ĐH, CĐ 2014: Thí sinh dè dặt đăng ký thi khối C

Dân Việt, Theo 11:37 21/04/2014

Thí sinh đã lựa chọn thi những khối ngành ít “hot” và quan tâm đến nhu cầu việc làm. Tuy nhiên, những trường “top” đầu lại trở thành xu hướng lựa chọn của nhiều TS khu vực nông thôn so với năm 2013.

Mặc dù thời gian nộp hồ sơ tại các trường ĐH, CĐ còn kéo dài tới 29.4 nhưng đến thời điểm này, sự phân hóa khối thi đã dần được “định hình” bởi lượng hồ sơ gửi trực tiếp về các trường không đáng kể (đa số thí sinh (TS) nộp qua tuyến trường THPT).

Khối A, D1 “áp đảo”, khối C “hẩm hiu”

Tại điểm thu nhận hồ sơ của Cơ quan đại diện Bộ GDĐT tại TP.HCM, lượng thí sinh tự do đến nộp hồ sơ những ngày qua khá đông, bình quân mỗi ngày đơn vị này nhận 700-800 hồ sơ.

Theo ông Nguyễn Quốc Cường, chuyên viên tuyển sinh Cơ quan đại diện Bộ GDĐT tại TP.HCM thì: “Tính đến nay, bộ phận tuyển sinh đã nhận khoảng 15.000 hồ sơ của TS tự do, trong đó hồ sơ TS nộp trực tiếp tại phòng tuyển sinh khoảng hơn 6.000, số còn lại từ các trung tâm luyện thi chuyển về”. Cũng theo ông Cường: Hiện tại số lượng hồ sơ nộp nhiều nhất vẫn là khối A, B và D1 vào các trường ĐH Sư phạm TP.HCM, ĐH Y Dược TP.HCM, ĐH Nông lâm, ĐH Sài Gòn và ĐH Kinh tế TP.HCM… Ở khối CĐ, đáng chú ý là lượng hồ sơ tăng đột biến của các trường CĐ Kinh tế Đối ngoại, CĐ Kỹ thuật Cao Thắng, CĐ Công nghệ Thủ Đức…

TS nộp hồ sơ thi ĐH, CĐ năm 2014 tại phòng Tuyển sinh Cơ quan đại diện Bộ GDĐT tại TP.HCM.

“Việc lựa chọn ngành nghề của các em cũng đã có sự chuyển biến khá nhiều. Các em đã chọn những ngành mà trước đây rất ít thí sinh nộp vào như: Công nghệ cơ khí, công nghệ ô tô, nhóm ngành khoa học xã hội, luật, tâm lý học, sư phạm… Điều đó chứng tỏ công tác hướng nghiệp năm qua của ngành giáo dục đã được triển khai khá tốt” - ông Cường phân tích.

Ở tuyến Sở GDĐT TP.HCM thì cũng chưa có số liệu cụ thể, tuy nhiên theo ghi nhận của NTNN tại các trường THPT như: Gia Định, Marie Curie, Nguyễn Thị Minh Khai, Tân Phú… đa số TS nộp hồ sơ dự thi vào khối A, A1 và D1 các trường như: ĐH Bách khoa TP.HCM, ĐH Kinh tế TP.HCM, ĐH Khoa học tự nhiên, ĐH Sài Gòn… Số lượng TS đăng ký vào khối C rất ít, khoảng vài chục hồ sơ, có trường thậm chí chỉ 2-3 bộ.

Trong khi đó, tại các tỉnh thành khu vực phía Nam như: Bình Thuận, Lâm Đồng, Bình Dương, Long An… hiện chưa có số cụ thể về lượng hồ sơ đăng ký dự thi do đầu tuần tới các trường THPT mới bàn giao về sở. Tuy nhiên, theo thống kê của một số trường trọng điểm ở các tỉnh, thành này thì TS chọn khối thi chủ yếu là A và D1, một tỷ lệ nhỏ thí sinh chọn khối A1 và số lượng dự thi khối C mỗi trường chỉ vài chục bộ hồ sơ.

Nhận hồ sơ đến ngày 29/4

Cơ quan Đại diện Bộ GDĐT tại TP.HCM cho biết sẽ tiếp tục nhận hồ sơ ĐKDT của thí sinh đến ngày 29.4 (nhận hồ sơ cả ngày thứ 7). Đồng thời, đại diện các trường có tổ chức thi kỳ thi 3 chung tại TP.HCM cũng cho biết bắt đầu nhận hồ sơ trực tiếp tại trường từ ngày 18.4 đến 17 giờ ngày 29.4.

Chọn trường “top”, “né” cao đẳng

Nếu như TS tại TP.HCM năm nay có xu thế lựa chọn vào các trường “top” giữa, thì với học sinh tại nhiều tỉnh, thành như: Lâm Đồng, Đồng Nai, Bình Dương, Long An… lại có xu hướng chọn thi vào các trường “top” đầu và giảm hẳn dự thi vào CĐ. Giải thích vấn đề này, giáo viên phụ trách hướng nghiệp Trường THPT Lộc Thanh (Lâm Đồng) cho hay:

“Lý do mà các TS đưa ra là năm nay Bộ GDĐT không còn quy định điểm sàn nên cứ thi ĐH, nếu đậu được thì tốt còn nếu không đậu thì vẫn có thể dùng học bạ xét tuyển vào các trường ĐH xét học bạ, cần gì dự thi CĐ cho mất công”. Cũng theo giáo viên này, năm nay lượng TS dự thi vào các trường ĐH Y Dược, ĐH Bách khoa… tăng đột biến so với năm 2013 (gần 50%).

Ngoài lựa chọn trường “top”, năm nay xu hướng TS khu vực nông thôn ở ngoại thành TP.HCM và các tỉnh, thành lân cận vẫn lựa chọn khối ngành kinh tế nhiều. Giải thích về xu hướng nhóm ngành kinh tế đang bão hòa, dư thừa nhân lực nhưng vẫn hút TS, bà Lê Thị Lý - Phó Hiệu trưởng Trường THPT Long Thành (Đồng Nai) nêu quan điểm: “Dù môi trường kinh tế - tài chính - ngân hàng những năm qua khá ảm đạm nhưng ai dám chắc sau 4 năm nữa không khởi sắc. Thêm vào đó, trong thời kỳ hội nhập hiện nay, học sinh rất quan tâm đến cơ hội học sau ĐH ở nước ngoài, mà cơ hội học bổng du học ở nhóm ngành kinh tế những năm qua là nhiều nhất”.