Đừng hối hận với ngã rẽ mình đã chọn

Phan Hằng, Theo Trí Thức Trẻ 00:00 11/03/2014

Bạn quyết định ngừng học để thi lại Đại học, bảo lưu để làm những thứ mình thích hay bỏ học để đi làm không phải ai cũng can đảm làm được. Nhưng nó lại rất dễ để bạn hối hận với sự lựa chọn của chính mình.

Đối mặt với áp lực nhiều phía

Để đến với quyết định tạm ngưng hay đột ngột chuyển hướng, chắc chắn bạn đã có một quãng thời gian dài suy nghĩ rất nhiều, phải vượt qua những áp lực từ phía gia đình, bạn bè chứ không thể nào bồng bột muốn ngưng là ngưng được đúng không nào.

Bạn H.Mai (SV năm 2 ĐH Kinh Tế) kể rằng: “Mình quyết định bảo lưu 1 năm để đi làm, mình muốn có thời gian để trải nghiệm thực tế từ chính bài giảng đang học. Quả thật, việc học trên trường khiến mình luôn phân vân tự hỏi liệu nó có thể áp dụng được vào thực tế bao nhiêu phần trăm. Tại sao mình có thể vùi đầu vào một đống lý thuyết suốt 4 năm học như thế. Sau nhiều ngày suy nghĩ mình đã quyết định bảo lưu kết quả, điều này đồng nghĩa mình sẽ trễ một năm học.”

Từ suy nghĩ đến với hành động quả thật chênh lệch nhau rất nhiều. Nhiều bạn dù ban đầu đã xác định là đừng để mình phải hối hận với quyết định này nhưng cũng rất sốc trong thời gian đầu. Nhưng sau một thời gian nữa, những bạn ấy đã bắt nhịp và bắt đầu cuộc hành trình của chính mình.

Đừng hối hận với ngã rẽ mình đã chọn 1

Không bao giờ hối hận

Đừng bao giờ nghĩ rằng khi mình quyết định bỏ học hay tạm ngưng là dấu chấm hết cho những bế tắc và suy nghĩ. Khi một cánh cửa khép lại thì sẽ có một cánh cửa khác mở ra cho bạn vô số cơ hội để lựa chọn.

Có thể ban đầu bạn còn chưa định hình được mình sẽ làm cái gì trước tiên, hoặc suốt ngày nằm lỳ ở nhà tận hưởng những phút giây thoải mái không phải bận tâm gì tới sách vở, bài tập. Nhưng rồi bạn sẽ nhận ra rằng, thời gian này rất quý báu để mình nhìn lại bản thân đang cần gì, phải định hướng tương lai sang một ngã rẽ khác, phải chuẩn bị một cuộc sống mới như thế nào. 

Một điều mà hầu như các bạn khi quyết định chọn con đường này chính là quyết tâm không phụ thuộc vào kinh tế gia đình nữa, tự đi làm kiếm tiền để chi trả mọi chi phí của bản thân. Chính quãng thời gian này, những bạn ấy sẽ nhận ra rất nhiều bài học cho bản thân.

Bạn M.Như (SV năm 3 ĐH Ngoại Ngữ) chia sẻ: “Ban đầu mình muốn bảo lưu kết quả để có thời gian ôn tập lại những kiến thức mình đã mất. Nhưng sau 1 thời gian tìm hiểu thì mình muốn đi du học tự túc, mình đã làm hồ sơ và có đến 8 tháng ăn chơi. Vì có nhiều thời gian nên mình quyết định kiếm việc làm thêm, mình làm trong một hệ thống Molly. Suốt 3 tháng trời làm việc rất cực, nhưng mình luôn nghĩ rằng làm cho quen cái cực để sang bên đó thích nghi dễ hơn. 

Quả thật, đi làm mình gặp vô số những vấn đề rắc rối, mỗi lần phải giải quyết những mớ lộn xộn là mình nhận ra được một bài học, cảm giác những va vấp ấy khiến mình trưởng thành hơn. Song song với việc làm thêm ấy thì một cơ hội nữa lại đến với mình đó chính là tổ chức sự kiện, làm Marketing cho công ty du học mình đang đi. Quả thật, đây là lĩnh vực hoàn toàn mới mẻ mà mình đảm nhận.

Trước giờ mình hoàn toàn không nghĩ sẽ có một ngày nào đó mình làm cho ngành này. Sau một buổi trò chuyện với anh giám đốc công ty ấy và anh nhận ra mình có năng lực. Có đôi lúc mình nghĩ rằng ngày trước mình bảo lưu là để chấm dứt những ngày tháng chán nản trong học tập. Nhưng bây giờ thì sau khi đi làm mình thấy yêu thích việc học hơn và đôi lúc mình nghĩ rằng hay mình đừng đi du học nữa mà ở lại đây làm công việc này rồi tiếp tục học năm 3.”

Đừng hối hận với ngã rẽ mình đã chọn 2

Bạn thấy đấy, không phải cứ bảo lưu hay bỏ học là sẽ tuyệt vọng, sẽ cảm thấy bản thân mình vô dụng nên mới chọn con đường ấy. Mỗi con người đều có những ưu điểm và nhược điểm riêng, chẳng qua bạn chưa đến lúc khai phá được năng lực của chính mình. Hãy cứ lạc quan vào những quyết định của mình, chúng ta còn trẻ là còn có cơ hội để sai và làm lại, mỗi thất bại sẽ là bài học quý giá sau này.

Trường hợp sau đây sẽ phần nào chứng minh cho bạn thấy rằng không phải ai nghỉ học cũng đều là học yếu, nhác học.

H.Linh (SV năm 2 ĐH Ngoại Thương) kể lại về người bạn thân của mình: “Mặc dù học ngành Ngân hàng nhưng tiếng Anh của bạn ấy rất siêu. Bạn ấy bảo chán học tiếng Anh rồi nên chuyển sang học tiếng Nhật chỉ vì mê manga, học được tới N3 thì bạn ấy bảo thích học thêm tiếng Trung. Sau một thời gian bạn ấy lại bảo rằng muốn nghỉ học thời gian để đi làm thế nào, suốt ngày học mãi cũng cảm thấy chán. Bạn ấy nói là làm liền, sau mấy tháng đi xin việc cũng vất vả thì mấy ai có thể chấp nhận một con bé đang học năm 2 để đi làm. Nhưng rồi sau những ngày tháng kiên trì cuối cùng bạn ấy đã nhận vào làm giáo viên của một trung tâm, song song đó vừa làm công tác tuyển sinh và quản lý fanpage của trung tâm đó. Tất cả đều là những công việc hoàn toàn không liên quan tới chuyên ngành đang học nhưng bạn ấy cực kỳ hài lòng với cuộc sống hiện tại.”

Đã quyết định rẽ con đường học tập của mình sang hướng khác thì dù có khó khăn đi chăng nữa bạn hãy tự tin vào quyết định của mình, vì chỉ có trải nghiệm thì bạn mới có được những kinh nghiệm giúp ích cho công việc của mình sau này.