Học sinh viết thư cho Chủ tịch nước: Rào cản từ hộ khẩu

Dân Việt, Theo 10:52 21/02/2014

Ngày 19/2, một học sinh viết thư cho Chủ tịch nước vì bị đình chỉ học do thiếu hộ khẩu. Sự việc khiến dư luận bức xúc và đặt câu hỏi về vấn đề tạo cơ hội học tập bình đẳng.

Muốn tới trường phải qua “rào” hộ khẩu

Ngày 20/2, Sở GDĐT Hà Nội đã có kết luận về việc đình chỉ học tập đối với em Đỗ Hồng Sơn – học sinh viết thư cho Chủ tịch nước. Theo kết luận này, Sơn sẽ phải chuyển sang học ở một trường dân lập gần nhà đúng theo quy định về tuyển sinh của Sở GDĐT.

Bố em Sơn, ông Đỗ Văn Tuyên cho biết: “Trước kia gia đình tôi sinh sống ở Hải Phòng. Sau khi lên Hà Nội làm ăn, gia đình đã cắt khẩu ở Hải Phòng, nhờ bác ruột nhận 2 con tôi làm con nuôi để nhập khẩu Hà Nội, giúp 2 con có thể học trường công lập. Thủ tục đang chờ được giải quyết nhưng chưa xong thì con tôi bị đình chỉ học”.

Học sinh viết thư cho Chủ tịch nước: Rào cản từ hộ khẩu 1
Bà Nguyễn Hà Hải, mẹ em Sơn phân bua về quá trình nhập hộ khẩu cho con không đúng hạn

Theo Sở GDĐT Hà Nội, quyết định của Ban Giám hiệu Trường THPT Trần Hưng Đạo là… đúng quy định (hộ khẩu ở đâu, học trường công ở đó). Tuy nhiên, quy định này dựa trên chế độ hộ khẩu, tem phiếu từ những năm 80 của thế kỷ trước, thời điểm mà người dân di cư còn ít, dân số Hà Nội cũng không cao. Trong khi hiện nay, Hà Nội và các thành phố lớn là nơi tiếp nhận nguồn lao động di cư rất lớn từ các vùng nông thôn. Bởi vậy, những trường hợp như em Đỗ Hồng Sơn không phải là cá biệt tại Hà Nội.

Nhiều năm nay, kể từ khi có quy định về hộ khẩu cho người đi học, nhiều gia đình nhập cư tại các thành phố lớn đã phải “âm thầm” tìm mọi cách để nhập khẩu cho con, để con mình được đi học tại các trường công phù hợp với điều kiện kinh tế gia đình.

Gia đình chị N.N.A đã sinh sống ở Từ Liêm (Hà Nội) hơn 10 năm nhưng vẫn phải thuê nhà vì chưa tiết kiệm đủ tiền mua nhà. Năm 2013, để có thể cho con đi học trường mầm non công lập trong khu vực, chị N.N.A đã phải nhờ chị họ nhận là người bảo hộ để con có khẩu Hà Nội. Để tránh sự kiểm tra đột xuất của lực lượng an ninh phường về nhân khẩu, hai mẹ con chị N.N.A đã phải chuyển sang nhà chị họ ở nhờ 2 tháng.

Tương tự, vợ chồng anh T.V.M (Hoàng Mai, Hà Nội) vừa cưới được vài tháng cũng đang “tất bật” tìm cách nhập khẩu Hà Nội để sau này có điều kiện cho con đi học trường công. Theo anh M: “Có người nói chỉ cần 30 triệu đồng là lo hết thủ tục nhập khẩu cho cả hai vợ chồng”. Khi phóng viên hỏi nếu nhập được khẩu thì sẽ ghi địa chỉ nhà anh chị ở đâu, anh M cho biết: “Họ nói họ lo được địa chỉ nhập khẩu từ A – Z”.

Nói lý do buộc phải tìm cách nhập khẩu cho con, chị N.P.H (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết: “Nhiều người nói với tôi là trong các trường học tại Hà Nội có sự phân cấp giàu nghèo khủng khiếp. Học trường công còn đỡ, ở trường tư thục toàn con nhà có điều kiện, con mình không theo kịp sợ sẽ hư hỏng. Vì vậy tôi phải tìm mọi cách nhập khẩu cho con”.

“Hộ khẩu lạc hậu rồi”

Nhiều chuyên gia cho rằng, quy định phải có hộ khẩu vô tình đẩy nhiều học sinh, trong đó có không ít các em có năng lực phải học trường dân lập với chi phí cao, và chắc chắn trong số này có rất nhiều em phải ngậm ngùi bỏ học.

"Không thể chỉ vì cái hộ khẩu và những sai lầm của người lớn trong các thủ tục hành chính rườm rà mà bắt học sinh phải chịu những chấn động tâm lý không đáng có” - ThS Lê Thị Lan Anh - Phó Viện trưởng Viện Phát triển giáo dục và trí tuệ Việt.

Tuy nhiên, trong khi Hà Nội “khư khư” giữ các quy định về hộ khẩu thì tại một số thành phố lớn, quy định về hộ khẩu đã được “nới”. Chẳng hạn như ở TP.HCM, kể từ năm học 2014 - 2015, học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở (không phân biệt có hay chưa có hộ khẩu), nằm trong độ tuổi quy định đều được tham dự thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT công lập.

Ngoài ra, để tạo điều kiện cho các em học sinh các tỉnh thành khác theo diện “bố mẹ chuyển công tác về TP.HCM” được học trường công, ngành giáo dục TP.HCM cũng ưu tiên cho những học sinh đã học xong lớp 9, tham gia dự thi vào lớp 10 và đã trúng tuyển vào lớp 10 công lập ở tỉnh thành đó được bố trí vào học ở một trường công lập tại TP.HCM nếu đáp ứng các điều kiện cần thiết như quy định của Sở.

GS Nguyễn Minh Thuyết – nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục thanh thiếu niên, nhi đồng của Quốc hội thì phân tích: “Hộ khẩu là một thứ lạc hậu lắm rồi, ngay từ Quốc hội khóa XI tôi đã có kiến nghị đề nghị Bộ Công an thay đổi cách quản lý bằng thẻ. Công dân ghi đầy đủ thông số trên thẻ đi đến đâu thì trình báo đến đấy. Nhưng họ chưa làm được vì trình độ kỹ thuật chưa đủ”.

Ông Thuyết cho rằng: “Yêu cầu về hộ khẩu là không sai nhưng tùy từng lý do cụ thể để có phương án xử lý hợp lý, đặt quyền lợi của trẻ em lên hàng đầu. Ở trường hợp em Sơn, không phải là hàng trăm, hàng nghìn em thiếu hộ khẩu xin vào học trường đó, cũng không phải trường đó thiếu thốn đến mức không đủ một chỗ cho em Sơn học. Vì vậy, quyết định dừng học đối với em là cứng nhắc, thiếu cái tình. Và về lâu dài, ngành giáo dục và lãnh đạo các thành phố lớn phải tìm cách gỡ bỏ quy định này, tạo điều kiện học tập bình đẳng cho trẻ”.

Em Đỗ Hồng Sơn, học sinh lớp 11A5, Trường THPT Trần Hưng Đạo bị đình chỉ học từ ngày 13/1. Tới 19/2, Sơn viết tâm thư gửi Chủ tịch nước xin được đi học lại. Bà Phạm Thị Tâm - Hiệu trưởng nhà trường xác nhận thông tin này và cho biết: “Việc đình chỉ học sinh do không có hộ khẩu thường trú tại Hà Nội là đúng theo quy định của Sở GDĐT”. Trước đó, em Sơn đã làm thủ tục nhập học vào lớp 10 Trường THPT Trần Hưng Đạo năm 2012 - 2013 với cam kết (lần thứ 1) sẽ nộp hộ khẩu chính (thường trú tại Hà Nội) do gia đình đang làm thủ tục nhập khẩu. Tuy nhiên, sau đó gia đình Sơn vẫn chưa nhập được hộ khẩu, phải cam kết tới lần thứ 3 mà vẫn chưa nộp được, trường buộc phải xóa tên khỏi danh sách trúng tuyển.