"Học Đại học... thật là chán"

Mực Tím, Theo 10:23 16/11/2010

Đó là lời than thở của phần lớn các sinh viên năm 1, năm 2… Tại sao lại có hiện tượng này? <img src='/Images/EmoticonOng/12.png'>

Năm 1 - chán vì bỡ ngỡ?

Chicken.h5n1 (thành viên trên một diễn đàn công nghệ thông tin) tâm sự:“Học đại học chán quá mọi người ơi, không còn hứng thú như thời cấp ba thì phải. Thầy giảng kệ thầy, trò ở cuối lớp đánh bài, nhắn tin, trốn tiết đi xuống uống café, cuối tiết lên điểm danh cho có mặt rồi về. Sắp thi giữa kỳ rồi mà không biết có qua nổi con trăng này không? Có ai có lời khuyên gì không?”.

Đa phần mọi người vào chân thành chia sẻ với Chicken.h5n1. Một trong số những lời động viên có nội dung như sau: “Năm 1 học đại cương, chưa quen với môi trường, nên chán là phải. Đến khi học chuyên ngành, bạn sẽ tìm lại hứng thú ngay thôi”, nhưng cũng có vài ý kiến cho rằng:“Thế mình cũng đang học chuyên ngành đây, mà không thấy hứng thú, không có động lực học, là thế nào?”, “Mình năm 2 rồi, đã quen với môi trường học nhưng vẫn cúp như thường!”
 

Đó là tình hình chung của phần lớn các sinh viên năm đầu. Môi trường đại học khác biệt và có quá nhiều thay đổi trong cách dạy và học đã khiến họ nản dần. Và khi một số môn học khô khan được thầy cô truyền đạt nhàm chán, dễ gây buồn ngủ, hoặc khó hiểu, các sinh viên quyết định…cúp học (nếu không có điểm danh) hoặc lên điểm danh lấy lệ rồi tìm cách chuồn về, hoàn toàn không có ý niệm kiến thức trong đầu.

Ngay cả khi họ đã thích nghi với môi trường và quen dần phương pháp tự học, tự tư duy, làm đồ án, tiểu luận…, thì việc cúp học vẫn diễn ra triền miên, cá biệt có những sinh viên…1 tuần đến lớp 1 lần. Tại sao lại như vậy?

Lắng nghe sinh viên giãi bày

“Khi cảm thấy môn học đó không cần thiết, mình sẽ không học. Các thầy cô thường không đi vào trọng tâm của giáo trình (vì muốn để sinh viên tự nghiên cứu), nên thường nói những điều cao siêu mà đôi khi tụi mình không hiểu nổi. Thay vì ngồi trên lớp và không nhét nổi chữ vào đầu, mình có thể ở nhà tự học những môn khác, cũng như những kĩ năng cần thiết. Đó là quan điểm của không ít sinh viên hiện nay, và mình nghĩ việc cúp học không có gì đáng lên án cả. Nếu họ nghỉ học để đầu tư cho những dự định tích cực khác, đó là điều đáng hoan nghênh chứ!” -P.Kiều (sinh viên năm 1 ĐH Hùng Vương) chia sẻ

“Thời gian đầu, môn pháp luật đại cương lúc nào cũng đông người, cả lớp chen chúc trong một phòng học gần 200 chỗ. Bây giờ bọn mình vô trễ cũng chẳng sao, vì chỉ còn chưa đầy 40 người mỗi buổi. Và 40 người này thường không tập trung lắm, người thì ngủ, người thì nhắn tin, nghe nhạc, số khác trò chuyện… Thầy cứ nói, trò cứ lơ…” - B.Vân (sinh viên năm 1 ĐH KHXH & NV) cho biết.

“Khi bạn đam mê tìm hiểu thứ gì đó, mà cách thầy cô truyền đạt khiến bạn chẳng thể hiểu nổi, thì liệu bạn còn đủ say mê, hứng thú khám phá như lúc đầu? Đó là chưa kể, dạy một đằng mà ra đề một nẻo. Mình đã ôn rất kĩ, và tự tin rằng sẽ được điểm cao, thế mà đề ra khiến mình bất ngờ. Các bạn không học bài thì toàn 8, 9, mình áp dụng theo những gì mình biết thì chỉ được 6. Điều này xảy ra nhiều lần khiến mình nản dần, không còn học nhiệt tình nữa” - K.Ân (sinh viên năm 1 ĐH Bách Khoa) giãi bày.

“Nếu bảo rằng lên đại học phải “tự giác” thì có vẻ rất khó. Không phải ai cũng tự giác được, còn bị nhiều điều kiện tác động lắm bạn à… Chẳng hạn như ngày mai thi nhưng đang có phim trên tivi và không ai quản lý, kiểm soát, la rầy bạn, tại sao bạn lại phải học?” - B.Linh (sinh viên năm 2 ĐH Kinh Tế) đưa ví dụ cụ thể.

Không nên đổ lỗi cho hoàn cảnh
 

Bên cạnh những yếu tố khách quan khiến sinh viên chán học: chưa thích nghi với môi trường mới, thầy cô giảng khó hiểu, môn học không hứng thú…, thì vẫn còn một số bạn - dù khả năng đủ để phấn đấu hết mình và đạt kết quả cao - họ vẫn đợi “nước đến chân mới nhảy”: chơi thả phanh, gần đến ngày thi mới cắm cúi học. Và họ giải thích rằng: “Sinh viên không thi lại không phải là sinh viên”, “Ai cũng như ai, sợ gì”, “Cúp vài buổi thì đã sao, đi học cũng chẳng hiểu”, “Cứ từ từ, đọc sách là ổn mà”, “Thi rớt thì thi lại, thi lại rớt thì học lại…, đời còn dài, lo gì!”… Cứ thế, họ “lý sự” hết lần này đến lần khác, mà không biết cách khắc phục nỗi chán chường, mải chìm đắm vào những suy nghĩ tiêu cực và việc học chẳng được cải thiện.

Đâu là giải pháp?

Muốn giải quyết triệt để vấn đề, bạn cần tìm rõ nguyên nhân gây chán xuất phát từ đâu.

Nếu do hoàn cảnh khách quan (điều kiện học tập, môi trường…), hãy cố gắng khắc phục bằng cách

- Hạn chế cúp học: Nếu nghỉ được một buổi, bạn sẽ nghỉ được các buổi kế tiếp… Tốt hơn hết, hãy tập cho mình thói quen “chán nhưng vẫn lên lớp”, vừa thử thách được sự kiên trì, vừa rèn luyện khả năng “tiếp thu” của bạn. Ban đầu có vẻ rất khó khăn, nhưng khi sự “chuyên cần” được nâng lên một bậc, bạn sẽ thấy việc đến trường cũng không quá phí phạm đâu.

- Tham khảo ý kiến của các anh chị sinh viên đi trước để tìm ra giải pháp cụ thể cho từng môn học.

- Ráng tìm kiếm một sự hứng thú nào đó khi học, chẳng hạn như mường tượng xem môn Pháp luật, Môi trường, Triết học… sẽ giúp ích cho bạn thế nào khi ra trường. Môn học nào cũng có mục đích cả bạn ạ!

Nếu việc cúp học là chủ quan (do bản thân, do bạn bị ảnh hưởng từ người khác), hãy:

- Mường tượng đến cảnh 4 năm sau, khi bạn bè đều đã ra trường, còn bạn vẫn phải ở lại để trả nợ khá nhiều môn. Không ai mong muốn điều đó cả.

- Tìm động lực để học, nhờ bạn bè hoặc “ai đó” đốc thúc việc học liên tục.

- Hạn chế chơi với những người suốt ngày chỉ cúp học. “Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng” bạn à.

- Bên cạnh việc học, tìm thêm những mục tiêu mới trong cuộc sống để có cảm hứng hơn: làm thêm, tiết kiệm tiền mua những món mình thích, giao lưu kết bạn, học thêm một môn nào đó…

- Khi bạn nghĩ rằng nó chán, nó sẽ chán thật sự. Nếu bạn có quyết tâm, bạn sẽ thành công. Không ai có thể khuyên bạn, trừ chính bản thân bạn.