Những điều kỳ diệu trong cuộc đời cô thủ khoa khiếm thị

Nguoiduatin, Theo 15:16 10/02/2013

Có người nghĩ mất đi đôi mắt, mất đi cửa sổ nối liền họ với thế giới bên ngoài. Họ đã tuyệt vọng và chỉ nghĩ đến cái chết. Nhưng đối với Đào Thu Hương (thủ khoa xuất sắc trường đại học Sư phạm Hà Nội năm 2010) thì khác.

Cô bé mù đi tìm ánh sáng tri thức

Tôi gặp Hương tại căn nhà nhỏ nằm khuất sâu trong hẻm trên phố Khâm Thiên, Hà Nội. Hương chia sẻ về khóa học "Khó khăn chung của người khuyết tật trẻ trên thế giới", mà cô mới tham dự bên Seoul: "Hàn Quốc là nước phát triển, có nhiều hoạt động sôi nổi giúp cho người khiếm thị hòa nhập với cộng đồng. Ở Việt Nam các hoạt động đó còn manh mún nhỏ lẻ, chưa có nhiều điều kiện cho bọn em hòa đồng. Người khuyết tật cũng là con người bình thường, nên họ có quyền tiếp cận với khoa học kỹ thuật, có việc làm và hôn nhân bình đẳng".

Những điều kỳ diệu trong cuộc đời cô thủ khoa khiếm thị 1  

Ở Hàn Quốc hơn 2 tuần, Hương được gặp gỡ giao lưu với các bạn có cùng hoàn cảnh. Hương kể với chúng tôi: "Đoàn của chúng em khoảng 20 người, đi tham quan nhiều nơi, nhưng người dân nơi đây rất tôn trọng bọn em, họ sẵn sàng giúp đỡ. Trên các vỉa hè còn có làn đường dành riêng cho người khiếm thị".

Hương được mẹ kể lại rằng, ngày nhỏ em là đứa trẻ kháu khỉnh, dễ thương. Khi lớn lên không hiểu sao đôi mắt Hương cứ mờ dần, mờ dần rồi chìm hẳn vào bóng tối. Gia đình đưa em đi khám nhiều nơi nhưng bệnh viện chẩn đoán không ra bệnh, chỉ xác nhận mắt em bị nhiễm khuẩn.

Thương con, nghe mọi người giới thiệu đâu có bài thuốc hay bố mẹ em lại tìm đến, nhưng các loại thuốc đó uống vào cũng chỉ giúp cho Hương rửa được ken mắt mà thôi. Dù vậy, Hương vẫn cố gắng học tập cùng bạn bè, 3 năm học tiểu học em là học sinh giỏi.

Từ khi lên lớp 4, ngồi trong lớp học, nhìn lên bảng chỉ thấy mờ đục, Hương căng tròn mắt để nhìn mà mặt chữ cứ méo mó. Lúc đầu Hương chỉ nghĩ mắt mình chỉ bị mờ tạm thời, cùng lắm vài hôm sẽ khỏi. Nhưng rồi, mắt càng ngày càng bị nặng, mọi sinh hoạt cá nhân phải nhờ sự hỗ trợ của bạn bè, bố mẹ.

Từ bé Hương mơ ước sau này mình sẽ làm cô giáo, em rất thích nghề dạy học. Khi đôi mắt không thể đọc sách, không nhìn thấy mặt chữ, cô bé bắt đầu hoang mang. Hương sợ rằng không biết sau này mình có làm được gì không, khi mà đôi mắt cô cứ tối sầm. Hàng tháng trời Hương chỉ biết khóc, vùi mình trong căn phòng và không muốn gặp bạn bè.

Không cam chịu đầu hàng số phận, Hương nhờ mẹ đến trường Nguyễn Đình Chiểu xin đi học. Hương bảo, khó khăn lớn nhất của mình là thay đổi cách làm việc từ thị giác sang xúc giác. Chưa quen học chữ nổi, lúc đầu Hương toàn cúi xuống nhìn chữ, vừa không thấy chữ đâu, mắt lại đau nhức.

Sau 6 tháng Hương mới quen với cách học chữ nổi. Và phải mất 3 năm học lại chương trình người khiếm thị, em mới hòa nhập môi trường học tập mới. Tính Hương vốn tự lập từ nhỏ, nên khi học tại trường Nguyễn Đình Chiểu, Hương chỉ nhờ bố mẹ đưa đi, đón về trong 2 năm đầu.

Thời gian sau Hương chuyển đến ở nội trú, mọi sinh hoạt em tự lo liệu. Hương tâm sự: "Có những lúc em cảm thấy tuyệt vọng, nghĩ mình sẽ không làm được gì nữa. Nhưng khi được đến trường học chữ nổi, em đã có ánh sáng về tri thức, đã học cấp 2 thì sẽ học được cao hơn và mai sau sẽ có công việc hợp với mình".

Những điều kỳ diệu trong cuộc đời cô thủ khoa khiếm thị 2
Mẹ là người luôn hỗ trợ Hương trong học tập.

Bước ngoặt cuộc đời

Mặc dù điểm thi vượt cấp của Hương dẫn đầu khối nhưng khi xin đi học không trường nào tiếp nhận. Các trường đều đưa ra quan điểm, chưa từng tiếp nhận học sinh khiếm thị vào học, vì sẽ ảnh hưởng tới chất lượng đào tạo của trường.

Hương vẫn nhớ như in thời khắc, tạo nên bước ngoặt cuộc đời. Cơ hội đến với em rất bất ngờ. Qua sự giới thiệu của một người bạn của gia đình, em được gặp thầy Văn Như Cương (Hiệu trưởng Trường Lương Thế Vinh Hà Nội). "Ban đầu em không hy vọng lắm, vì đấy là trường nổi tiếng, yêu cầu của trường rất cao, đến học sinh khá giỏi xin vào đã khó, huống hồ em lại bị khiếm thị.

Khi nhìn vào học bạ của em, cùng điểm số thi vượt cấp cao hơn nhà trường tuyển sinh, thầy đã nở nụ cười và hỏi, nếu em học sẽ trả bài như thế nào. Em trả lời: Với các môn xã hội thì em trả bài qua máy tính, các môn tự nhiên thì em trả bài bằng miệng. Thầy gật đầu đồng ý nhận em vào học và hứa trong suốt 3 năm học ở trường, em sẽ được miễn giảm các khoản đóng góp. Đây là cơ may lớn nhất trong quãng đường học tập của em, nhờ thầy Cương mà em được trưởng thành như ngày hôm nay" - Hương xúc động cho biết.

Suốt 3 năm học tại trường, Hương luôn đứng đầu lớp trong học tập. Hương bảo, các bạn trong lớp đều học rất giỏi, nhờ môi trường cạnh tranh nên em có động lực học tốt hơn. Em thích sự cạnh tranh công bằng đó. Trên lớp, em chú ý lắng nghe thầy cô giảng bài và ghi lại thật chi tiết trên giấy chữ nổi, về nhà mẹ đọc thêm giáo trình cho em. Toán học là môn Hương yêu thích nhất nên em đã chọn ban A, vì thế khi nghe cô giáo khuyên Hương chuyển khối em đã rất buồn.

Cô giáo bảo, học khối A rất vất vả vì sách vở dành cho em học rất hạn chế, không có để nghiên cứu. Nếu chuyển sang ban D, tài liệu có nhiều, công việc sau này dễ dàng hơn. Em có thể làm phiên dịch viên, giáo viên dạy tiếng Anh hay làm công tác xã hội.

Hương tâm sự: "Khi sang Hàn Quốc, em cùng các bạn học đại học các nước đều nhận thấy, cái khó khăn lớn nhất cho bọn em là thiếu giáo trình. Nhưng bên đó các bạn được nhà trường phân công người giúp đỡ ghi âm giáo trình và quét sách lên máy tính để học. Chính phủ sẽ hỗ trợ họ về mặt tài chính. Còn đối với em, để có giáo trình học hoàn toàn nhờ vào sự nhiệt tình các bạn sinh viên và những người thân giúp đỡ. Nếu có giáo trình em sẽ đỡ vất vả hơn trong học tập".

Người hùng thầm lặng

Trọng dịp giao lưu giữa các thủ khoa xuất sắc Hà Nội năm 2010 với các phạm nhân tại Trại tạm giam số 1 Hà Nội, Hương đã kể lại câu chuyện hết sức cảm động giữa cô và một phạm nhân. Năm 2008, Hương nhận được một bức thư rất bất ngờ từ một người trại viên (Kim Sơn, Bình Định).

Trong thư người phạm nhân đó nói đã rất nhiều lần viết thư cho Hương, nhưng mỗi lần viết được 1 đoạn rồi lại vò nát. Bức thư Hương nhận được là hoàn chỉnh nhất từ trước đến giờ. Người phạm nhân đó biết đến Hương qua một bài viết trên báo Phụ Nữ TP.HCM, viết về tấm gương vượt khó của Hương trong cuộc sống. Bức thư có đoạn: "Anh sinh ra trong gia đình có giáo dục, hai em đang là những doanh nhân, em gái đang học lớp 12. Là con trai cả của gia đình nhưng anh không là niềm tự hào của mọi người. Khi đọc bài viết về em, anh đã cảm nhận được ý nghĩa của cuộc sống, và mình cần phải sống có trách nhiệm hơn nữa", Hương nhớ lại.

Nhận được bức thư, Hương không nhìn chủ nhân của nó là người lầm lỗi mà nhận ra, ẩn sâu trong con người tội lỗi đó là trái tim rất đáng trân trọng. Vì thế Hương đã viết một bức thư động viên anh ta cố gắng cải tạo tốt, để hoàn lương. Cuối năm 2008 người đó được mãn hạn trước 4 năm.

Khi bước ra khỏi trại cải tạo, anh đã gọi điện cho Hương và nói: "Anh vừa ra trại nên mượn điện thoại gọi điện cho em luôn. Anh cảm ơn em nhiều lắm, nhờ em mà anh thấy cuộc đời này có nhiều ý nghĩa. Về nhà anh sẽ đi học lái xe để kiếm sống".

Đào Thu Hương sinh năm 1985, 4 năm học tại trường Đại học Sư phạm Hà Nội em đều là sinh viên giỏi với kết quả học tập toàn khóa là 8.75. Hiện nay Hương đang là phiên dịch viên của tổ chức phi chính phủ Samaritans Purse.