Những áp lực khi có bố mẹ giáo viên chủ nhiệm

Lethuy248, Theo Mask Online 00:48 30/10/2014

Khi có bố mẹ là giáo viên chủ nhiệm thực sự thì nhiều bạn mới biết hiện thực trái ngược hoàn toàn với những điều mình mơ tưởng lâu nay.

Lúc bé thì ao ước và tự hào vì cứ nghĩ rằng, có bố mẹ là giáo viên chủ nhiệm sẽ thật tuyệt. Sẽ được bố mẹ che chở khi mắc phải lỗi, sẽ được vi vu trên chiếc xe của bố mẹ mỗi khi tới trường, hay có thể không học bài cũ, làm bài tập môn của bố mẹ, và đến khi kiểm tra cũng không cần lo lắng quá nhiều vì có thể sẽ biết đề trước. Nhưng đến khi có bố mẹ là giáo viên chủ nhiệm thực sự thì nhiều bạn mới biết hiện thực trái ngược hoàn toàn với những điều mình mơ tưởng lâu nay.

Áp lực tâm lí từ mọi phía

Mọi người thường cho rằng có bố mẹ là giáo viên trong trường, nhất là giáo viên chủ nhiệm thì bạn sẽ được ưu ái hơn những bạn khác. Nhưng sự thật thì hoàn toàn ngược lại. Những suy nghĩ, lời nói từ thầy cô giáo khác, từ bạn bè, từ những người xung quanh khiến bạn càng thấy áp lực đè nặng hơn.

"Nếu chẳng may không học bài cũ, không làm được bài tập thầy cô giáo giao hay vi phạm lỗi như nói chuyện riêng trong lớp, quên vở ở nhà… lập tức bạn sẽ bị đem ra so sánh với các bạn khác, hoặc bị thầy cô cho rằng cậy bố mẹ làm giáo viên mà không chịu học hành tử tế" - L.T.Thủy (lớp 10 trường THPT Đào Duy Từ) nói. Cũng chẳng may nếu bạn có khuyết điểm gì, lập tức bố mẹ bạn cũng nắm rõ trong lòng bàn tay.

Cùng hoàn cảnh với Thủy, Hoàng Nam (lớp 11-THPT Lê Lợi) cho hay: "Nếu kiểm tra hay đi thi được điểm cao thì bạn bè nói là mình biết đề trước, bố/mẹ nó là giáo viên chủ nhiệm mà. Còn nếu bị điểm thấp thì ngay lập tức nhận được những cái nhìn khó hiểu kèm theo những lời bàn tán con giáo viên chủ nhiệm mà điểm cũng chỉ được có thế. Nhiều khi mình chỉ muốn chỉ chuyển trường để không phải học với mẹ nữa. Bao nhiêu nỗ lực, cố gắng của mình đều không được các bạn công nhận". 

Những áp lực khi có bố mẹ giáo viên chủ nhiệm 1

Và bố mẹ còn khắt khe hơn so với những bạn khác

Rất nhiều bạn có cảm giác sợ hãi khi bố mẹ làm giáo viên chủ nhiệm của mình. Bởi là "con giáo viên chủ nhiệm" nên bị bố mẹ săm soi kinh khủng, nhất là mỗi khi kiểm tra. Chỉ cần hí hoáy quay ngược quay xuôi là bị nhắc nhở, hay chỉ cần có ý định giở tài liệu lập tức bị phát giác ngay vì không ai hiểu con bằng cha mẹ. Không chỉ có thế, 15 phút kiểm tra miệng đầu giờ cũng là nỗi kinh hoàng. Người có nguy cơ bị gọi đầu tiên hay đứng ra chịu trận lên bảng thay cho cả lớp chính là những "hoàng tử, công chúa" của bố mẹ.

"Nếu là các bạn khác vi phạm quy định còn có cơ hội được tha một lần, nhưng nếu là bạn chắc chắn bạn sẽ bị nhắc nhở hoặc bị phạt trước lớp. Đã có lần mình giận mẹ mấy ngày vì mẹ bắt mình đứng cả tiết vì cái tội làm việc riêng trong giờ học. Không những thế giờ sinh hoạt lớp mẹ còn nêu tên mình trước lớp làm gương cho các bạn khác. Hoặc khi cho điểm, bao giờ mẹ cũng chấm bài của mình chặt chẽ hơn so với các bạn" - Hồng Hạnh (lớp 11-THPT Quang Trung) tâm sự.

Khoảng cách vô hình với bố mẹ 

Khi chưa học cùng bố mẹ teen vô tư thoải mái hỏi đáp  bố mẹ về các vấn đề của môn học đó. Nhưng khi bố mẹ dạy cho chính mình rồi thì dường như lại có một khoảng cách vô hình ngăn cách giữa teen và bố mẹ. Teen ít hỏi han và trò chuyên với bố mẹ hơn. Chúng ta hay né tránh nói đến chuyện học hành trên lớp, tự tìm tòi nghiên cứu thay vì trao đổi cùng với vị "giáo viên đặc biệt" ở cùng nhà này. Lại có bạn khi bố mẹ chưa dạy thì ngày ngày chễm chệ trên xe cùng bố mẹ đến trường chẳng bao giờ lo muộn giờ, nhưng khi bố mẹ chuyển sang làm chủ nhiệm lớp thì bằng mọi cách tự mình đi học riêng.

Bên cạnh đó cách xưng hô cũng là một vấn đề đau đầu của teen. Không biết nên gọi là thầy cô, em, hay vẫn cứ là bố mẹ vì dù sao thì ai cũng biết rồi. H. Lan (sinh viên năm nhất HVNH) cho hay: "Lớp 12 ba là giáo viên chủ nhiệm lớp mình, bình thường những năm trước ba không dạy nên ở trường tớ vẫn gọi là ba. Thế nhưng ngày đầu tiên năm học khi ba gọi trả lời câu hỏi, mình không biết nên xưng hô thế nào cho phải. Thế là theo thói quen mình gọi ba xưng con. Không ngờ bị ba dội cho một gáo nước lạnh đây là trường học chứ không phải ở nhà. Thầy ra thầy, trò ra trò. Lúc đó mình cảm thấy thật ngượng với bạn bè. Dẫu cho ở nhà ba rất cưng con gái. Kể từ khi ba chuyển sang làm chủ nhiệm lớp, mình có cảm giác ngay cả khi ở nhà, ba cũng là giáo viên chủ nhiệm chứ không còn là ba nữa".

Không biết được làm con giáo viên là "sướng hay khổ" nhưng những ai ở trong hoàn cảnh này có lẽ cũng chỉ mong được mọi người và đặc biệt là cả bố mẹ xem mình như là những học sinh bình thường khác để có thể vô tư lự học tập và vui chơi mà thôi.