Đánh cược tương lai vào việc bảo lưu kết quả học tập

Phan Hằng, Theo Pháp luật xã hội 00:01 14/12/2013

Nếu không kể đến những bạn khó khăn buộc phải bảo lưu thì có nhiều bạn đang có cái nhìn sai lệch khi hễ học yếu, ham chơi thì cứ “khăn gói” lần lượt đi bảo lưu.

Những lý do muốn bảo lưu

Nhắc đến vấn đề bảo lưu chúng ta thường nghĩ đến những bạn có hoàn cảnh khó khăn, không có đủ học phí để nộp, những bạn đạt được học bổng, những bạn ôn thi đậu đại học rồi nhưng muốn tập trung ôn thi lại sẽ tạm bảo lưu kết quả học tập. Thường những bạn này sẽ tạm nghỉ học tối thiểu là 1 năm và tối đa là 4 năm. Tuy nhiên phải cân nhắc thật kỹ thì nhiều bạn này mới quyết định ngưng 1 năm. 

Hiện có rất nhiều lý do mà các bạn sinh viên đưa ra để làm lý do cho việc bảo lưu việc học của mình. Có những sinh viên năm 1 muốn ôn thi lại thì không có gì để bàn cãi nhưng có sinh viên năm 3, thậm chí năm cuối cũng “đánh liều” bảo lưu. Liệu rằng những sinh viên năm 3, năm 4 kia có thật sự quyết tâm làm lại cuộc sống của mình chỉ trong 1 năm ngắn ngủi này không?

Trước tiên ta phải kể đến các tân sinh viên, mặc dù đã đậu đại học, mang đến niềm tự hào cho gia đình nhưng lại học ngành mình không thích, hoặc có những bạn học hết một học kỳ nhưng không thích tiếp tục học ngành này nữa. Thế là nghĩ đến việc bảo lưu, việc này sẽ giúp các bạn có thời gian ôn thi mặt khác nếu thi lại mà rớt thì đành tiếp tục học ngành ban đầu.

Đánh cược tương lai vào việc bảo lưu kết quả học tập 1

Tuy nhiên, việc bảo lưu phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố như bảng điểm, lý do. Nhiều bạn dù nộp đơn bảo lưu nhưng không được chấp nhận. Thế là những bạn ấy đánh liều “một ăn cả ngã về không” nghỉ học trên trường nhưng giấu gia đình để lén lút tập trung ôn thi. 

“Bảo lưu để ôn tập lại kiến thức đã mất” là lý do bạn H.Nga (SV ĐH Ngoại ngữ) nói. Bạn ấy còn chia sẻ thêm lý do mình đến với quyết định này là: “Đậu đại học quả là niềm vui rất lớn đối với mình, nhưng mình ngủ quên trong chiến thắng quá nhiều, mình nợ quá nhiều môn bây giờ đuối sức chạy đua không nổi với bạn bè. Mỗi giờ lên lớp là một cực hình, học thì không hiểu mà cứ luôn bị áp lực, lo sợ bị thầy cô gọi tên. Chán lắm, nên mình quyết định nghỉ một năm để ôn tập lại, hy vọng sẽ ổn.”

Một số bạn đưa ra lý do rất “chính đáng” là bảo lưu để ôn tập, hệ thống lại kiến thức đã bị hổng, lấy lại căn bản. Nhưng có chắc là suốt một năm tự học như thế liệu có bao nhiêu bạn có thể siêng năng, kiên trì được.

Trường hợp khác bảo lưu chỉ vì không muốn lãng phí tuổi trẻ, muốn có được một năm ăn chơi xả láng thay vì cứ suốt ngày vùi đầu vào học, rồi lo thực tập tốt nghiệp, lo kiếm việc làm. Thậm chí có những lý do rất “củ chuối” là muốn kéo dài thời gian sinh viên của mình thêm.

Bạn M.Nam (SV ĐH Mở) cho hay: “Mình muốn có một năm riêng cho mình, không vướng bận chuyện học hành để thực hiện hết các mục tiêu mình đề ra khi còn trẻ. Số tiền mình dành dụm suốt thời gian qua mình quyết định phượt trong vài tháng, sau đó sẽ đi học một khóa DJ, học linh tinh thêm vài thứ khác. Mình muốn có thêm nhiều trải nghiệm thực tế hơn nhưng việc học ở trường chiếm quá nhiều thời gian. Đôi lúc mình rất chán khi cứ mãi đâm đầu vào học thế này. Quyết định bảo lưu mình đã suy nghĩ trong một thời gian rất dài mới chọn.”

Những hệ lụy từ việc bảo lưu

Một trong những tác hại đầu tiên của việc bảo lưu đó chính là quên hết kiến thức đã học. Mặc dù có nhiều bạn quyết tâm rằng sẽ tự học để lấy lại kiến thức, thế nhưng hầu như chỉ được một thời gian đầu và thời gian sắp hết hạn bảo lưu buộc phải nhập học lại. Còn lại bạn sẽ bị chi phối rất nhiều thứ vì cứ nghĩ rằng mình còn rất nhiều thời gian nên không cần phải vội.

Đánh cược tương lai vào việc bảo lưu kết quả học tập 2
Ảnh minh họa.

Bạn N.Mai (ĐH Ngoại ngữ) kể lại câu chuyện của mình: “Mình cũng đang bảo lưu 1 năm với ý nghĩ sẽ cố gắng ôn tập bài vở, như thế mình sẽ học tốt hơn trong năm tới. Thế nhưng, đời không như là mơ, trong khi bạn bè đi học chăm chỉ rồi bận rộn với những kỳ thi thì mình ở nhà ăn chơi ngủ, nhiều khi ở nhà cả ngày mà chẳng muốn sờ vào cuốn sách, hay cứ học được nữa tiếng là lại online xem phim. Càng rảnh thì mình lại càng muốn đi chơi hơn là học, bạn bè trên lớp thì đang ôn thi nhưng bạn bè khác thì cứ hay rủ mình đi chơi, đi nhậu… Chẳng có tối nào là mình ở nhà. Cũng phải 5 tháng trôi qua như thế rồi, mình định thôi chơi nốt tháng này rồi sang năm mình sẽ quyết tâm học hành chăm chỉ.”

Một số bạn còn tranh thủ đi làm thêm chứ ở nhà miết thì cũng thấy rất chán. Một số khác thì cảm thấy hối hận thà cứ vừa học trên trường vừa ở nhà tự ôn không phải mất 1 năm như thế này, đã thế lại ra trường chậm 1 năm so với bạn cùng lứa, rồi chưa kể gia đình sẽ phản ứng như thế nào khi biết con cái mình tự ý làm như vậy. 

Tạm kết

Thời gian bảo lưu tối thiểu 1 năm tuy nhìn có vẻ ít nhưng thật sự 1 năm sẽ rất là dài với những bạn suốt ngày chỉ biết ở nhà ngồi không, ăn chơi. Thế nên, khi bạn đang có ý định bảo lưu thì phải thật sự cân nhắc kỹ càng trước khi quyết định.