Môn chuyên - phải là yêu thích thật sự

Hồ Anh Thư, Theo Mask Online 02:00 30/08/2014

Trường chuyên – niềm mơ ước của hầu hết các bạn học sinh. Tuy nhiên, không phải ai cũng có cơ hội đạt được mong muốn ấy. Nhưng rồi đối với những ai đã đặt chân vào được môi trường này, hãy thử suy nghĩ rằng, liệu bạn có thật sự yêu thích môn chuyên của mình hay không?

1. Không phải tình yêu

Rất nhiều dân chuyên không hề mảy may có tí cảm xúc nào với người “bạn đồng hành” luôn luôn kề cận mình trong suốt những năm học phổ thông, đặc biệt đối với những khối xã hội. 

M.T – học sinh lớp 10V trường THPT chuyên LK cho biết: “Môn Văn vốn không phải niềm đam mê của tớ. Lúc đầu tớ chỉ thi thử vô thôi, không ngờ may mắn lại đậu. Tội gì không học?  Học rồi mới thấy đúng là không yêu nổi”.

Một học sinh đến từ lớp chuyên Địa lại có lý do khác: “Nhà mình vốn ở ngoại thành, nên không thể nào đăng kí học vào trường nội thành được. Nhưng trường chuyên là sự lựa chọn duy nhất nếu mong muốn học ở môi trường tốt. Sức học của mình lại đều đều, chứ không nổi bật ở bộ môn nào, nên đành phải chọn những môn có tỉ lệ chọi thấp mới mong có 1 vé vào trường chuyên”.



2. Học chuyên là để “lấy tiếng”

Tâm lí trường chuyên, lớp chọn được thể hiện ngay từ những ngày đầu đăng kí hồ sơ. “Bạn bè ai cũng đăng kí trường chuyên, mình mà không đăng kí thì mất mặt lắm”. Bên cạnh những niềm yêu thích thật sự, không ít những lí do thi vào trường chuyên là vì bề mặt, sĩ diện. Việc thi cử một cách miễn cưỡng như thế không những mang đến kết quả xấu cho các bạn mà còn là những hệ quả dài lâu âm ỉ về sau.

Cùng với sự ganh đua của con cái, các bậc phụ huynh cũng đóng góp một phần không nhỏ. Ngoài việc muốn con cái có một môi trường học tập tốt, một số phụ huynh lại thêm ước mong con mình được trở thành học sinh lớp chọn trường chuyên để “cha mẹ nở mày nở mặt”. Vô hình chung, việc này gây ra cho các bạn không ít áp lực cứ mỗi mùa thi chuyển cấp đến.

3. Môn chuyên trở thành gánh nặng

Chỉ khi bước vào trường chuyên, các bạn mới thấy hết được những gánh nặng mà trước giờ mình không nghĩ đến. Hầu hết các môn chuyên đều được học với một lượng nhiều hơn rất nhiều so với các môn còn lại. Những sự miễn cưỡng, thi cho có thi dần dà trở thành rào cản, khiến tinh thần cảm thấy chán nản khi hầu như ngày nào cũng phải đối mặt với môn chuyên mà mình “đã từng không thích, nay còn chán ghét hơn”. 

Nhưng không thích không có nghĩa là bỏ dở, môn chuyên luôn chiếm phần trăm cao trong bảng điểm với việc được nhân hệ số cao hơn so với các môn khác. 

“Việc học ngày càng căng thẳng, nhưng đã phóng lao thì phải theo lao. Nếu bây giờ từ bỏ chẳng khác nào tự đá mình ra khỏi trường. Vì trường mình có quy định, trong một học kì nếu như điểm các môn, đặc biệt môn chuyên không trên trung bình thì học sinh sẽ phải chuyển trường” – B.L, 1 dân chuyên trường L.Q.D tâm sự.

Ngoài ra, còn có một số bạn, vì ngay ban đầu thi vào đã chọn môn chuyên lệch đi so với định hướng đại học của mình, nên bắt buộc giờ phải cày môn chuyên cho theo kịp trường lớp, vừa phải gồng mình ôn luyện những môn thi đại học khác “một trời một vực”.


Tạm kết

Trường chuyên chưa bao giờ là hết đắt hàng đối với ước mơ của những cô cậu học sinh trung học. Tuy nhiên, cần phải cân nhắc kĩ lưỡng, cùng với sự tư vấn cặn kẽ từ gia đình, thầy cô trước khi quyết định “bám dính” vào một môn học mà mình không thích trong suốt ba năm. Sự yêu thích sẽ dẫn đến đam mê. Chỉ một khi đam mê thì chúng ta mới có tinh thần làm tốt. Trung học phổ thông tuy không quan trọng như kì thi đại học “cá chép hóa rồng” của các sĩ tử, nhưng nó chính là bước đệm cơ bản giúp các bạn vững chắc từng bước trên con đường tiến đến giảng đường đại học tương lai của mình.