"Hàng hà sa số" nỗi lo của thực tập sinh

Anh Nguyên, Theo Trí Thức Trẻ 00:00 22/03/2015

Kết thúc những tháng ngày học lý thuyết trên sách vở, bắt đầu đi học việc và trực tiếp trải nghiệm thực tiễn công việc của mình thì ngoài kiến thức chuyên môn, sinh viên không khỏi đau đầu với nhiều vấn đề phát sinh.

Kiến thức chuyên môn

Đây là nỗi lo của không ít bạn sinh viên mới chân ướt chân ráo từ một sinh viên trở thành một nhân viên, giáo viên… Tuy chỉ mới là thực tập sinh nhưng để bắt nhịp được với công việc tại nơi đang thực tập, bạn cũng cần phải trang bị cho mình đầy đủ những kiến thức được học trên giảng đường. Đôi khi kiến thức học tập trong sách vở khác với những gì bạn được tiếp cận thực tế, thậm chí khác xa “một trời một vực”, nhưng bạn cũng đừng chủ quan với kiến thức trên sách vở vì nó sẽ giúp bạn có được kiến thức nền để hiểu rõ vấn đề hơn khi tiếp cận thực tiễn.



Tiền

Ngoài việc tốn một khoản không nhỏ cho việc mua sắm đồ đạc cần thiết cho kỳ thực tập thì khi đến cơ sở thực tập, bạn còn phải giao lưu với nhiều người để tạo mối quan hệ thân thiết. Điều này không tránh khỏi những buổi tiệc tùng do chính bạn chủ động mời hoặc cơ quan tổ chức. Với những sinh viên ngành báo chí thì các bạn than phiền phải tốn chi phí cho việc xăng xe đi lại nhiều nơi tìm kiếm đề tài. Nếu bài viết không được sử dụng thì chỉ biết chấp nhận bỏ công cốc. “Bên ngành mình thực tập thì không cần phải đến cơ sở thực tập nhưng bù lại phải tự đi tìm đề tài để viết bài. Nhiều khi bỏ cả ngày trời đi nơi này đến nơi khác mà bài không được duyệt thì cũng là chuyện xảy ra như cơm bữa” bạn T.Anh (sinh viên trường ĐH Sư phạm Đà Nẵng) chia sẻ.

Quà

Tặng quà cho người hướng dẫn thực tập để thể hiện sự biết ơn với người đã giúp đỡ mình hoàn thành tốt kỳ thực tập. Làm thế nào để lựa chọn được món quà phù hợp với túi tiền mà người hướng dẫn thực tập cũng hài lòng và thích thú món quà đó không phải là điều dễ dàng đối với nhiều bạn sinh viên. Như bạn M. Ánh (sinh viên trường sư phạm Đà Nẵng): “Tết Nguyên Đán vừa rồi mình không biết nên mua gì làm quà tặng anh hướng dẫn cho phù hợp với túi tiền của mình mà lại có ý nghĩa một chút. Khi kết thúc thực tập mình cũng không biết nên mua gì tặng làm kỉ niệm nữa. Riêng vấn đề này thôi mà mình nghĩ mãi mấy ngày nay. Khi chọn được quà rồi thì hẹn gặp ở đâu và mở lời làm sao để tặng quà… đến nhà cũng không được mà đến quán cà phê cũng không xong”.



Bị bỏ rơi

Làm thế nào cho người hướng dẫn thực tập dành thời gian và quan tâm hướng dẫn cho mình là vấn đề khiến không ít bạn sinh viên phải suy nghĩ. Nhiều sinh viên than phiền rằng khi vào cơ quan thực tập cảm giác mình như “người tàn hình”, không được ai quan tâm và hướng dẫn công việc cụ thể.

Không có việc làm

Nhiều bạn cho rằng kỳ thực tập rất nhàm chán vì chẳng có việc gì để làm. Hằng ngày chỉ đến cơ quan ngồi, hết ngày lại đi về và chẳng được ai quan tâm để ý đến mình. Các bạn thì than phiền học mấy năm trong trường đến cơ quan chỉ để pha trà, rót nước… “Vì là sinh viên thực tập nên không ai dám giao công việc của cơ quan cho mình làm, hằng ngày chỉ lên cơ quan ngồi mãi đến giờ về thì về. Mình dự định đến cơ quan hết tuần này, qua tết thì “chuồn” vì mình nghĩ chẳng có ai bận tâm đến việc mình có đến cơ quan hay không” bạn T. Thuỷ (sinh viên ĐH Đà Nẵng) chia sẻ.