Khi teen là những chuyên gia “copy - paste”

Lethuy248, Theo 00:04 08/12/2011

Ngày nay, máy tính hay laptop đã giúp cho teen vô khối công việc và tiết kiệm được rất nhiều thời gian để tìm kiếm tài liệu. Thế nhưng đã có những “biến tướng” khi teen quá lạm dụng công nghệ "bàn phím" này để “copy và paste”.

Khi copy – paste là điều không thể thiếu

Ở THPT, teen thường ít khi phải làm việc nhóm hay làm các bài tiểu luận mà chủ yếu chỉ tập trung vào các môn thi đại học mà thôi. Nhưng đến khi bước vào môi trường sinh viên thì hoàn toàn ngược lại. Gần như tất cả các môn học teen đều “phải” làm bài tập nhóm thay cho một điểm bài kiểm tra. Và đây là điều kiện để teen “phát huy khả năng” copy - paste của mình.

Chỉ cần lên Google và gõ tên những tài liệu mình cần là có hàng trăm kết quả và cũng chỉ cần một thao tác cực kì giản đơn” như Ctrl-C rồi Paste vào Word thế là “Ok”. Nếu teen nào là người cẩn thận hay có trách nhiệm thì sẽ tiếp tục đọc, nghiên cứu, tìm thêm tài liệu và chỉnh sửa cho phù hợp với nội dung yêu cầu của thầy cô.

Tú (19t) cho hay: “Nói thực là từ khi vào đại học, mình rất ngại phải chép tay, mỗi khi có bài tập hay phải làm tiểu luận hầu hết sinh viên đều lên mạng và copy - paste. Nếu thầy cô mà yêu cầu bản cứng thì teen sẽ ra ngoài quán photo nhờ in. Còn nếu thầy cô yêu cầu bản mềm thì dĩ nhiên là cứ thế mà gửi thôi. Chẳng phải mất công chép nữa.”

Bên cạnh những teen chịu khó đọc và tìm hiểu kĩ về tài liệu thì cũng không ít SV chẳng biết mình copy cái gì và có nội dung như thế nào? Các bạn cứ thế online và copy mà không hề biết câu trả lời có đúng hay không? Thậm chí có những bạn còn copy ở trang web này một tí, ở trang web kia một tẹo, rồi nối chúng lại với nhau, mà không hề biết rằng những đoạn đó rất “khập khiễng” về nội dung, không hề logic chút nào. Thế nhưng teen vẫn “vô tư” và “ung dung” nộp bài cho thầy cô.


Các bạn đừng nên lợi dụng những sản phẩm công nghệ vào việc học của mình quá nhiều đó nha. (Ảnh minh họa)

Hòa (20t) thì: “Bây giờ ai còn dùng bút để ghi ghi chép chép nữa. Nó lỗi thời rồi. Cần gì chỉ cần internet và copy về là có tất. Vừa đỡ tốn thời gian lại vừa đỡ mệt.”

Theo lời của Nhung (20t) nói: “Có lần thầy cho cả lớp về nhà làm một bài tập về so sánh các loại mạng Ring, Star, Bus của môn Mạng và truyền thông. Hôm sau gần như hơn 80 bạn trong lớp đều nộp một bản với nội dung giống nhau bởi vì tất cả đều copy từ trên mạng ra mà không hề tìm hiểu cụ thể, đưa ra ví dụ như thầy đã yêu cầu. Kết quả là cả lớp phải làm lại tới 3 lần.”

Tác hại của copy - paste là gì?

Dường như việc copy tài liệu đã trở thành một cách để teen đối phó với thầy cô giáo và dần dần nó đang trở thành thói quen trong giảng đường đại học. Nhiều thầy cô giáo đã rất thất vọng khi đọc bài làm của sinh viên nộp, bởi trăm bài như một, đều từ một nguồn mà ra. Nếu cho điểm thấp hay bắt teen làm lại thì chắc chắn sẽ bị cho là thầy cô khó tính, nếu cứ để thế cho điểm thì chẳng biết phải cho bao nhiêu nữa. Bởi cho cao thì không đúng với thực lực và chất lượng bài nộp, còn cho điểm thấp thì không “đành lòng”.

Hơn nữa, việc bạn chỉ copy - paste thôi mà không tìm hiểu, không đọc kĩ lưỡng để biết nội dung và ý nghĩa của vấn đề là gì? Thì bạn chẳng “thu hoạch” được gì cả. Đầu óc bạn trống rỗng về vấn đề đó. Và chính điều này đã tạo ra cho teen một thói xấu là mất đi thói quen đọc tài liệu, thói quen ghi chép những thứ cần thiết. 

Vì thế, teen chúng mình hãy áp dụng “một lần ghi là một lần thêm nhớ” để có được kết quả tốt hơn nhé!