Học cách trở thành người bạn cùng phòng dễ thương

Thu Mint, Theo 00:01 25/07/2011

Đi học xa nhà là kinh nghiệm đầu đời của teen trong việc chia sẻ không gian sống. Ở chung chắc chắn sẽ có những rắc rối nhỏ nảy sinh vì thế hãy học cách trở thành những người bạn cùng phòng đáng yêu teen nhé.

Mọi chuyện phải rõ ràng ngay từ đầu

“Mình thì ghét người ngủ ngáy, nhỏ bạn ở kế giường mình thì ghét sự bừa bãi và dơ dáy, nhỏ khác thì thích vừa đánh răng vừa đi lòng vòng trong phòng… mọi người đều có tính cách khác nhau, thế nên ngay từ đầu phải rõ ràng với nhau sẽ dễ sống lâu dài hơn”- Ngọc (16 tuổi, học sinh trường Dân Lập Ngôi Sao) chia sẻ.

Vì thế ngay từ lúc mới dọn về sống cùng phòng các bạn nên có một buổi nói chuyện nhỏ để nói những điều bạn ghét và không thích người khác làm với mình. Đồng thời cũng đề nghị các bạn khác chia sẻ những điều của họ với bạn. Không ai hiểu được thói quen và sở thích của bạn ngay từ lúc đầu gặp mặt, nên việc thẳng thắn, rõ ràng là hết sức cần thiết để giúp mọi người hiểu nhau và loại bỏ những rắc rối nhỏ trước khi chúng thành những rắc rối lớn thật sự.


Hãy cố gắng để trở thành những người bạn cùng phòng "dễ thương" nhất nhé! (Ảnh minh họa)

Tôn trọng đồ đạc của nhau

My (19 tuổi, sinh viên đại học Quốc Gia TP.Hồ Chí Minh) vừa mới dọn vào kí túc được một thời gian thì cực kì chán nản và khó chịu bởi cái tính “mượn tạm”, “xài tí chút trả”… của Trang, một cô bạn cùng phòng. Hết dầu gội đầu Trang vô tư lấy dầu gội của My, lấy chiếc ô, cây lược, mượn đôi dép, Trang cũng sử dụng thoải mái như đồ của mình mà không nói với My lời nào.

Không tôn trọng đồ đạc của người khác là lí do lớn nhất khiến hầu hết các cô bạn, anh bạn cùng phòng bất hoà với nhau. Hãy nhớ rằng đừng tự ý dùng đồ của người khác mà chưa được sự cho phép nhé. Dù bạn có mượn tí bột giặt, mượn tạm đôi dép chạy đi mua gói mì… thì cũng nên hỏi qua bạn cùng phòng.

Và nếu thấy các bạn khác luôn quên mua “dầu gội” và thoải mái dùng của bạn thì hãy góp ý thẳng thắn ngay từ đầu để tránh xích mích không đáng nhé.

Hãy nhớ đây không phải phòng riêng của bạn

Mọi người chung phòng đều rất khó chịu mỗi khi Thu (18 tuổi) có bạn đến chơi, cả nhóm bạn của Thu nói chuyện rôm rả mà quên mất đây không phải là phòng riêng của Thu. Cũng có khi cả nhóm bạn của Thu còn  mở cả party trong phòng, khiến mọi người phải kéo nhau đi nơi khác yên tĩnh hơn để ôn bài.

Thế nên phải luôn luôn ghi nhớ đây không phải là phòng riêng của bạn, nên nếu có bạn bè thường xuyên ghé thăm, những buổi party làm ảnh hưởng đến những người bạn cùng phòng thì bạn nên kịp thời thay đổi địa điểm để tránh mất lòng nhau nhé.

Đặc biệt điều này còn trở nên thiếu tế nhị hơn nếu bạn dẫn “bạn trai” về phòng và có những hành động làm mọi người cùng phòng bạn khó chịu. Tôn trọng đồ đạc và đặc biệt là sự riêng tư của mọi người là quan trọng nhất đấy.

Luôn nhớ khoá cửa chính và cửa sổ

Nghe qua thì chẳng có gì liên quan đến mối quan hệ với bạn cùng phòng tuy nhiên việc khoá cửa cẩn thận lại hết sức quan trọng.


Nếu cái gì cũng rõ ràng ngay từ đầu thì cuộc sống lâu dài ở kí túc xá của bạn cũng trở nên "dễ thở" hơn. (Ảnh minh họa)

Phương (17 tuổi) không thể ở chung phòng với Hân (17 tuổi) chỉ vì những câu nói bóng gió của Hân khi chiếc điện thoại của cô nàng không cánh mà bay. Nguyên nhân lại chính là sự bất cẩn từ Phương khi Phương ra ngoài nhưng lại quên khoá cửa, lợi dụng lúc phòng không có người, Hân lại đang tắm, bọn trộm đã lẻn vào và ẵm gọn chiếc di động mới tinh của Hân. Mặc dù biết rằng không phải hoàn toàn lỗi của Phương nhưng Hân thì cứ luôn nói phải chi Phương cẩn thận hơn thì điện thoại của Hân đã không đi tông một cách lãng xẹt như vậy.

Để tránh phải áy náy khi bạn chạy ra ngoài vài phút và chiếc máy tính của cô bạn cùng phòng không cánh mà bay hay bạn đóng cửa chính nhưng lại quên cửa sổ khiến cho chiếc di động bị bọn trộm lấy đi mất thì hãy luôn nhớ khoá cửa cẩn thận khi bạn có việc phải ra ngoài nhé.

Chấp nhận những điều mới lạ

Những người bạn cùng phòng có thể đến từ những vùng miền khác nhau, có style quái lạ hay theo một tôn giáo mà bạn chưa biết gì. Thay vì vội chỉ trích, xem cái nào tốt hơn và muốn mọi người phải giống bạn thì hãy thử lắng nghe và tôn trọng những điều thú vị mà những người bạn cùng phòng đem đến.

Thanh (18 tuổi) lúc đầu thường xuyên tranh luận với Tuyết (17 tuổi) mỗi khi nấu ăn cùng nhau, vì ở nhà Thanh chỉ sử dụng hạt nêm không bao giờ sử dụng bột ngọt còn Tuyết thì lại chỉ thích bỏ chút bột ngọt vào thức ăn. 

Ngân (17 tuổi) phải mất một thời gian dài để hiểu Hoa nói gì, chỉ vì Ngân là con gái miền tây chính thống còn Hoa thì lại đến từ Huế. Lúc đầu Ngân cũng thấy hơi khó chịu, nhưng dần dần lại mến cái giọng xứ Huế dịu dàng ấy.

Những người bạn cùng phòng sẽ cùng bạn chia sẻ nơi sống, ăn cùng với bạn, có thể sẽ là người nấu cháo cho bạn, mua giúp bạn viên thuốc khi không có gia đình ở bên cạnh vì thế hãy sống một cách thẳng thắn, nghĩ giúp nhau, chia sẻ những suy nghĩ sẽ giúp chúng ta hiểu nhau hơn và trở thành những người bạn cùng phòng dễ thương và tin cậy teen nhé!