Đạo đức học đường - SOS!

HNM, Theo 10:00 15/11/2010

Sau những "scandal" liên tiếp xảy ra thời gian gần đây, đạo đức học đường một lần nữa trở thành vấn đề đáng báo động. Bạn suy nghĩ như thế nào về thực trạng đáng buồn này?<img src='/Images/EmoticonOng/19.png'>

Trần Thanh Hà, lớp 12 Trường chuyên ĐH Sư phạm Hà Nội:

Thời gian qua, vụ việc một giáo viên mầm non nhốt em bé 4 tuổi vào thang máy, sau đó thang máy (vận chuyển thức ăn) chạy khiến bé này bị thương nặng tại đầu và khắp thân thể. Trước đó, một giáo viên tại Hải Phòng mắng học sinh với đủ lời lẽ thậm tệ. Chưa kể đến chuyện thầy giáo biến học trò thành gái gọi. Đáng xấu hổ, nữ sinh đánh nhau rồi tung lên mạng. Thậm chí, nhiều nữ sinh còn tình nguyện ăn mặc hở hang, "thiếu vải", sau đó công khai trên blog, mạng xã hội như một thú vui, "mốt" thời thượng. Nam sinh thì đua xe, có hành vi vi phạm pháp luật. Tất cả những hiện tượng trên có thể chưa phải là phổ biến nhưng đã xảy ra ngày càng nhiều với mức độ nghiêm trọng. Điều đó chứng tỏ, đạo đức học đường đang bị xuống cấp và ở mức đáng báo động hơn bao giờ hết.



Nguyễn Vũ Khôi Nguyên, lớp 12 Trường Hà Nội - Amsterdam:

Nghe thông tin vụ việc, mình thực sự cảm thấy "sốc", nhất là trường hợp một giáo viên ở Hải Phòng dọa nạt khi học sinh "phản hồi" về việc cô phát âm chưa chuẩn. Mình nghĩ, nếu là một giáo viên tâm huyết, tư cách đạo đức tốt thì không bao giờ cư xử như vậy. Trái lại, họ sẽ ứng xử khiến học sinh tôn trọng mà vẫn đồng cảm ngay cả trong hoàn cảnh giáo viên dạy chưa chuẩn. Thế nhưng, giáo viên này đã thiếu bình tĩnh để rồi dẫn đến hành vi xúc phạm danh dự của học sinh, một việc làm không thể có ở giáo viên. Từ thực tế trên, theo mình, việc dạy chữ đã được đề cao hơn dạy người đang tồn tại trong ngành giáo dục hiện nay.

Thầy giáo Nguyễn Ngọc Định, chủ nhiệm lớp 9:



Nguyên nhân dẫn đến hiện tượng trên là do các chuẩn mực xã hội đang bị thay đổi, cùng với đó, việc giáo dục đạo đức, văn hóa và lối sống trong nhà trường ít được quan tâm. Nếu như thế hệ trước, thầy và trò khi bước chân đến trường luôn phải giữ gìn phẩm hạnh, đức độ và cư xử đúng chuẩn mực thì ở xã hội hiện đại lại tạo ra những thay đổi phức tạp tác động nhiều đến nhận thức của con người, trong đó có cả học sinh lẫn giáo viên. Một số giáo viên tự cho mình "quyền sinh quyền sát", hành xử áp đặt, buộc học sinh phải tuân thủ tuyệt đối. Còn học sinh thì lại học theo lối sống buông thả, tha hóa về đạo đức. Xuyên suốt những vụ việc gần đây cho thấy, lối "sống gấp" chỉ biết vui chơi hưởng lạc và đề cao vật chất trong giới trẻ chính là nguyên nhân dẫn đến đạo đức bị lệch chuẩn, hành vi mất phương hướng. Để khắc phục thực trạng này cũng như xây dựng một xã hội tốt đẹp, theo tôi phải có một cuộc cải tổ mà trong đó phải đề cao những giá trị tinh thần. Mặt khác, mỗi người trong xã hội, từ học sinh, phụ huynh, thậm chí đến cả thầy, cô giáo đều phải được cung cấp những kỹ năng sống.