Ném phao thi cho thí sinh sẽ bị phạt 10 triệu đồng

Infonet, Theo 10:24 14/03/2013

Làm lộ hoặc mất đề thi sẽ bị phạt tiền từ 10-20 triệu đồng, đối với trường hợp giám thị coi, chấm thi không đúng quy định có mức phạt 3-10 triệu đồng.

Đây là một trong những quy định nằm trong dự thảo mới của Bộ GD – ĐT về việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục.

Nghị định này quy rõ hành vi; hình thức, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả đối với từng sự việc; thẩm quyền, mức phạt tiền cụ thể theo từng chức danh trong trong lĩnh vực giáo dục.

Về hình thức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả

Đối với mỗi vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục, cá nhân, tổ chức phải chịu một trong các hình thức xử phạt chính sau đây: cảnh cáo; phạt tiền: mức phạt 50 triệu đồng đối với cá nhân; 100 triệu đồng đối với tổ chức.

Tuỳ theo tính chất, mức độ có thể bị áp dụng một hoặc nhiều hình thức xử phạt bổ sung sau đây: tước quyền sử dụng quyết định cho phép thành lập, quyết định cho phép hoạt động giáo dục, giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động giảng dạy, giáo dục có thời hạn; tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính; trục xuất.

Ngoài các hình thức xử phạt này, cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục còn có thể bị áp dụng một hoặc nhiều biện pháp khắc phục hậu quả sau đây: giải thể hoặc chấm dứt hoạt động; hủy bỏ kết quả các môn thi hoặc chấm lại bài thi; đưa ra khỏi lãnh thổ Việt Nam hoặc buộc tái xuất các sách giáo khoa, tài liệu, thiết bị giáo dục đã nhập khẩu trái phép...

Mùa thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ sắp đến, vì vậy một điểm đáng lưu ý trong dự thảo này chính là việc xử phạt khi vi phạm quy định tuyển sinh, quy chế thi.

Vi phạm quy định về chỉ tiêu tuyển sinh: phạt từ 5-50 triệu

Cụ thể:phạt tiền từ 5-10 triệu đồng đối với hành vi không thực hiện đúng với nội dung thông báo về tuyển sinh, đào tạo; phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 5-50 triệu đồng đối với hành vi vi phạm tuyển sinh để đào tạo trung cấp chuyên nghiệp vượt quá chỉ tiêu số lượng so với chỉ tiêu đã được thông báo hoặc được giao.

Vi phạm quy định về thi: phạt từ 3-20 triệu

Đối với một trong các vi phạm quy chế thi sau đây: ra quyết định thành lập bộ máy, phân công nhiệm vụ cho cán bộ trái với quy chế áp dụng cho kỳ thi đó; không đảm bảo quy định về cơ sở ra đề thi, coi thi và chấm thi; quản lý hồ sơ thi, bài thi không đúng quy định; làm mất hoặc làm hư hỏng bài thi đến mức không thể chấm được bài thi đó; chấm bài thi tuyển sinh, thi tốt nghiệp không đúng đáp án, thang điểm, quy trình; lập bảng điểm sai lệch với kết quả; không đảm bảo bí mật bài thi; xử lý người vi phạm quy chế thi sai quy định; thông tin sai sự thật gây ảnh hưởng đến kỳ thi; sẽ bị phạt từ 3-10 triệu đồng.

Đối với hành vi gây rối, đe doạ dưới mọi hình thức hoặc dùng vũ lực ngăn cản người quản lý thi, coi thi, chấm thi, phục vụ thi thực hiện nhiệm vụ phạt tiền từ 5-10 triệu đồng.

Ném phao thi cho thí sinh sẽ bị phạt 10 triệu đồng 1

Đối với một trong các hành vi sau đây: thi thay người khác hoặc thi kèm để trợ giúp người khác; chuyển tài liệu, thông tin, đồ dùng trái phép vào phòng thi cho thí sinh đang dự thi hoặc làm bài, trợ giúp thí sinh làm bài dưới mọi hình thức; đánh tráo bài thi hoặc tiếp tay cho người khác đánh tráo bài thi của người dự thi hoặc làm lộ bí mật số phách bài thi; viết thêm hoặc sửa chữa nội dung bài thi của thí sinh trái quy định; mang các vật dụng không được phép vào khu vực thi, chấm thi; phạt tiền từ 5-10 triệu đồng.

Nếu làm lộ bí mật hoặc làm mất đề thi (nhưng chưa đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự) phạt tiền từ 10-20 triệu đồng.

Về việc xử lý vi phạm, dự thảo này cũng nêu rõ thẩm quyền của các cấp từ trung ương đến địa phương.

Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các cấp có quyền xử lý

Đối với các hành vi vi phạm: chủ tịch Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn có quyền phạt cảnh cáo, phạt tiền đến mức tối đa là 5 triệu đồng. Chủ tịch Uỷ ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh có quyền phạt cảnh cáo, phạt tiền đến mức tối đa là 25 triệu đồng; Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có quyền phạt tiền đến mức tối đa là 100 triệu đồng và bổ sung khắc phục hậu quả, tước quyền sử dụng giấy phép, đình chỉ hoạt động có thời hạn, tịch thu tang vật.

Chức năng của thanh tra giáo dục

Thanh tra viên giáo dục đang thi hành công vụ có quyền phạt cảnh cáo, phạt tiền đến mức tối đa là 500.000 đồng đối với các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục.

Chánh Thanh tra Sở GD - ĐT các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có quyền phạt cảnh cáo, phạt tiền đến mức tối đa là 50 triệu đồng.

Trưởng đoàn thanh tra chuyên ngành cấp Bộ có quyền có quyền phạt tiền đến mức tối đa là 70 triệu đồng; Trưởng đoàn thanh tra chuyên ngành cấp Sở có quyền phạt tiền đến mức tối đa là 50 triệu đồng.

Chánh Thanh tra Bộ GD - ĐT có quyền phạt tiền đến mức tối đa là 100 triệu đồng.