Phoenix Ho - Sinh viên RMIT không hề được ưu tiên khi tuyển dụng

Duy, Theo Pháp luật xã hội 00:00 15/02/2014

Cô Phoenix Ho là chuyên viên tư vấn hướng nghiệp của trường ĐH Quốc tế RMIT, TPHCM. Các bạn hãy nghe cô phân tích cách định hướng nghề nghiệp của học sinh hiện nay và trải lòng của cô về các SV trường ĐH RMIT nhé.

Lớn lên và học tập tại Mỹ, cô Phoenix Ho (Phoenix Hồ) quay trở lại Việt Nam với tư cách là một chuyên viên tư vấn hướng nghiệp tại trường ĐH Quốc Tế RMIT Việt Nam. Trong suốt quãng thời gian hoạt động tại đây, cô đã rong ruổi khắp mọi miền trên đất nước để có thể đưa ra những tư vấn nghề nghiệp dành cho sinh viên, học sinh Việt Nam. 

Phoenix Ho - Sinh viên RMIT không hề được ưu tiên khi tuyển dụng 1
Cô Phoenix Ho

Chào cô Phoenix Ho, không biết cô đã làm việc tại Việt Nam từ khi nào? Trong suốt quãng thời gian làm việc tại đây, cô thấy nền giáo dục hướng nghiệp tại nước ta có những điểm yếu gì? 

Tính đến thời điểm hiện tại, Phoenix đã hoạt động tại Việt Nam được 5 năm. Trong suốt 5 năm làm việc, Phoenix thấy giáo dục của mình vẫn còn nhiều điểm yếu, đặc biệt là giáo dục hướng nghiệp. Theo như cô thấy, giáo dục nước ta đa phần tập trung vào việc học các môn văn hóa như: Toán, Lý, Hóa,… trong khi đó, giáo dục hướng nghiệp ít được quan tâm đến. Tuy nhiên, một tín hiệu đáng mừng là trong thời gian gần đây, các trường trong thành phố đã đặc biệt quan tâm đến giáo dục hướng nghiệp như THPT Gia Định. 

Ngoài ra, năm 2015 sẽ là năm cải cách giáo dục tại nước ta với nhiều sự thay đổi quan trọng, đặc biệt ở môn giáo dục hướng nghiệp. Đây có thể nói là một tin vui đối với các em học sinh cũng như bộ môn giáo dục hướng nghiệp trong thời gian tới. 

Không ít bạn trẻ hiện nay vẫn đang hoang mang trong việc lựa chọn cũng như định hướng nghề nghiệp trong tương lai. Ví dụ như là một bạn rất thích làm bác sỹ, nhưng lại học không giỏi ở bộ môn Lý, Hóa, Sinh. Theo cô Phoenix thì các bạn ấy phải nên làm thế nào? 

Đầu tiên, Phoenix xin chia sẻ với các bạn là trước khi chúng ta định hướng nghề nghiệp trong tương lai, chúng ta cần đi qua ba bước. Trước hết, chúng ta phải đánh giá năng lực toàn diện của bản thân. Sau đó, chúng ta tìm hiểu về nhu cầu của thị trường tuyển dụng. Cuối cùng là lựa chọn ngành nghề cho phù hợp. Đây có thể nói là ba thao tác cơ bản, mà thông qua đó, các bạn có thể đánh giá toàn diện để đưa ra những sự lựa chọn phù hợp với năng lực, đòi hỏi của thị trường trong thời điểm hiện tại. 

Hiện nay, nhiều tờ báo đưa tin về các thủ khoa hay nhiều cử nhân dù tốt nghiệp nhưng vẫn chưa tìm được việc làm, và phải làm những công việc trái ngành, lương thấp khác. Theo kinh nghiệm cũng như đánh giá của bản thân, cô nghĩ nguyên nhân của vấn đề này là do đâu? 

Ở Việt Nam, theo như Phoenix thấy thì đa phần nền giáo dục đại học của chúng ta đều tập trung đào tạo ra những sinh viên giỏi mà không quan tâm đến nhu cầu của doanh nghiệp. Trên thực tế, một sinh viên giỏi chưa chắc đã là một người làm việc giỏi. Tại các quốc gia phát triển, doanh nghiệp và các trường đại học luôn hợp tác và song hành cùng nhau để có thể đào tạo ra những sinh viên có thể hoạt động tốt trong ngành nghề mà mình lựa chọn. Chính vì vậy, các trường đại học và nhu cầu của doanh nghiệp phải đi song song với nhau để có thể đáp ứng và giảm thiểu những tình trạng kể trên tại Việt Nam. 

Đặc biệt, Phoenix thấy tại Việt Nam: đa phần các trường đều thiếu việc giảng dạy các kỹ năng thiết yếu cho người đi xin việc dành cho sinh viên. Cho nên nhiều bạn sinh viên ra trường cảm thấy hoang mang, bối rối khi nộp đơn xin việc vào các công ty. Trong khi đó, tại các trường ở Mỹ hay Úc thì việc giảng dạy kỹ năng này luôn được đưa vào giáo trình để có thể giúp cho sinh viên tự tin hơn khi ra trường. 

Phoenix Ho - Sinh viên RMIT không hề được ưu tiên khi tuyển dụng 2

Kể từ khi làm việc tại trường RMIT Việt Nam, cô đánh giá các bạn sinh viên tại đây có ưu thế gì so với các bạn ở các trường đại học khác? 

Điều đầu tiên phải kể đến là ngoại ngữ. Vì do sử dụng ngôn ngữ chính là tiếng Anh tại trường, nên khi tốt nghiệp, các bạn sinh viên RMIT không cần phải lo lắng về vấn đề này. Ngoài ra, nhiều kỹ năng như: kỹ năng tư duy, kỹ năng thiết yếu dành cho người đi xin việc,… cũng được giảng dạy tại trường. Đặc biệt, các giáo viên ở đây đều là những người từng hoạt động trong ngành, thế nên, các bạn được truyền tải kinh nghiệm cũng như các kỹ năng cần thiết cho tương lai. 

Theo như lời của một chị làm việc tại công ty tuyển dụng, thì sinh viên RMIT khi nộp đơn xin việc cũng như các sinh viên của trường khác đều không được ưu tiên. Tuy nhiên, khả năng phát triển trong nghề nghiệp của các bạn thì phát triển rất nhanh hơn nhiều so với các bạn trường bình thường khác. 

Cô nghĩ sao khi nhiều người cho rằng: sinh viên RMIT đều là những thành phần “con ông cháu cha”, gia đình có điều kiện và thường thuộc dạng “não ngắn”?

Thứ nhất, Phoenix nghĩ là nếu các bạn ấy thuộc dạng “con ông cháu cha” thì chắc chắn các bạn sẽ không học ở Việt Nam đâu. Còn nếu nói các bạn ấy là thuộc dạng “não ngắn" thì chắc chắn không phải vì ngay ở đầu vào, các bạn học sinh buộc phải đáp ứng các điều kiện của trường như: có điểm trung bình từ 7.0 trở lên hay IELTS 6.5 trở lên,… thì mới được theo học. 

Thứ hai, cô nghĩ là một bộ phận sinh viên không tốt thì ở bất kỳ trường nào cũng có, chúng ta không thể nào “vơ đũa cả nắm” được. Ví dụ như là cách đây không lâu, mọi người lên án sinh viên Ngoại Thương đòi lương 1.000 USD thì mới làm. Tuy nhiên, theo cô nhận thấy, đâu phải sinh viên Ngoại Thương nào cũng thế, mà đó chỉ là một bộ phận nhỏ thôi. Nhất là hiện trạng trên các trang mạng xã hội, “văn hóa ném đá” của chúng ta rất vô tội vạ. Chỉ cần thấy một chuyện không cần biết thực hư ra sao thì đã vội vã lên án rồi “vơ đũa cả nắm”.  

Chính vì thế, cô nghĩ là chúng ta nên tìm hiểu kỹ vấn đề trước khi “lên án” hay “ném đá” một ai đó. Bởi vì văn hóa mạng bây giờ rất nguy hiểm, khi bạn “ném đá” không đúng thì bạn có thể giết chết cả một con người. Phoenix cũng nghĩ rằng mình cũng đừng quá quan tâm đến những gì người khác nói về mình quá. Nếu trong lòng vững vàng biết mình muốn làm gì, đang đi về đâu, và vì sao làm như vậy, thì mình chẳng sợ gì những "lời nói gió bay" cả.

Cám ơn cô vì cuộc trò chuyện thú vị này!