PGS Văn Như Cương: "Theo quy chế mới thì 100% học sinh sẽ đỗ Tốt nghiệp"

Quỳnh Trang, Theo Trí Thức Trẻ 00:00 07/04/2014

Sau khi công bố trên mạng xã hội tỷ lệ học sinh đăng ký thi môn Lịch sử của trường THPT Lương Thế Vinh là 0%, PGS Văn Như Cương đã có những lý giải và nhận định về quy chế thi Tốt nghiệp mới của Bộ Giáo dục.

Học sinh không chọn Sử vì học khó, thi khó

Xin PGS cho biết nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng học sinh trường THPT Lương Thế Vinh không chọn môn lịch sử để dự thi trong kỳ thi tốt nghiệp năm 2014?

Thứ nhất, học sinh trường tôi chủ yếu chọn thi Đại học khối A và khối D. Vì khi vào trường chúng tôi có định hướng về khối thi cho học sinh thi Đại học và học sinh trường tôi hầu hết đều không chọn thi Đại học khối C và khối B.

Thứ hai, những năm trước, điểm thi Sử của học sinh trường tôi đều không cao. Trong khi năm ngoái, môn Toán khi thi Tốt nghiệp học sinh trường tôi đạt 98% trên trung bình, Lý cũng vậy, môn Sử là ít nhất, chỉ hơn 80% là trên trung bình. Nhất là tỷ lệ điểm môn Sử trên toàn quốc rất thấp tạo nên tâm lý sợ, e ngại cho học sinh.

Lý do nữa là thi Sử kéo dài trong 90 phút, dưới hình thức tự luận, trong khi thi các môn khác như Lý, Sinh, Hóa, Ngoại ngữ, chỉ thi 60 phút, dưới hình thức trắc nghiệm. Theo tâm lý chung của học sinh là thi trắc nghiệm dễ đạt điểm cao hơn.

Ông có nhận định gì về thực trạng học sinh ngày càng không mấy mặn mà với môn Lịch sử? Bằng chứng là tỷ lệ đăng ký dự thi môn Lịch sử tại các trường đều thấp “kỷ lục”?

Không chọn thi môn Lịch sử hoàn toàn khác với việc quay lưng lại với môn Lịch sử. Các em vẫn thích Sử, vẫn yêu Sử, say mê môn Sử bởi vì có nhiều thầy cô dạy Sử hay lắm. Tuy nhiên, khi Bộ Giáo dục cho phép thí sinh tự chọn môn thi Tốt nghiệp, thí sinh sẽ chọn giải pháp an toàn cho mình, chọn những môn học mình có thể đạt điểm cao nhất chứ không phải là vì ghét môn Sử, quay lưng lại với môn Sử.



Theo quy chế mới thì 100% học sinh sẽ đỗ Tốt nghiệp

Theo PGS, việc xét thêm kết quả học tập trong những năm học THPT vào kết quả Tốt nghiệp có cần thiết không? 

Đây là điều làm tôi băn khoăn nhất, trước kia, thi 6 môn thì 30 điểm là đỗ, 29,5 là trượt. Nhưng bây giờ, Bộ Giáo dục cho phép thi tự chọn thì 20 điểm mới đỗ, 19,5 là trượt, tuy nhiên, các em còn chiếc “phao cứu sinh” to đùng đó là kết quả học tập trong những năm học THPT. Quy chế mới này sẽ tạo kẽ hở cho tiêu cực, nhiều trường sẽ “điều chỉnh” điểm sao cho có lợi cho học sinh của mình, để học sinh của mình dễ đỗ Tốt nghiệp hơn. Dẫn đến điểm tổng kết cuối năm không phản ánh học lực của học sinh. Và hiện tại vì điểm học tập chưa phản ánh được học lực thì không nên thực hiện theo quy chế mới. Trước kia chỉ thi 6 môn bắt buộc, mà đã đỗ 98%, năm nay thi 4 môn trong đó có 2 môn bắt buộc và 2 môn tự chọn là đã thêm được 1% là 99% rồi, lại cộng thêm kết quả học tập cuối năm nữa. Theo tôi dự đoán thì với quy chế mới này 100% học sinh sẽ đỗ Tốt nghiệp.

Có ý kiến cho rằng, việc cho phép thí sinh tự chọn môn thi Tốt nghiệp sẽ đẩy vấn nạn học lệch, học tủ vốn đã nhức nhối của học sinh Việt lún sâu xuống một vũng lầy mới. Thầy có nhận định gì về ý kiến này?

Điều đó là đúng, nếu cách thi vẫn như năm nay, rồi tiếp tục sang năm, sang năm nữa. Giả sử một học sinh vào lớp 10, đã có sẵn định hướng về khối thi của mình thì sẽ chỉ chú trọng vào học Toán, Văn và hai môn thi Đại học nữa thôi. Chỉ tập trung học vào một số môn thì sự học lệch là rõ, cho nên tôi rất hy vọng rằng kiểu thi như thế này, chỉ dùng cho năm nay thôi. Sang năm, sang năm nữa sẽ làm khác.


Trong những năm qua, theo nhiều phản ánh thì việc thi Tốt nghiệp chỉ mang tính hình thức, vậy theo PGS có nên bỏ kỳ thi Tốt nghiệp hay không?

Không nên bỏ kỳ thi tốt nghiệp, bởi vì là đã học là phải thi, nếu không thi nữa thì học sinh lại càng không học. Dẫn chứng rõ ràng nhất là việc bỏ thi Tốt nghiệp THCS, các môn phụ bị bỏ bẵng. Cho nên lên đến lớp 10, học sinh bộc lộ rất nhiều lỗ hổng kiến thức ở các môn phụ. Vì vậy, đã học là phải thi, và chúng ta nên theo phương pháp học gì thì thi nấy. Vấn đề chỉ là chúng ta thi như thế nào thôi.

Theo ông, có nên kết hợp 2 kỳ thi vào làm 1 không? Xin ông định hướng về cách kết hợp 2 kỳ thi sao cho hiệu quả và đánh giá thực chất được học lực của học sinh?

Có thể kết hợp 2 kỳ thi vào làm một. Nếu có thể làm được giống như kỳ thi SAT của Mỹ, nghĩa là thi 6 môn thi bắt buộc trong 3 tiếng 45 phút, sau đó các trường Đại học sẽ chọn học sinh dựa trên bảng điểm thì tôi nghĩ là nên kết hợp.

Cám ơn Phó giáo sư rất nhiều.