Phân vân khi chọn chuyên ngành

Mực Tím, Theo 10:16 09/01/2012

Vào được đại học đúng khoa đã chọn, nhưng khi quyết định chọn chuyên ngành, sinh viên vẫn cảm thấy lo và thiếu tự tin trước quyết định của mình.

Trước khi thi đại học, nhiều bạn chọn một khoa nào đó có thể vì thích, cảm thấy phù hợp và có thể “phác thảo sơ” về công việc mà bạn sẽ làm sau này. Tuy nhiên, khi bắt đầu vào học và chuẩn bị chia chuyên ngành, sinh viên lại bắt đầu lo sợ vì: “Mình chọn đã đúng chưa? Liệu mình có hối hận với sự lựa chọn này? Các bạn mình có chọn như mình không nhỉ?”

“Nhiều bạn thường hay chọn theo… số đông, ví dụ như khoa Báo chí có hai chuyên ngành là Báo in và Báo hình. Nhiều bạn thích Báo in nhưng thấy bạn bè học Báo in ít, thì lại chuyển qua Báo hình, để rồi sau này cảm thấy hối hận vì không phù hợp” - Bảo Anh (sinh viên năm 3 trường ĐH KHXH & NV Hà Nội) cho biết. 

Một bên “kinh tế”, một bên “đam mê”

Việc chọn chuyên ngành cũng được sinh viên cân nhắc rất kĩ. Các bạn đã lớn, có thể tự quyết định được con đường tương lai, hiểu được khả năng mình tới đâu và biết bản thân thích hợp với ngành nào. Nhưng dù đam mê thế nào thì cũng phải xét đến khả năng kinh tế cũng như vấn đề việc làm sau này…

“Mình học Xã hội học. Sau này mình sẽ chọn chuyên ngành Xã hội học truyền thông vì bản thân mình cảm thấy ngành này thú vị, cơ hội việc làm cũng nhiều và hiện tại công việc part-time của mình có liên quan đến truyền thông. Dù cho mình rất thích Xã hội học văn hóa, nhưng mình vẫn không thể hình dung được mình sẽ làm gì khi mình tìm hiểu sâu vào chuyên ngành này. Học Xã hội học truyền thông thì sẽ giúp ích được cho công việc của mình hơn” - Xuân Nguyện (sinh viên năm 2 ĐH Tôn Đức Thắng) bày tỏ.

“Mình sợ mình sẽ chọn chuyên ngành sai, vì ban đầu, khi chọn khoa, mình đã sai rồi. Mình muốn học Điện tử viễn thông nhưng thấy Công nghệ thông tin “hot” hơn, thế là đi thi và đậu. Trong khoa Công nghệ thông tin có ngành Khoa học máy tính rất hay, nhưng khó tìm việc và chưa phổ biến ở Việt Nam, trong khi chuyên ngành liên quan đến mạng và truyền thông thì dễ xin việc và có tương lai hơn. Mình thì chỉ cảm thấy bản thân hợp với “phần cứng”, nhưng “phần mềm” thì học đỡ vất vả, khả năng việc làm lại cao, lương tốt, mình không biết chọn thế nào” - Quốc Hùng (sinh viên năm 2 ĐH KHTN) chia sẻ.


Bạn nên cân nhắc thật kĩ trước khi đưa ra một quyết định đúng đắn nhé!

Chuyên ngành nào cũng muốn học

Có rất nhiều bạn cảm thấy mình chưa bao giờ hối hận khi trở thành sinh viên của một khoa nào đó và lại càng tâm đắc khi nghe giới thiệu về từng chuyên ngành trong khoa. Với nhiều bạn, mỗi chuyên ngành đều có cái hay riêng và thật tuyệt khi… được học hết.

“Mình thích PR và Truyền hình. Nhưng PR nằm trong chuyên ngành Báo in còn Truyền hình thì thuộc chuyên ngành còn lại. Mình rất phân vân. Có thể mình sẽ chọn Báo hình, còn môn PR thì mình sẽ đăng kí… học chơi cho vui. Dù sao mình vẫn cảm thấy phân vân lắm vì không biết khả năng có học được Báo hình không. Những bạn chọn Báo hình thì nêu ra đủ thứ lý do tốt đẹp để chọn chuyên ngành đó, còn những bạn học Báo in cũng ra sức bảo vệ chuyên ngành của họ. Mình thì thích cả hai nhưng chỉ được chọn một, chưa biết sau này sẽ làm gì cụ thể, dẫu sao thì biết hết vẫn hơn. Có lẽ mình quá tham lam rồi” - NB (sinh viên năm 2 ĐH KHXH & NV) nói.

“Thật sự mình vẫn chưa biết được học chuyên ngành nào thì thích hợp hơn, dễ tìm việc hơn, nên mình muốn… học hết để sau này tìm việc dễ hơn. Nhưng nếu không thể học hết, mình sẽ chọn ngành có nhiều bạn học nhất, mấy chuyên ngành còn lại, mình sẽ tự học thêm bằng việc đọc sách” - Bảo Nhung (sinh viên năm 2 ĐH Kinh Tế) chia sẻ.

Chuyên ngành không quyết định được tương lai của bạn

Khi đã vào đại học và cân nhắc chọn khoa, hẳn bạn cũng đã phải đắn đo rất nhiều, thậm chí có nhiều bạn vẫn không biết chắc rằng khoa ấy có thật sự thích hợp với bản thân hay không. Bước vào chọn chuyên ngành, bạn sẽ đến gần hơn với con đường sự nghiệp phía trước. Dẫu cho có quá nhiều chuyên ngành khiến bạn phân vân, nhưng khi đã trở thành sinh viên thì bạn đã có một nền tảng kiến thức nhất định, rèn luyện thêm kĩ năng thì về sau chuyện “thất nghiệp” khó có thể xảy đến.

Vấn đề quan trọng không phải là “chọn chuyên ngành để sau này đi làm”, mà là chọn chuyên ngành phù hợp với sở thích của bạn để trình độ chuyên môn được nâng cao. Rất nhiều sinh viên sau này ra trường làm trái ngành, cuộc sống có nhiều ngã rẽ thú vị mà bạn không thể quyết định được, thế nên hãy theo khả năng và đam mê, đừng bao giờ bị tác động bởi bạn bè, hoàn cảnh hoặc “nghe người ta nói…”. Bạn sẽ tự tin hơn với thế mạnh của chính mình. Chúc bạn sớm có quyết định đúng!