ĐHQGHN: "Năm 2013 sẽ tuyển sinh theo hình thức mới"

SVVN, Theo 16:00 21/01/2012

PGS.TS Nguyễn Văn Nhã, Trưởng ban đào tạo, ĐHQG Hà Nội trao đổi về việc đổi mới tuyển sinh ĐH - CĐ năm 2012.

Là đại học “tiên phong” trong vấn đề này, chúng tôi thấy có 3 điều cần đặt ra trong quá trình đổi mới:

Một là, chủ trương của ĐHQG Hà Nội là đổi mới nhằm đánh giá đúng năng lực của người học. Làm thế nào để đánh giá đúng năng lực? Cách làm đơn giản nhất là lựa chọn phương án mà thế giới đang làm rất thành công, chuyển giao công nghệ để phù hợp với điều kiện Việt Nam rồi cho vào ngân hàng đề thi.

Hai là, đổi mới để khắc phục được những bất cập của “3 chung”. Đó là giảm sức ép, giảm tải, giảm may rủi trong kỳ thi. Đổi mới tuyển sinh phải làm thường xuyên, để phù hợp với hệ thống đào tạo theo tín chỉ. ĐHQG Hà Nội dự kiến cứ 2 tháng sẽ tổ chức thi một lần, nếu sau này các trung tâm tuyển sinh của các trường thành viên đủ năng lực thì có thể tổ chức thi tuyển sinh hằng tháng.

Ba là, kết quả đánh giá này phải có giá trị trong toàn quốc, không của riêng trường đại học nào.  

Nhưng nhiều trường cho rằng phương thức tuyển sinh như ông nói chưa thể áp dụng ngay tại Việt Nam?

Tôi thấy đúng là có một số khó khăn. Một là, phải có đầy đủ chuyên gia ở tất cả các lĩnh vực để chuẩn bị một ngân hàng đề thi đúng năng lực, đúng sở trường, đúng khoa học. Chuẩn như quốc tế đã từng làm. Hai là, các đại học trọng điểm phải ngồi lại với nhau, dưới sự chỉ đạo của Bộ GD - ĐT để thống nhất quan điểm, tiêu chí, phải hợp tác tốt với nhau thì mới làm được việc này. Ba là, Bộ GD - ĐT phải quyết định barem có bao nhiêu nấc. “Thang” của mình cũng phải chuẩn, dễ quá thì không nên tổ chức thi, còn khó quá cũng không được. Bốn là, tuyển sinh ở các vùng miền. Hà Nội dự kiến 2 trung tâm, miền Trung 2 trung tâm, TP. HCM – Cần Thơ 2 trung tâm. Các trung tâm này giống như các trung tâm tổ chức thi ngoại ngữ lấy chứng chỉ quốc tế. Thí sinh cứ đóng tiền, các trung tâm tổ chức cho thi trên máy tính, có kết quả luôn, thí sinh cầm “chứng chỉ” này đến các trường. Lần này không đỗ thì một, hai tháng sau thi lại. Các trung tâm tổ chức thi quanh năm. Sức ép thi cử không còn “đè” lên xã hội nữa.

Khi thi tại các trung tâm, các môn Khoa học tự nhiên có thể dễ dàng áp dụng, nhưng với các môn tự luận thì sẽ giải quyết như thế nào, thưa ông?

Việc tổ chức thi tại các trung tâm, tôi cho rằng chỉ là điều kiện cần. Do đó, phương thức thi này không phải là thi theo môn mà là thi IQ. Điều kiện đủ là tùy thuộc vào các trường lựa chọn. Ví dụ, đến trường Sư phạm, nhà trường sẽ kiểm tra xem có nói ngọng không, đến các trường thuộc ĐHQG lại có thể cần phỏng vấn… Ngoài ra, theo tôi, đã đổi mới tuyển sinh thì cũng đổi mới lộ trình đào tạo, với năm thứ nhất học chung (giống như học đại cương trước kia) để thí sinh có thêm thời gian suy nghĩ chọn ngành.



Vậy thi ở điều kiện cần sẽ bao gồm những môn gì? 

Cái đó chúng tôi đang bàn. Nhưng tôi cho rằng, đó là kiến thức nền, có thể là Khoa học tự nhiên, Khoa học xã hội và nhân văn, Ngoại ngữ… Đề thi này không bị ràng buộc bởi môn nào. Trong đề thi đó là 100 câu, có cả tự luận, có cả trắc nghiệm, đa dạng và không đánh đố. Như thế mới bình đẳng và đánh giá đúng năng lực. Và việc thi này theo tôi cũng không phân biệt lứa tuổi. Ai muốn thi cũng được. Để có điều kiện đủ, biết đâu một số trường sẽ tổ chức một kỳ thi thứ hai.

Ông có nghĩ rằng điều này sẽ là điều kiện để các lò luyện thi phát triển?

Việc này là phải do Bộ ra các văn bản quy định, yêu cầu các trường không được tổ chức thi nữa.

Trong năm 2012, ĐHQG Hà Nội đã áp dụng phương thức này chưa, thưa ông?

Chúng tôi đã thí điểm phương thức thi này đối với một chuyên ngành sau đại học và đã thành công ở quy mô nhỏ, vừa phải. Bây giờ, muốn mở rộng quy mô ngay thì quỹ thời gian không kịp, vì chỉ có 4 tháng để chuẩn bị. Do đó, năm 2012, ĐHQG Hà Nội vẫn sẽ thi “3 chung”. Quan điểm của ĐHQG Hà Nội là phải chuẩn bị kỹ lưỡng. Nếu chưa kỹ, còn nghi vấn thì phải tiếp tục thí điểm. Tuy nhiên, chậm nhất là năm 2013, ĐHQG Hà Nội sẽ tiến hành thi theo hình thức này.