Mong ước “thầm kín” của HS trước khi bước vào phòng thi

lethuy248, Theo Trí Thức Trẻ 00:00 19/12/2014

Lo lắng, hồi hộp là tâm trạng chung của tất cả các học sinh trước khi bước vào phòng thi, bất kể đó là học sinh giỏi hay học sinh trung bình. Không biết đề khó hay dễ, không biết đề dài hay ngắn, không biết giám thị khó tính hay dễ tính?

Có rất nhiều câu hỏi được đặt ra trong đầu của các bạn. Bên cạnh những lo lắng đó, cũng là những “mong ước thầm kín” rất “teen” mà không ai cần phải nói ra mọi người cũng hiểu. Đó là:

Gặp được giám thị "dễ thở"

Hay nói một cách khác là được thầy cô giám thi dễ tính trông thi. Với các bạn, giám thị dễ tính được định nghĩa là “thầy cô thường ngồi yên một chỗ, ít khi “lượn lờ” xung quanh cũng như ít khi “soi” thí sinh. Thường thì thầy cô chỉ nhắc nhở nhẹ nhàng khi bạn dòm bài hay khi bạn đang có ý định mở tài liệu. Thậm chí ngay cả khi thầy cô bắt được tận tay bạn đang “ung dung” chép phao thì thầy cô cũng chỉ nhắc nhở và “giữ giùm” bạn chiếc phao đó thôi, chứ không thẳng tay lập biên bản.

Hoặc sau một thời gian đầu thầy cô lập kỉ cương phòng thi để tránh hiện tượng mới vào phòng  các bạn đã ồn ào trao đổi, thì sau đó, nhiều thầy cô thường ra cửa đứng trò chuyện với thầy cô khác, hoặc lên bàn ngồi soạn bài vở…Và thế là học sinh có cơ hội “tung hoành” phía dưới.

Mong ước “thầm kín” của HS trước khi bước vào phòng thi 1

Trúng tủ

Còn gì vui sướng hơn khi đi thi mà trúng tủ. Nhất là với những bài trúng tủ theo kiểu “thôi xem nốt bài này rồi đi ngủ”, hay “thôi xem cố xem nốt, biết đâu lại trúng”…Gặp những trường hợp này, chắc chắn ai cũng phải cười sung sướng không ngớt. Hẳn bạn sẽ làm  ngon ơ mà không cần suy nghĩ và tâm lý làm bài cũng trở nên “hưng phấn” hơn.

Có chiến hữu bên cạnh

Sau những lần đi thi thì các bạn đã biết mặt nhau, cũng như làm quen được với nhau, và biết học lực của nhau, ai mạnh ở môn nào mà lựa thời thế. “Chiến hữu” ở đây được hiểu là người quen, bạn bè trong lớp là những người nắm kiến thức khá chắc. Và điều quan trọng  không thể thiếu là bạn ấy phải dễ tính. Có như vậy mới giúp đỡ và tương trợ lẫn nhau khi gặp “hoạn nạn” được. Nếu có duyên được ngồi gần nhau, chẳng có lí do gì để chúng ta không chia sẻ cùng nhau. Bạn làm bài 1, tớ sẽ làm bài 2, rồi sau đó trao đổi. Như vậy sẽ đỡ tốn thời gian hơn. Hoặc nếu có bài mình chưa tìm ra hướng giải quyết, thì chỉ cần một gợi ý nhỏ từ bạn, mình cũng sẽ giải được. Cái này được gọi là “tham khảo ý kiến trường quay”. Hay như khi làm xong bài và muốn trao đổi kết quả xem mình làm có đúng hay không? Nếu có sai thì sẽ dễ dàng phát hiện và sửa lại. Bên cạnh đó, một khi có chiến hữu bên cạnh cũng khiến bạn vững tâm phần nào khi bước vào cuộc chiến.

Mong ước “thầm kín” của HS trước khi bước vào phòng thi 2

Có vị trí ngồi chiến lược

Có thể nói đó là chỗ khá kín, ít khi bị thầy cô để ý đến hoặc gần bạn bè, dễ thảo luận cũng như dễ chép phao mà lại  khó bị phát hiện. Thường thường mỗi lần thi ai phải ngồi bàn đầu ngay cửa ra vào hoặc ngay trước mặt thầy cô thì chỉ còn cách “tự lực cánh sinh”, dựa vào chính mình mà thôi. Và với  lũ “nhất quỷ, nhì ma, thứ ba học trò” thì vị trí đẹp nhất thường là ở các bàn gần cuối, chứ không phải cuối cùng đâu nhé. Vì ở đấy ít khi bị thầy cô để ý, vừa dễ chép phao lại dễ tham khảo bạn bè, vì xung quanh tứ phía đều có “bạn bè thân hữu”. Không như ở bàn cuối cùng là bàn bị “soi” nhiều nhất, mà lại thiếu đi ½ sự trợ giúp từ phía sau. Đặc biệt nữa là khi thầy cô cũng “an tọa” ngay đầu bàn cuối để có thể quan sát tất cả lớp từ phía dưới lên.

Tạm kết

Đã là học sinh thì ai cũng phải trải qua các kì thi, và ai cũng muốn khi đi thi “thiên thì phải thời, địa phải lợi và nhân thì phải hòa”. Nói vậy thôi, đi thi đôi khi cũng cần một chút may mắn, nhưng để có một kì thi như mong muốn thì chúng ta cần phải ôn tập thật tốt, nắm chắc kiến thức, đó mới là cách giúp ta tự tin nhất khi bước vào phòng thi. Dù phải ngồi chỗ nào, dù thầy cô khó hay dễ tính cũng không thành vấn đề. May mắn sẽ không ở bên cạnh bạn mãi mãi nếu bạn lười học.