“Lợi bất cập hại” khi học với thầy cô dễ tính

Lumie, Theo 00:00 16/11/2011

Nếu các bạn đang lợi dụng sự dễ tính của thầy cô để lười học thì hãy sửa đổi ngay đi nếu không “lợi thì có lợi nhưng răng chẳng còn” đâu nhé.

Bước chân vào lớp học, ngoài việc thích ứng với các bạn cùng lớp, với bài vở và môi trường học thì teen còn phải thích ứng với cả giáo viên. Mặc dù không thể tự chọn giáo viên dạy cho mình nhưng trong số rất nhiều môn học, vẫn có thầy cô dễ tính và cả những thầy cô “hắc ám”. Chắc hẳn đa số teen đều không thích học với thầy cô khó tính, vào lớp lúc nào cũng nghiêm trang, không khí tĩnh lặng, rồi giao một đống bài tập về nhà, chưa kể còn phạt rất nặng nếu không làm và bị điểm kiểm tra kém. “Thật là sướng nếu được học với các thầy cô dễ tính” là chia sẻ của rất nhiều teen khi được hỏi rằng "bạn thích học thầy cô nghiêm khắc hay dễ tính."

Những cái được

Những cái được khi học với thầy cô dễ tính chắc hẳn teen nào cũng biết. Các thầy cô thường được quý mến ở chỗ hay lắng nghe học trò. Chẳng hạn, khi bạn làm thiếu bài tập bạn chỉ cần đứng lên "thưa cô hôm qua em bị ốm" hay một lý do chính đáng nào đó là thầy cô có thể sẵn sàng bỏ qua với lời dặn dò lần sau nên chuẩn bị bài cẩn thận trước khi tới lớp.

Thanh Hằng (THPT Đống Đa, Hà Nội) từng cười xòa với cô giáo dạy Lịch sử do cô bạn bị ốm nên chưa kịp học thuộc bài hôm trước. Lúc đầu Hằng rất sợ bị cô mắng nhưng sau khi nói lý do xong cô chỉ bảo lần sau sẽ kiểm tra bù thì Hằng thở phào nhẹ nhõm. Không chỉ có Hằng mà rất nhiều bạn sau đó đều nợ bài kiểm tra miệng do chưa học bài.

Thêm vào đó, với những thầy cô dễ tính, không khí lớp học thường khá gần gũi và vui vẻ. Mọi người có thể chia sẻ với nhau về bài học hay khi thầy cô nhầm, học trò có thể chỉ ra lỗi sai một cách vô tư. Khi có dịp đặc biệt nào đó như ngày 8/3, 20/10 hay đơn giản là lớp cần sinh hoạt, thông báo một số nội dung trong tháng tới thì có thể xin thầy cô 1 vài tiết một cách dễ dàng. 

Điểm số cũng là một vấn đề được rất nhiều teen quan tâm. Thầy cô dễ tính thường chấm điểm rất thoáng, do đó, điểm số của lớp cao hơn so với các thầy cô nghiêm khắc, chấm điểm chặt.

Tuấn Anh (THPT Quang Trung, Hà Nội) nói: “Mình thích học với các thầy cô dễ tính. Ngoài không khí lớp học vui vẻ, thoải mái ra thì các thầy cô còn có thêm chế độ cộng điểm cho những bạn hay phát biểu. Điều này rất có lợi cho tụi mình. Vừa tạo không khí học tập, vừa được điểm cộng. Đúng là quá lợi còn gì.”


Tuy nhiên, bên cạnh những "cái được" nhìn thấy rõ thì còn ẩn chứa rất nhiều cái mất mà teen chưa nhận rõ hay “cố tình” lơ đi.

Những cái mất

Thầy cô dễ tính có thể bỏ qua cho teen việc làm thiếu bài tập hay chưa học bài cũ, thay vào đó sẽ kiểm tra vào lần sau. Nhưng điều này vô hình trung đã tạo tâm lý ỷ lại cho nhiều bạn. Do không sợ bị phạt nên nhiều bạn cứ nấn ná "để lần sau học cũng được" hay làm bài tập một cách đối phó. Điều này ảnh hưởng không nhỏ tới thành tích học của các bạn.

T.Nhung (THPT Nguyễn Trãi, Hà Nội) bật mí: “Cô giáo dạy Sinh lớp mình rất hiền. Mỗi lần kiểm tra bài cô thường hỏi lớp mình ai học bài rồi và gọi những bạn giơ tay lên bảng. Hoặc cả lớp đồng thanh là “Không” thì cô lập tức bỏ qua luôn.” Mặc dù đỡ phải kiểm tra và điểm kiểm tra miệng kiểu như vậy rất cao nhưng lại hình thành tâm lý lười cho các bạn. Không học ngay theo từng bài, đến cuối kì, teen lại phải bỏ thời gian khá nhiều cho việc học lại các bài từ đầu năm.

Thầy cô dễ tính cho điểm cao, có thể ngay lúc đó bạn cảm thấy rất vui nhưng khi vấp phải sai lầm tai hại thì bạn mới biết tác hại khôn lường của việc đó tới đâu.

G.Tuấn (Lớp 10) chia sẻ: “Những năm học cấp 2 của mình trôi qua khá êm đềm, thậm chí còn rất tốt với điểm tổng kết lên tới gần 9 phẩy. Mình và gia đình cứ ngỡ đó là do thực lực thật của mình nên đăng kí với trường cấp 3 top trên và hậu quả là mình đã trượt. Ngậm ngùi học nguyện vọng 2 và sau đó mình mới thấm thía rằng điểm cao đó là do thầy cô cho để lấy thành tích vào cấp 3, chứ thực chất sức học mình không được vậy.”

Teen lợi dụng sự dễ tính của thầy cô, tranh thủ lười biếng sẽ hình thành thói quen không học mà vẫn được điểm cao hay được nợ bài. Các thầy cô dễ tính trong vấn đề điểm số cũng gây ra bất công trong lớp. Các bạn học giỏi, học khá hay trung bình điểm đều cao. Người làm đủ bài tập, học hành chăm chỉ cũng vậy mà các bạn làm thiếu bài, không học cẩn thận cũng không bị phạt.

Học trong một môi trường như vậy có thể khiến bạn thoải mái ban đầu nhưng lâu dần sẽ mất đi động lực cố gắng của bản thân để vươn lên trong học tập.