Những vị hàng xóm vô duyên trong nhà trọ

Xuân Thu, Theo Trí Thức Trẻ 00:01 07/10/2012

Mặc dù “nhà nào biết nhà ấy”, nhưng sống trong xóm trọ SV chật hẹp, việc sinh hoạt hay thói quen của người này cũng ảnh hưởng lớn tới những người xung quanh.

“Hàng xóm của mình có một thói quen rất tệ là cứ ngồi cầu thang rì rầm nói chuyện điện thoại với người yêu. Lúc mới dọn tới đây, mấy lần mình hoảng hồn vì cái bóng đen ở cầu thang” - Hoàng Hiền (ĐH KHXH&NV) than vãn.

Hàng xóm của Hiền thường buôn chuyện điện thoại vào khoảng từ 23-24h. “Phòng mình ở ngay cầu thang, nhiêu hôm ngủ sớm, lúc mơ màng tỉnh dậy nghe những tiếng rì rầm mà thấy ghê người” - Hiền nói thêm.

Thu (ĐH Công nghệ giao thông vận tải) ở một xóm trọ tại Phùng Khoang - Từ Liêm, lại vô cùng bực bội khi cậu em hàng xóm cứ đập cửa phòng. “Nhà bạn ấy mới chuyển tới, không nối dây điện vào nhà vệ sinh nên hay nhờ điện của phòng mình. Nhưng chỉ bực mình là đã nhờ người ta mà không nói cho tử tế, cứ đập cửa ầm ầm. Mình hỏi cũng không nói, tới khi mình mở cửa ra mới bảo bật hộ điện”. 

nhung-vi-hang-xom-vo-duyen-trong-nha-tro

Với những xom trọ chật hẹp, việc sinh hoạt hay thói quen của người này khó tránh khỏi làm phiền người khác.

Dù đã nhắc nhở mấy lần nhưng cậu bạn hàng xóm không nghe, kết quả là trong một lần tức giận, Thu đã quát ầm ầm và từ đó 2 người không nhìn mặt nhau nữa. Thu lại mang tiếng là người ki bo “có nhờ tý điện mà cũng khó khăn”. Không biết do cố ý trêu đùa hay do vô duyên mà phép lịch sự tối thiểu nhiều bạn SV cũng đã bỏ quên khi sống nơi tập thể.

Đặng Hải Phong (ĐH Lao động xã hội) cho biết: “Dãy trọ của mình chỉ có 3 phòng thôi, ban đầu các phòng đã bảo nhau là dùng chung một số đồ dùng như nước rửa bát, thau chậu… nhưng có điều lạ là có 1 phòng các bạn nữ chẳng khi nào mua cái gì mà toàn để 2 phòng mình mua. Thế mà vẫn cứ dùng chung như thật mới lạ chứ?”.

Phòng trọ của Nguyễn Phong Anh (ĐH Hà Nội), tại Triều Khúc đã trở thành “quán trọ” cho “anh em chí cốt” của cậu bạn cùng phòng.

“Một tuần cứ vài lần để “anh em chí cốt” ngủ nhờ một hôm thế này mình cũng chết. Phòng thì chật, có cái giường con con, 4 người thì ngủ làm sao được” - Phong than thở.

nhung-vi-hang-xom-vo-duyen-trong-nha-tro
Giữ phép lịch sự tối thiểu khi ở tập thể. Tôn trọng người khác cũng chính là tôn trọng mình.

Cũng có khi, nhiều thành viên trong xóm trọ “mượn đồ vắng mặt” khổ chủ. Lê Văn Tôn (ĐH Kiến Trúc) nhăn nhó với cậu bạn cùng phòng khi chuẩn bị đi chợ thì đôi tông lại “không cánh mà bay”.

“Nó cũng chẳng đáng gì đâu, chỉ bực mình là phòng bên cạnh cứ lấy đi. Lúc mình không dùng thì không sao, chứ lúc đi ra ngoài mà không có đôi dép thì đi thế nào được?

Có nhiều người cũng lạ. Đi chợ chẳng biết vô tình hay cố ý mua thiếu rồi về nhà lại đi xin hàng xóm. Lúc thì xin củ hành, khi mượn lọ bột canh, lúc lại hỏi xin tý dầu, khi thì quả ớt… Một,hai lần thì bảo quên chứ cứ hỏi 5/7 ngày trong tuần thì không thể chấp nhận được” - Tôn chia sẻ.

Nếu bạn sống một mình thì những việc cỏn con, những thói quen đó sẽ chẳng có gì đáng kể. Nhưng khi bạn đã sống trong một tập thể thì hãy biết ý, giữ phép lịch sự tối thiểu vì lợi ích chung của mọi người và của chính mình nhé. Tôn trọng người khác cũng chính là tôn trọng mình đó.