Một du học sinh bức xúc vì bị áp đặt suy nghĩ xấu

Blue Sky, Theo 00:01 28/08/2010

Cho những ai có suy nghĩ sai lầm về du học và các du học sinh. Tôi - một du học sinh. Điều đó có làm cho tôi khác biệt?!

1/ Học ở nước ngoài chương trình dễ ẹc, nhắm mắt cũng được A?

Tôi không bàn đến việc chương trình dễ hơn hay khó hơn, đó còn tùy vào mỗi người đăng ký những lớp học khác nhau. Điều duy nhất tôi muốn đề cập đến là cho dù dễ hơn hay khó hơn bạn đều phải học mọi thứ bằng thứ tiếng không-mẹ-đẻ (rào cản ngôn ngữ). Liệu điều đó có làm vấn đề trở nên dễ hơn cho bạn? Bạn không thể đi học thêm vì đa số các du học sinh như tôi, làm sao có thể trả nổi 1 giờ học thêm giá 20$-40$.

Tôi từng học ở VN, tôi biết học rất khó và áp lực. Nhưng chỉ áp lực chuyện học, chúng tôi còn cả những chuyện khác...

2/ Gia đình cách bạn nửa trái đất và bạn không có bạn bè

Gia đình tôi muốn nói ở đây là cha mẹ và anh chị em ruột. Nếu đặt bạn vào vị trí của chúng tôi, những con người - thậm chí còn là những đứa trẻ 15- 17 tuổi đầu xách vali xa cha mẹ, bạn sẽ cảm giác ra sao? Khi buồn chuyện học hành, không ai để tâm sự. Tuy thời đại kỹ thuật số, nhưng liệu bạn có nhìn được ánh mắt thông cảm, sẻ chia từ cha mẹ qua điện thoại, qua những webcam mờ ảo? Đôi khi, gần 12h đêm tôi mới về tới nhà, cảm thấy rất mệt, tôi nhìn điện thoại, không hề thấy ai gọi hối tôi về hay hỏi tôi đang ở đâu như lúc còn ở với ba mẹ, cảm thấy ấy rất cô đơn và lạc lõng... Có khi tôi nói bây giờ bạn không hiểu được cảm giác đó, chỉ cần bạn biết rằng nó còn ngàn lần khó chịu hơn là những lần la mắng qua điện thoại và buộc bạn về nhà vì đã 9h đêm.

Ngoài áp lực học tập, áp lực cả ở bạn bè cũng không nhỏ. Tùy thành phần, tùy trường bạn học sẽ cho bạn tỉ lệ có bạn nhiều hay không. Nhưng cho dù bạn có bạn bè nhiều đi nữa, cũng chẳng thể nào như những người bạn ở VN, chia nhau từng miếng bánh, ngụm nước ngọt. Thậm chí có những khi bạn buồn, bạn cũng không dám tâm sự với những người bạn kia vì bản thân bạn không hề biết họ. Nếu may mắn họ có thể giúp bạn, bằng không họ cũng có thể hủy hoại tất cả trong vòng 1 giây. Tiếng nói của bạn làm sao bằng những con người nói tiếng bản xứ và biết nhau lâu ngày, hay những tin nhắn "gossip"!


Ảnh chỉ mang tính chất minh họa

 3/ Cố gắng thích nghi

Từng lời nói, từng hành động của bạn nằm trong sự e dè vì văn hóa khác biệt. Tôi đã từng phải dè dặt vì tôi sợ mình phát ngôn bừa bãi và mọi người nghĩ tôi bị vấn đề thần kinh. Ở VN mình có bạn con trai mình sẽ đánh đùa nó để tỏ sự thân thiết. Nhưng không, tôi đã bị mọi người nhìn bằng ánh mắt kì cục khi dám giơ tay đánh 1 đứa con trai cùng lớp. Đã là thói quen, rất khó sửa chữa, chắc hẳn ai cũng áp lực đúng không?

 4/ Prom -Party - Shopping = Phí phạm tiền của, đua đòi, du nhiều hơn học

Vâng, những thứ ở trên được mọi người cho rằng đó là chuyện phí phạm, đua đòi. Xin thưa, tôi rất bức xúc về vấn đề này. Ở đây, tôi chỉ muốn nói rằng, 3 thứ trên là 3 thứ duy nhất mà chúng tôi dùng để thư giãn. Nhìn lại nhé, chúng tôi không hề vũ trường, hay bar, club vì vốn rất đắt tiền, lại không đủ tuổi. Chúng tôi cũng không hề cà phê cà pháo, ngồi lết từ quán này sang tiệm nọ, trả hơn trăm ngàn cho những ly nước vốn dĩ thua cả nước suối. 

Prom chỉ là một buổi tiệc "formal". Với những tấm hình chung với các bạn cùng trang lứa đi Prom, chúng tôi bị chỉ trích rằng đua đòi, mất lối sống người Việt. Thế còn những tấm hình nhan nhãn khác của các bạn "khoe hàng" đi bar, club ở chính tại VN thì sao? Hóa chăng những đứa sống xa nhà như chúng tôi mới hư hỏng được còn những bạn tại quê nhà thì ngoan ngoãn? 

Thậm chí đến chuyện shopping cũng bị gọi là phung phí. Tôi biết, giá cả một khi đổi sang tiền ngoại thành ra rất cao. Khi còn ở VN, đời thuở nào tôi mới dám mua 1 cái áo thun trơn bình thường 400 ngàn? Đời nào tôi mới dám bỏ tiền mua 1 đôi giày 3 triệu để mang dưới chân? Một cái áo lạnh 4 triệu. Quá xa xỉ so với giá cả tiền Việt. Nhưng, liệu điều đó có gọi là phung phí khi bạn thật sự cần? Tôi không mua 1 cái áo lạnh 4 triệu để về lau bàn, tôi mua để mặc. Và bạn có cho là phung phí không nếu bạn bắt buộc phải mua 1 đôi bốt 3 triệu vốn để giữ chân bạn ấm vào mùa đông? Bên cạnh đó, nếu cha mẹ của những du học sinh có điều kiện cung cấp cho các bạn ấy tiêu xài, những người khác không có cái quyền gì để nói họ phung phí vì cha mẹ họ là người duy nhất có quyền nói đến chuyện đó. "You aren't pay, you shouldn't say!"

Kết

Tôi chỉ muốn chia sẻ những gì tôi đã trải qua và sẽ tiếp tục trong tương lai. Tôi hi vọng mọi người nhìn chúng tôi - những du học sinh với ánh mắt thoáng hơn là những con người có cuộc sống dễ dàng.

Nếu bạn thật sự có ý kiến với những gì tôi viết, bạn cứ thoải mái comment. Nhưng tôi chỉ nói vấn đề ở đây không phải chuyện đúng sai, là chuyện bạn có đồng ý nhìn mọi chuyện theo đúng góc độ tôi nhìn không mà thôi.

Những chuyện ở trên lấy từ kinh nghiệm mà tôi có được. Không hẳn sẽ đúng 100% thành phần các du học sinh vì cũng có những bạn ngoại lệ... Nhưng tôi - chúng tôi ở đây là những người bạn của tôi, cùng hoàn cảnh, cùng suy nghĩ và CÙNG BỊ ÁP ĐẶT SUY NGHĨ.