Lập thân không chỉ từ đại học

Người Lao Động, Theo 00:00 18/08/2014

Phần lớn thí sinh khi biết thi rớt đại học đều rơi vào tâm lý đau khổ, chán nản. Một trong những nguyên nhân là do gia đình đặt kỳ vọng quá cao cùng sức ép phải vào đại học bằng mọi giá.<br/>

Sau khi Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố điểm sàn tuyển sinh ĐH-CĐ 2014 và các trường lần lượt công bố điểm chuẩn chính thức, 650.000 thí sinh không đạt điểm sàn và hàng ngàn em không trúng tuyển nguyện vọng 1 đang phải đối diện với sự thật: rớt ĐH.

Vượt qua cú sốc

Chuyện trượt đại học không có gì xa lạ nhưng khi rơi vào tình cảnh đó, không ít thí sinh vẫn không giải thoát được nỗi buồn để rồi tìm đến hành động tiêu cực.

Thí sinh có nhiều lựa chọn để lập nghiệp thành công mà không nhất thiết bằng con đường vào đại học

Thực tế, rất nhiều bạn trẻ khi biết mình rớt đai học đều có chung cảm giác: tự trách bản thân vì làm bố mẹ thất vọng, xấu hổ với bạn bè, sợ bị mọi người khinh thường, hoang mang, hoảng loạn… Thậm chí, vì trượt đại học mà nhiều em bi quan, chán nản, dẫn đến những hành động nông nổi. Rất nhiều trường hợp đau lòng khi thí sinh trượt đại học đã tìm đến cái chết.

Chia sẻ về vấn đề này, TS Ngô Xuân Điệp, Trưởng Khoa Tâm lý học Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn - ĐHQG TP HCM, cho biết: “Thí sinh rớt ĐH thường rơi vào tâm trạng chán nản, tuyệt vọng, buồn bã... Những thí sinh hành động dại dột như tự tử thì gốc rễ là do sức chịu đựng của các em còn hạn chế và cần xem lại cách giáo dục, sự quan tâm của gia đình. Cũng có nhiều thí sinh rớt đại học nhưng biết cách vượt qua được cú sốc tinh thần”.

Theo TS Điệp, thời gian qua, ông đã nhận tư vấn tâm lý cho không ít trường hợp thí sinh thi trượt ĐH. “Một trong những nguyên nhân khiến các em bị sốc là do gia đình đặt kỳ vọng quá cao, các em chịu sức ép phải vào đại học bằng mọi giá” - TS Điệp nhận định.

Thành công không chỉ bằng lý thuyết

Thực tế, ĐH không phải là con đường duy nhất để tạo lập tương lai hay làm giàu. Rất nhiều người đã thành đạt mà không bước ra từ cổng trường ĐH. Chính sự lựa chọn táo bạo, đôi khi mạo hiểm, đã làm nên thành công của họ.

Ông Lê Phước Vũ, Chủ tịch Tập đoàn Hoa Sen, là người thành công trong sự nghiệp nhưng ít ai biết rằng ông chưa từng học ĐH. Bà Nguyễn Thị Như Loan, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty Quốc Cường Gia Lai, sau khi tốt nghiệp lớp 12 không học ĐH nhưng vẫn được mệnh danh là nữ tướng trên thương trường.

Nhiều bạn trẻ sau nỗi buồn rớt ĐH đã lựa chọn hướng đi mới. Anh Nguyễn Tấn Phước - học viên trung cấp nghề điện tử, đoạt giải nhất cuộc thi Điện tử ứng dụng TP HCM năm 2005 - tâm sự: “Do yêu thích điện tử, máy móc từ hồi học THPT nên dù thi rớt ĐH, mình vẫn không nản chí mà chọn học ngành điện tử tại một trường nghề để theo đuổi”. Hiện tại, Phước làm chủ cửa hàng sửa chữa máy móc tại nhà.

Anh Thi Quốc Vinh, người từng đoạt huy chương bạc cuộc thi Cơ điện tử tại ASEAN Skills năm 2012, cũng thi rớt ĐH. Thế nhưng, anh đã chọn một hướng đi mới là học nghề và khẳng định sự lựa chọn của mình là đúng.

Theo ông Nguyễn Đắc Hiển, Trưởng Phòng Đào tạo Trường Trung cấp nghề Kỹ thuật Công nghệ Hùng Vương (TP HCM), trong thời gian học ĐH, ông vẫn đi học nghề để ra trường có thêm kinh nghiệm và áp dụng vào thực tiễn. “Nếu thí sinh không có khả năng học ĐH thì vẫn nên tiếp tục theo đuổi đam mê, sở thích của bản thân bằng những con đường khác” - ông khuyên.

Chị Nguyễn Thị Hải - Trưởng Phòng Đào tạo Trung tâm Dạy nghề quận 1, TP HCM - nhìn nhận: “Tôi không đánh giá cao bằng cấp. Học trong trường chỉ là lý thuyết; khi đi làm, tôi cần nhiều kỹ năng khác nữa, đặc biệt là các kỹ năng mềm”. Chị đưa ra lời khuyên với những thí sinh thi rớt ĐH: “Các em có thể chọn một trường phù hợp với lực học của mình, không nhất thiết là ĐH. Nếu đã quyết định học thì nên học cho tới nơi tới chốn”.

Theo chị Hải, thành công trong công việc dựa trên nhiều yếu tố chứ không chỉ là lý thuyết học trong trường ĐH.

Tìm lối đi riêng

TS Ngô Xuân Điệp cho rằng với những thí sinh trượt ĐH, cần xem lại định hướng nghề nghiệp, tìm các hướng đi khác, không nhất thiết phải bằng mọi cách vào ĐH. ĐH là một con đường để đi nhưng không phải là con đường duy nhất và sự thành công nghề nghiệp không nhất thiết là từ trường ĐH. “Các em nên có chí hướng, quyết tâm tìm một hướng đi khác. Khả năng, tư duy, đam mê của bản thân sẽ quyết định thành bại trong tương lai” -TS Điệp khuyên.