Cuộc sống khó khăn của hai sinh viên người dân tộc

Phi Phong, Theo Trí Thức Trẻ 00:49 01/01/2013

Trong óc tôi vẫn không thể nào thôi suy nghĩ đến họ...

Bữa cơm hôm ấy, tôi đã cùng gia đình và hai chị dân tộc ngồi ăn với nhau. Tôi đã tìm hiểu và biết họ là người dân tộc Cơ –Tu, hiện đang là sinh viên Cao Đẳng Lạc Việt. Họ một người là Bríu – Nhái (22 tuổi, sinh năm 1990) và một người là Coor Câm (22 tuổi, sinh năm 1990). Sau buổi cơm, tôi quyết định đi theo họ về nhà trọ để thăm nơi họ sinh hoạt. 
 
Cuộc sống khó khăn của hai sinh viên người dân tộc 1
Coor Câm (bên trái) Bríu – Nhái 

Theo chân hai chị, tôi mới thấy sự bập bẹ của người miền cao về miền xuôi học tập, họ đi xe đạp rất chậm và tay lái rất yếu. Khi đến nơi, tôi mới hay họ mượn xe đi được thời gian gần một tuần. Trước đó Coor Câm đã bị tông xe vì chưa biết đi xe đạp.

Khi bước chân vào nhà tôi ngỡ ngàng vì cứ tưởng mình đang đi vào một hang động hẹp sâu, trông nó rất âm u với ánh đèn vàng mờ nhòe. Tôi không thể nào ngờ lại có một nơi dành cho sinh viên lại rồi tàn như khu ổ chuột ngay tại thành phố Đà Nẵng diễm lệ này. 

Cuộc sống khó khăn của hai sinh viên người dân tộc 2

Cuộc sống khó khăn của hai sinh viên người dân tộc 3
Đường đi vào khu để xe

Sau khi trao đổi với hai chị, tôi đã biết họ đang theo học ngành Y sĩ đa khoa. Ngồi nghe họ kể về cuộc sống, tôi và người bạn đồng hành cũng phải xót ruột. Xuất thân từ một gia đình dân tộc làm nông cuốc rãy, cả hai người đều mang trong mình sự siêng năng có thừa của con người Việt Nam nên họ đã đi bộ từ nơi mình ở đến huyện và đi xe buýt từ huyện đến TP Đà Nẵng. 

Gia đình Bríu – Nhái và Coor Câm cũng như nhau, đều đông con và nhiều người. Bríu – Nhái nhà có tám anh chị em, Coor Câm nhà có sáu anh chị em, vì thế chính họ đã thấu cái nghèo của nhau nên họ giúp đỡ nhau mỗi khi túng quẫn. 

Với mức học phí khoảng 3 triệu/tháng, hai con người nhỏ bé này đã có gắng nương tựa nhau để đóng học phí, và rồi đóng tiền nhà (800 ngàn/tháng). Cuộc sống của họ được bắt đầu và kết thúc chỉ vỏn vẹn có 10.000 đồng cho cả ba người (hai người họ sống chung với một người sinh viên khác). Họ khó khăn là vậy, lặn lội đường xa là thế, cái đói cái rét đang dần bao lấy họ khi cái lạnh của đông đang về. 

Với họ khi đến đây – TP Đà Nẵng họ đã có ước mong: “Học cho có cái chữ để về giúp đỡ đồng bào của mình, chữa trị cho người dân trong làng xã”(Coor Câm), “Học được gì thì về giúp dân bản, tuyên truyền lại cho người khác cái đúng cái hay không chỉ về y tế mà còn về cuộc sống của người Kinh” (Bríu – Nhái).

Cuộc sống khó khăn của hai sinh viên người dân tộc 4

Cuộc sống khó khăn của hai sinh viên người dân tộc 5

Sau kỳ nghỉ hè, hành trang của Bríu – Nhái để trang trải tiền học phí là một cái bao tử Nhím của bà ngoại cho. Theo chị, cái này đủ khả năng chi trả cho học kỳ này. Nhưng thật ra, giá của một cái bao tử Nhím chỉ vỏn vẹn có gần 800 ngàn, vậy chỉ mới đủ trả tiền nhà. Hiện nay chị đang nhờ vả rất nhiều từ bạn bè, theo chị số nợ cứ từ đó cao dần: “Không biết đến bao giờ mới trả xong nợ  cho các bạn bởi các bạn cũng nghèo và túng như mình”. 

Dù biết Cao Đẳng Lạc Việt là trường tư, nhưng phải chăng ban giám hiệu nhà trường chưa thật sát sao với đời sống của sinh viên mình? Khi hỏi về chế độ mà các chị được hưởng khi học tại trường, các chị cho hay: “Làm gì có chế độ ưu đãi nào, từ khi vào học cho tới giờ chưa nghe tới chính sách đãi ngộ cho sinh viên miền cao như chúng tôi” 

Vốn dĩ đã bất đồng về ngôn ngữ, họ còn ngày đêm suy nghĩ về tiền cho ngày mai sẽ thế nào, tiền trọ tháng này đâu ra để trả, tiền học phí ở đâu mà đóng? Hàng loạt câu hỏi vanh vảnh trong đầu liệu có học tốt chăng? Coor – Câm liệu có thực hiện được ước mơ nhỏ bé của mình chăng?