Những chuyện thú vị về đoàn Olympic Toán quốc tế

Vietnamnet, Theo 16:30 18/07/2012

Bị thất lạc hành lí nhưng niềm vui đã đến với Đăng khi giành huy chương Vàng Olympic Toán quốc tế.


Đội tuyển thi Olympic Toán quốc tế Việt Nam chụp chung với lãnh đạo Bộ GD-ĐT. 

Sáng 18/7, đội tuyển thi Olympic Toán học quốc tế của Việt Nam đã về đến sân bay Nội Bài. Sau một năm đứng thứ hạng thấp nhất (thứ 31) trong các lần tham dự Olympic Toán quốc tế, năm nay, đoàn Việt Nam đã trở lại top 10 (thứ 9) với 1 huy chương vàng (HCV), 3 huy chương bạc (HCB), 2 huy chương đồng (HCĐ).

Chàng HCV “hay cãi”

Có mặt tại sân bay từ 4h sáng bác Đậu Đăng Doanh không giấu được niềm vui khi cậu con trai duy nhất của mình - Đậu Hải Đăng đã xuất sắc giành HCV. Người cha già xúc động khi nói về con: “Đăng thích đọc sách toán học, sách viễn tưởng, khoa học, vi tính. Có một niềm say mê toán học rất lớn ở cháu”.

Mẹ Đăng, cô Đinh Hoài Thanh thì tâm sự: “Cháu thích tìm tòi, khám phá. Hồi nhỏ Đăng rất nghịch, nhiều lần khiến mẹ rơi nước mắt vì phá hỏng hết đồ đạc trong nhà từ cái điều khiển ti vi đến máy tính. Từ lớp 8 cháu dần thay đổi tính cách, biết lắng nghe hơn. Cháu nói con sẽ không để mẹ buồn, sẽ làm mẹ vui bởi mẹ là người đã sinh ra con”.


HCV Olympic Toán quốc tế 2012 Đậu Hải Đăng chụp chung cùng gia đình và người thân.

Nhưng như bác Doanh bộc bạch: "Đăng không phải là người dễ chấp nhận. Cháu luôn tranh luận vấn đề với bố mẹ đến cùng. Đôi khi bố vẫn đùa con là người hay cãi. Là bố, bác phải vận dụng hết kinh nghiệm và kiến thức để giảng giải cho con".

Có một chuyện thú vị là trong lần “Đem chuông đi đánh xứ người” lần này, mới đáp chân đến Acghentina chàng trai đến từ Trường THPT Chuyên ĐH Sư phạm Hà Nội đã bị thất lạc hành lí. Điện thoại của Đăng đã đăng ký chuyển vùng quốc tế cuối cùng lại không gọi được về nhà vì trục trặc.

Thời tiết bên nước bạn lạnh đến 0 độ C, áo quần Đăng đành mặc tạm. Nhớ nhà, thông qua đại sứ quán Đăng cũng chỉ gọi được một cuộc điện thoại về hỏi thăm bố mẹ. Không phụ lòng mong mỏi của mọi người, chàng trai quê gốc xứ Nghệ đã xuất sắc mang tấm HCV về cho đoàn Việt Nam.

Đăng nói: “Chắc chắn mình vẫn theo đuổi con đường nghiên cứu toán học. Ai đó nói nghiên cứu khoa học là vất vả và nghèo khó nhưng khi bạn đã có đam mê thì không trở ngại nào có thể cản bước”.

Ngoài toán học, Đậu Hải Đăng chơi đàn óoc-gan rất hay (cấp 1 giành giải Nhất khi thi học sinh các tỉnh phía Bắc). Những lúc mệt mỏi Đăng cũng thường thả mình trên con đường quanh công viên Nghĩa Đô để lòng thư thái.

Chưa thi đã biết con về nhì

Chú Nguyễn Phương Đông, bố của Nguyễn Phương Minh (HCB), HS Trường THPT Chuyên ĐH Sư phạm Hà Nội cười tươi cho biết: “Trước nay, Minh tham gia nhiều cuộc thi nhưng chỉ về nhì, chỉ cách giải Nhất rất gần. Lần này cũng vậy. Thiếu 1 điểm nữa cháu giành HCV rồi”.

Với Internet, Minh thường xuyên lên mạng tìm và sưu tầm tài liệu học toán của các quốc gia trên thế giới, đam mê đến độ “học không dưới 10 tiếng/ngày”. Chú Đông cho biết thêm: “Hôm thi HSG QG Minh sốt tới 39, 40 độ C nhưng vẫn cố gắng thi và làm bài tốt”.

Học chăm chỉ nhưng không phải là “mọt sách”, Minh sống và làm việc lại rất khoa học. Dù đi học hay dịp cuối tuần được nghỉ, Minh đều ngủ lúc 23h và dậy sáng lúc 6h30. Thậm chí trong trò chuyện với mọi người như chú Đông tâm sự: “Cách trả lời của Minh như toán vậy: chỉ thích những con số và sự ngắn gọn, đi thẳng vào vấn đề”.

Con đi thi, mẹ vào viện

Ngày cậu con trai út Lê Quang Lâm (Trường THPT Chuyên Lam Sơn, Thanh Hóa) đi thi Toán học quốc tế cũng là ngày cô Lê Thị Thủy vào vào BV Quân y 103 điều trị thoái hóa cột sống, thoát vị địa đệm và bệnh dạ dày. Cô và gia đình giấu không để con biết mà thêm buồn lòng.


Dù đang nằm viện nhưng cô Lê Thị Thủy (mẹ của Lê Quang Lâm) vẫn cố gắng, xin bệnh viện cho nghỉ vài giờ để ra đón con tại sân bay Nội Bài. 

Biết con sáng nay về nước, xin mãi bệnh viện mới đồng ý để cô ra ngoài với con vài tiếng rồi lại phải về nằm điều trị. Lưng đau và bụng quằn quại nên trong khi mọi người đứng ngóng con làm thủ tục ra sân bay thì cô ngồi tựa lưng ở ghế đặt tại sảnh đón khách.

Nhưng bệnh của cô còn nhẹ hơn chồng khi năm 2004 chú phải mổ thay 2 van tim nhân tạo ở BV Việt Đức. Cả gia đình ở quê trước trông vào mấy sào ruộng thì nay sức khỏe vợ chồng yếu không làm được nên chuyển sang làm photo copy.

Hạnh phúc và là niềm động viên lớn nhất với vợ chồng cô chú khi các con đều học rất giỏi. Anh trai Lâm cũng nhiều lần thi toán đạt giải cao, hiện đang là SV năm 3 Trường ĐH Xây dựng Hà Nội.

Những chuyện cảm động

Suốt đêm qua bà Nguyễn Thị Tánh (73 tuổi, bà nội của Nguyễn Tạ Duy) cứ thấp thỏm, không ngủ được vì mừng vui với kết quả cháu đã đạt được. Bà cười móm mém bảo trong 10 đứa cháu thì có Duy đạt thành tích cao đến thế.

“Cái thằng nó đến là hiền, nhã nhặn lại rất tâm lí. Cuối tuần đi từ trường về quê (ở huyện Thạch Thất, Hà Nội) lại giành phần nấu cơm thay bố mẹ, thay bà. Nó biết bà không thích ăn tỏi, ăn cá. Có lần còn dành tiền mua tặng bà cái áo nữa”.

Cô Nguyễn Thị Huế, mẹ của chàng trai Nguyễn Hùng Tâm (HCB, học sinh Trường THPT Chuyên Hà Nội – Amsterdam Hà Nội) lại bật mí: “Trước cô không nghĩ cho con thi lớp 6 vào Ams vì cháu chỉ giỏi Toán, khó đỗ được. Cô giáo chủ nhiệm Tâm hồi đó động viên mãi.

Tôi đến nộp đơn thì trường thông báo vừa hết hạn, đành nói với “thôi thầy cứ nhận cho em. Cháu nó được thi hay không em cũng chấp nhận”. Vậy mà cuối cùng Tâm lại thi đỗ với không một ngày ôn luyện để thi vào trường”.

Trong gia đình, Tâm là anh cả, dưới còn em trai đang học lớp 7. Cô Huế cho hay: “Cháu ít khi mua quà tặng bố mẹ và em nhưng lại biết cách quan tâm mọi người bằng những hành động, việc làm đơn giản. Đi chơi cháu mua gì cũng đều có phần cho em. Nếu cháu ăn trước, biết ý dành những phần ngon để lại cho bố mẹ”.

Trao bằng khen và tiền thưởng cho học sinh ngay tại sân bay

Ngay sau khi đội tuyển thi Olympic Toán quốc tế Việt Nam về đến sân bay Nội Bài, thay mặt lãnh đạo Bộ GD-ĐT Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển đã trao bằng khen và tiền thưởng cho cả 6 học sinh đến từ các trường: THPT Chuyên ĐH Sư phạm Hà Nội, THPT Chuyên Hà Nội – Amsterdam, THPT Chuyên Lam Sơn (Thanh Hóa), PT Năng Khiếu ĐHQG TP.HCM.

Theo đó, học sinh giành HCV được thưởng 15 triệu đồng, HCB: 10 triệu đồng, HCĐ: 7 triệu đồng. Các học sinh cũng nhận được thêm lần lượt là 10 triệu đồng, 7 triệu đồng và 5 triệu đồng phần thưởng của một công ty viễn thông trao tặng.