Đau lòng điểm thi môn sử

Dân Việt, Theo 10:22 25/07/2012

Đến thời điểm này theo ghi nhận của các trường đại học có thi khối C thì môn sử vẫn là môn “lĩnh” nhiều điểm 0 nhất.

Nhiều lỗi sai ngớ ngẩn

Dù đánh giá là mùa tuyển sinh năm nay chất lượng thí sinh khối C khá hơn so với các năm trước, nhưng ĐH Đà Nẵng cũng đã có tới 45 bài thi “lĩnh” điểm 0 môn sử.

Trong số 1.947 bài thi môn này, chỉ có 61 bài điểm trên 5 (chiếm 3,1%). Với kết quả môn sử như vậy, chắc chắn điểm thi khối C của trường sẽ bị kéo xuống rất nhiều.

Mặc dù chưa hoàn thiện việc chấm thi nhưng Trường ĐH Sư phạm TP. Hồ Chí Minh cũng thông tin: Điểm thi cao nhất của môn sử đã được chấm là 7,5, còn đa số bài thi từ 3 điểm trở xuống, điểm 0 cũng không hiếm ở môn này.

Tại Trường ĐH Sài Gòn, môn sử cũng là môn có phổ điểm thấp nhất, một cán bộ chấm thi trường này cho biết: 5 túi bài thi được chấm thì có 1 bài được 6,25 điểm, một số bài được 5 - 6 còn lại từ 3 điểm trở xuống 0. Thậm chí có bài viết lan man đến 4 trang giấy nhưng chỉ được 0,25 điểm vì nỗ lực không để... giấy trắng”.

Tương tự, tại Trường ĐH Luật TP.Hồ Chí Minh, ĐH Văn hoá TP.Hồ Chí Minh, ĐH An Giang, ĐH Đồng Tháp, ĐH Đà Lạt, ĐH Trà Vinh… cũng có rất nhiều bài thi bị điểm 0 môn sử.



Không chỉ thấp, nhiều bài thi môn sử của thí sinh lại khiến cho các cán bộ chấm thi phải đau lòng vì các lỗi sai ngớ ngẩn… Cô N.T.H - cán bộ chấm thi của Trường ĐH Tây Bắc chia sẻ: “Ở câu 1 (2 điểm) hỏi về tác động của cuộc khai thác thuộc địa lần thứ 2, một bài thi viết: “Cuộc khai thác của thực dân Pháp đã khiến cho nước ta mất hết tài nguyên. Không những thế Pháp còn bắt thanh niên, đàn bà và cả trẻ em đi làm nô lệ đào than cho chúng ở Quảng Ninh rất cực khổ. Điều này cũng dẫn tới nạn đói năm 1945”.

Ở câu 3 yêu cầu tóm tắt diễn biến chiến dịch Hồ Chí Minh, có bài thi viết: “Năm 1975 dưới lời kêu gọi của chủ tịch Hồ Chí Minh, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đã đứng lên tổ chức chiến dịch mang tên Bác đánh thắng thực dân Pháp xâm lược”!

Học sử bao giờ hết khó?

Lý giải về việc môn sử vẫn không thoát khỏi “những bóng ma” điểm 0 dai dẳng nhiều năm qua, cô Nguyễn Tường Vi - Tổ trưởng tổ sử - địa Trường THPT Nguyễn Hiền (TP.Hồ Chí Minh) cho biết: “Năm nay Bộ GDĐT thay đổi đáp án giữa chừng cũng làm ảnh hưởng nhiều đến điểm thi của thí sinh. Nhưng căn nguyên vẫn là do các em ít coi trọng môn sử. Nhiều học sinh chọn theo khối C cũng chỉ là… bước đường cùng”. Cũng theo cô Hiền, môn sử có nhiều điểm 0 còn do cách “dạy vẹt” và “học vẹt” cố hữu trong nhà trường chưa thể thay đổi một sớm một chiều.

Cũng với quan điểm này, thầy Đào Ngọc Đình – giáo viên sử Trường THPT chuyên Hưng Yên cho biết: “Sử không giống như các môn học khác, nó cần chính xác như môn toán, cần hiểu để phân tích, dẫn chứng logic như các môn lý, hoá nhưng cũng phải mềm mại như văn. Việc học sử đã khó, việc dạy sử còn khó hơn. Nhiều giáo viên sử hiện nay vẫn đi theo lối mòn khô khan thiếu linh hoạt vô tình làm cho học sinh chán sử”.

Ở góc độ khác, cô Nguyễn Thị Thanh Hân – giáo viên Sử Trường THPT Việt Yên (Bắc Giang) cho rằng: “Điểm 0 môn sử nhiều cũng không hoàn toàn lỗi là ở môn lịch sử - môn vẫn bị coi là dạy và học cứng nhắc, khô khan và nhiều chữ. Bình tĩnh mà xem lại những thí sinh tham gia thi khối C có phải hoàn toàn là nhưng học sinh khá, giỏi không? Rất nhiều thí sinh theo khối này chỉ vì “chuột chạy cùng sào". Vì vậy, đừng lấy những bài của các em học sinh yếu này để đánh giá hoặc phàn nàn về bộ môn Sử".
TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày