“Ngã rẽ” của tân cử nhân

Xuân Thu, Theo Trí Thức Trẻ 00:01 06/07/2012

Mùa hè hàng năm, cả nước có hàng ngàn tân cử nhân tốt nghiệp ra trường. Trong khi mỗi người một sở trường, một đam mê thì cũng có rất nhiều “ngã rẽ” trên con đường của các bạn.

Làm trái ngành

Tốt nghiệp đã 1 năm nay nhưng Đỗ Thị Duyên (ĐH KHXH&NV, ĐH QGHN) vẫn đi gia sư và dạy thêm cho các trung tâm xuất khẩu lao động. Theo Duyên: “Đi dạy vẫn là sướng nhất, vừa nhàn, vừa chủ động thời gian mà lương cũng kha khá”. Trung bình khi đi gia sư bạn thường nhận được 100.000/2 tiếng. Một lớp ở trung tâm 2 tiếng bạn cũng nhận được mức lương trung bình 150.000 đồng.

Đã nhiều lần xin vào làm ở những công ty, khu công nghiệp nhưng nhiều nhất chỉ 2 tuần sau Duyên đã bỏ việc với lý do: "Làm ở đó khó quá, tiếng thì chưa thành thạo, thời gian thì gò bó, đi công trường thì vất vả không chịu được. Hơn nữa lương tính ra 1 tháng cũng chỉ bằng mình đi dạy. Tội gì mà không lựa chọn công việc nhàn hơn" - Duyên than thở.

Ra trường 1 năm nhưng Phạm Thị Thuyết (ĐH Thái Nguyên) vẫn đang trong thời gian tìm và chờ việc. Trong thời gian chờ việc, bạn thường làm những công việc thời vụ như: phát tờ rơi, bán quần áo…

Còn với Hải, SV năm cuối ĐH Lao Động Xã Hội, dù chưa ra trường nhưng Hải đã xác định trước đi học chỉ lấy bằng cho đủ giấy tờ. “Sau này cái bằng kế toán chắc mình chẳng dùng tới đâu. Hiện mình đang là lễ tân cho một khách sạn ở Hà Nội và mình cũng xác định trước là sẽ theo đuổi công việc này” - Hải chia sẻ.



"Lên xe hoa" rồi tìm việc

Tốt nghiệp ĐH, thường con gái đã sang tuổi 23, 24 nhiều bạn có người yêu, khi ra trường đã kết hôn ngay với muôn vàn lý do: yêu nhau lâu rồi, đã xác định thì cưới luôn. Lấy chồng, ổn định chỗ ăn ở thì lo công việc một thể, sau này đỡ phải chuyển nơi công tác…

Nguyễn Thị Lan (Sư phạm Văn, ĐH Giáo Dục, ĐH QGHN) vừa tốt nghiệp được 2 tháng đã nhanh chóng "lên xe hoa" về Nam Định. “Học Sư phạm muốn đi dạy phải có hộ khẩu ở đó. Bây giờ mình mà xin việc ở quê tốn kém bao nhiêu, sau này lấy chồng lại phải xin về quê chồng thì vất vả lắm” - Lan nói.

Còn Liên (24 tuổi, Hải Phòng) nhận được tấm bằng cử nhân khoa Tài chính ngân hàng của ĐH Hà Nội cũng nhanh chóng lấy chồng trước bao nhiêu ngỡ ngàng của bạn bè cùng lớp. Liên chia sẻ: “Mình cũng muốn xin được việc làm rồi mới lấy chồng nhưng những công việc tốt, phù hợp với mình đâu phải lúc nào cũng dễ tìm. Mình muốn làm đúng chuyên ngành để đỡ bỏ phí mấy năm học. Lấy chồng rồi, trở thành dâu con trong nhà có nhờ người quen cũng dễ hơn là danh nghĩa người yêu”.

Ở Thành phố tìm cơ hội thăng tiến

Nhiều bạn trẻ vừa ra trường, chưa có bằng nhưng vẫn quyết tâm ở lại Thành phố tìm cơ hội cho mình.

Mai (22 tuổi, Yên Bái) vừa thi tốt nghiệp đầu tháng 6, dù chưa được lấy bằng, nhưng cô bạn vẫn quyết tâm ở lại Hà Nội nhờ bạn bè giới thiệu việc làm thời vụ, “Bây giờ về nhà biết làm gì? Chẳng lẽ học xong 3 năm lại ra bán hàng cho mẹ. Hàng xóm cứ hỏi học xong giờ làm gì, xin được việc chưa làm mình thấy ngại lắm. 

Ở HN có đắt đỏ hơn ở quê nhưng cũng dễ tìm việc hơn ở quê và mình có cơ hội sử dụng những gì mình học nhiều hơn. Biết đâu vài tháng nữa mình sẽ tìm được công việc phù hợp với chuyên môn của mình” - Mai nói thêm.

Dù bố có chỗ quen giới thiệu công việc tại Sở Văn Hóa tỉnh Hải Dương, nhưng Hoàng (CĐ Du lịch Hà Nội) vẫn quyết tâm ở lại Hà Nội: “Ước mơ của mình được trở thành hướng dẫn viên du lịch. Về tỉnh làm thì chỉ là công việc văn phòng, mình thấy tiếc cho công học tập và ước mơ của tuổi trẻ. Cứ bay nhảy đã rồi tính sau”.



Học tiếp để có nhiều lựa chọn hơn

Học tiếp lên cao học là lựa chọn của nhiều bạn trẻ khi mới ra trường. Có hàng ngàn lý do để các bạn lựa chọn việc học cao học.

Với Trâm (HV Báo chí tuyên truyền) thì: “Mình học cao học vì thấy các anh chị khóa trên mách sau này nhất định có bằng càng cao thì công việc càng dễ. Giờ chưa vướng bận gì thì nên đi học cho dễ”.

Với Đặng Cúc (ĐH Giáo Dục, ĐH QGHN) đi học cao học lại là việc “chống cháy” trong thời gian chờ xin việc.

Ra trường không phải ai cũng may mắn tìm được việc làm ngay. Cũng có nhiều con đường cho bạn lựa chọn. Bạn sẽ chọn con đường nào? Hãy cân nhắc thật kỹ và chuẩn bị đầy đủ cho khởi đầu mới của mình nhé, tân cử nhân!