Nhà tuyển dụng chia sẻ về một ứng viên không bằng cấp

Bít Tất, Theo Trí Thức Trẻ 00:01 31/07/2013

Dù đã cố gắng hết sức nhưng điểm số và bằng cấp đã trở thành một rào cản đối với các bạn học sinh khi bước vào đời.

Tính đến ngày 30/7/2013 đã có hơn 200 trường Đại học công bố điểm thi. Đứng trước bảng điểm công bố kết quả, bên cạnh cảm giác hồi hộp và vui mừng khi thấy số điểm cao thì vẫn không ít các thí sinh ngậm ngùi và trăn trở về tương lai khi "trót lỡ" nằm trong khu vực “đèn đỏ”. Dù đã cố gắng hết sức, nhưng điểm số và bằng cấp đã trở thành một rào cản đối với họ khi bước vào đời.

Như trước kia, trượt Đại học mang lại khá nhiều hệ lụy xấu cho một số bạn trẻ, đó là mất niềm tin, mất động lực phấn đấu cho tương lai. Nhiều bạn còn rơi vào trạng thái trầm cảm, ảnh hưởng đến sức khỏe một thời gian dài. Nhưng giờ đây, cuộc sống “rớt Đại học” thật sự không còn là cơn ác mộng như xưa, bởi vẫn còn rất nhiều lựa chọn để teen khẳng định được giá trị của bản thân, khi chẳng may không thể bước vào cánh cửa Đại học.

Tại buổi tư vấn “Tôi không chọn Đại học” tổ chức hôm qua, nhiều vị khách mời, họ là các nhà tuyển dụng đến để giải đáp những thắc mắc và giúp các bạn đang ở ngưỡng "bơ vơ", không biết sẽ làm gì nếu rớt Đại học có thể chọn cho mình một quyết định sáng suốt nhất. Đã có rất nhiều bạn vừa tốt nghiệp cấp 3, thậm chí đang là sinh viên hoặc đã đi làm đều có nhiều băn khoăn cần được giải đáp, phần lớn vẫn là về chuyện bằng cấp. Thông qua đó, họ đã có những tâm sự, chia sẻ rất thật lòng mình về một ứng viên không có bằng đại học khi đi xin việc. Với một số nhà lãnh đạo của các công ty lớn hiện nay, họ xem bằng đại học chỉ như một... "bộ trang phục".

Nhà tuyển dụng chia sẻ về một ứng viên không bằng cấp 1
Liệu bạn có đủ tự tin khi gửi một bộ hồ sơ không có bằng đại học khi đi xin việc (?)

Bạn Bảo đến từ Nghệ An nói: Mình thật buồn vì đây là kì thi đại học lần thứ 2 trong đời, nhưng mình vẫn thi rớt. Mình cảm thấy áp lực khi mọi người biết mình thi rớt và sẽ coi thường, chê này chê nọ không bằng con cái họ, đại học cũng không đậu nổi điểm sàn. Bây giờ mình hoàn toàn cảm thấy rất buồn, mình không biết phải đối diện như thế nào với gia đình, bạn bè cùng trang lứa. Mình cảm thấy mất đi một cái gì đó thật to lớn khi không vào được Đại học. Mình thi rớt có phải là điều kém cỏi của kẻ thất bại như mọi người nghĩ không?

Hay bạn Châu Minh Tuấn đến từ Đà Nẵng lại có những thắc mắc "không của riêng ai": Hiện nay rất nhiều nhà tuyển dụng luôn khẳng định: “Chúng tôi không quá coi trọng vấn đề bằng cấp của ứng viên”. Nhưng thực tế người đi làm lại luôn bị áp lực về vấn đề cần phải có bằng cấp. Mình thấy như thế thật không công bằng, và người thiệt thòi cuối cùng vẫn là những người như tụi mình mà thôi.

Ngoài ra, anh Mai Lâm Hoa ở Khánh Hòa là người đã đi làm từ lâu, nhưng anh vẫn có những thắc mắc: "Liệu hiện nay có mấy nhà tuyển dụng thật sự có hứng thú với những người không có bằng đại học trong tay!?"

Về trường hợp bạn Bảo ở Nghệ An, ông Trần Duy Vinh - Phó Giám đốc FPT Software đã chia sẻ: Anh nghĩ con đường đại học không phải là con đường duy nhất để tiến thân và mọi người không có quyền phân biệt đối xử giữa các bạn tốt nghiệp trung cấp, cao đẳng với các bạn tốt nghiệp đại học. Mọi người đều được tôn trọng như nhau. Như ở Công ty của bọn anh, rất nhiều bạn không có bằng đại học nhưng vẫn vào làm việc và thăng tiến rất tốt trong Công ty. Miễn sao em có ý chí vươn lên và có niềm đam mê trong công việc, cố gắng hoàn thành tốt các công việc được giao với tinh thần nhiệt huyết, máu lửa nhất. Trên thế giới, Bill Gate ở Microsoft là một ví dụ điển hình cực kỳ thành công, trở thành người giàu nhất nhì trên thế giới đó thôi (cười). Sau khi có kinh nghiệm trong công việc, em vẫn có thể học tập nâng cao thêm để hoàn thiện việc học của mình nhé!

Nhà tuyển dụng chia sẻ về một ứng viên không bằng cấp 2
 
Riêng vấn đề các nhà tuyển dụng ngày nay, họ có thật sự không quan tâm đến bằng cấp như những gì đã nói hay không. Thì ông Đào Trường Giang - Đại diện cho VTC online đã có những chia sẻ rất thật lòng mình: Bằng cấp giống như một bộ trang phục vậy, khi mới gặp nhau, nó là yếu tố đầu tiên để người ta tiếp cận và tìm hiểu về nhau. Tuy nhiên, với vai trò là bộ trang phục, nó sẽ không thể phản ánh đầy đủ về giá trị của người mang nó. Thực tế trong nhiều năm làm quản lý, tôi đã tiếp nhận rất nhiều nhân sự không có bằng Đại học, đồng thời cũng từ chối rất nhiều ứng viên có bằng đại học, thậm chí là bằng khá giỏi nhưng không có đủ đam mê hoặc không phù hợp với doanh nghiệp của mình. Điều tôi muốn nói là trang phục đẹp thì cũng tốt đấy, nhưng nội dung đẹp mới là vấn đề quan trọng nhất. Các bạn trẻ nên gạt bỏ bớt áp lực để hiểu rõ về đam mê của mình hơn và mạnh mẽ theo đuổi niềm đam mê ấy, bởi nếu thiếu đam mê, cho dù là trong ngành nào, cũng rất khó để có được thành công.

Nhà tuyển dụng chia sẻ về một ứng viên không bằng cấp 3

Ở nhiều các quốc gia phát triển trên thế giới, đã từ lâu vào đại học không phải là con đường duy nhất dẫn đến thành công. Đặc biệt đối với ngành công nghệ nội dung số, trên thế giới có nhiều tấm gương thành công lớn đã không chọn con đường đại học để theo đuổi đam mê và ước mơ của mình. Ví dụ như: Bill Gate, Larry Ellison, Steve Job,... Ở góc độ của một doanh nghiệp, chúng tôi quan tâm nhiều hơn đến năng lực chuyên môn, đam mê và những gì chúng tôi tin rằng các ứng viên có thể đóng góp cho doanh nghiệp của mình, không quan trọng bằng cấp của họ là gì.

Trên thực tế, tại công ty có nhiều cán bộ quản lý cũng như chuyên gia giỏi không có bằng đại học. Tuy nhiên tại Việt Nam đa số mọi người cho rằng vào đại học là con đường duy nhất để dẫn đến thành công.

Bạn thấy đấy, chuyện thi rớt ĐH không quá bi quan như bạn tưởng, còn rất nhiều cánh cửa khác mở ra và ta cũng có nhiều sự lựa chọn hơn. Kỳ thi đã trôi qua, đừng tự dằn vặt bản thân lúc này vì nó cũng chẳng có ích gì. Hãy lấy thời gian ấy làm những việc có ích cho bản thân và cho mọi người hơn. Và hãy nhớ, thành công chỉ đến với những ai theo đuổi bằng sự đam mê và quyết tâm của mình mà thôi.