào để có thể cải thiện vị trí, thứ bậc đó. Đây được gọi là quá trình tự đánh giá.

5. Phản biện

Tư duy phản biện sẽ giúp sinh viên biết cách cải thiện các điều kiện, phương pháp và kết quả học tập của mình. Về bản chất, tư duy đại học không đơn giản, một chiều mà đòi hỏi người học, người nghiên cứu phải có tính sáng tạo cao, luôn biết cách lật ngược vấn đề, soi sáng vấn đề từ những khía cạnh chưa ai đề cập đến.

6. Nghỉ ngơi

Cuối cùng là sự giải lao và giải trí phù hợp. Không ai có thể làm việc liên tục mà không nghỉ ngơi và nghỉ ngơi là một hoạt động cũng quan trọng không kém so với các hoạt động học tập khác.

Có sức khỏe mới có thể làm việc và nghỉ ngơi đem lại sức khỏe. Đừng tự phá hoại sức khỏe bằng những hoạt động như: thức khuya, nhậu nhẹt,… Hãy xây dựng cho mình một chế độ sinh hoạt điều độ.