​Có nên “trả lương” cho lớp trưởng?

Tuổi Trẻ, Theo 10:56 08/02/2015

Trong 46 ý kiến bạn đọc phản hồi trên Tuổi Trẻ Online hai ngày qua về đề tài này không chỉ có bạn đọc phản đối mà cũng có nhiều bạn đọc ủng hộ.

Trong khi đó các chuyên gia, nhà giáo đề nghị nên có hình thức khen thưởng hoặc trao học bổng để động viên lớp trưởng.

* Thầy Trần Văn Đại Lợi (phó hiệu trưởng Trường THPT tư thục Thái Bình, TP.HCM):

Các trường đại học sợ tác dụng ngược nên đã dừng lại

Ở Singapore, những em học sinh làm cán bộ lớp đều có đeo huy hiệu trên ngực áo (lớp trưởng và lớp phó có huy hiệu riêng, khác nhau). Các em rất tự hào với những huy hiệu này.

Tuy nhiên, để các em có liên quan đến tài chính thì không nên. Việc bầu học sinh làm lớp trưởng mang ý nghĩa: em nào có khả năng thì làm thủ lĩnh, phát huy khả năng làm chỉ huy, giúp các em tự tin hơn, các em có cơ hội để rèn luyện phong cách lãnh đạo.

Việc trả lương cho lớp trưởng sẽ gây tác động xấu đến học trò: e rằng các em sẽ không có ý thức vì tập thể. Trước đây một số trường đại học ở ta cũng thử nghiệm trả lương bằng cách miễn giảm học phí cho cán bộ lớp.

Nhưng sau một thời gian, nhận thấy việc này gây tác dụng ngược nên dừng lại. Bởi việc làm lớp trưởng là tự nguyện, là ý thức biết chia sẻ, biết hi sinh vì tập thể.

Nếu được định hướng đúng, lớp trưởng sẽ có cơ hội rèn luyện tốt, cống hiến cho tập thể, ngày càng trưởng thành hơn và biết sống vì người khác. Khi có tài chính liên quan thì rất có thể các em sẽ làm vì có tiền, vì quyền lợi.

Hiện nay, có hiện tượng một số giáo viên giao cho lớp trưởng quá nhiều quyền hành. Nên hiểu là người lớp trưởng phải song hành cùng các bạn, lớp trưởng không được xử phạt, không được quyền cho hay không cho các bạn cái này cái kia mà chỉ là người điều hành lớp khi giáo viên chủ nhiệm vắng mặt, ghi nhận lại tình hình và phản ảnh với giáo viên chủ nhiệm mà thôi.

Lớp trưởng là bạn cùng tiến, là người trung gian thân thiện giữa giáo viên chủ nhiệm với các bạn trong lớp chứ không phải cảnh sát.

* Cô Phạm Thị Huệ (nguyên hiệu trưởng Trường THCS Bạch Đằng, Q.3, TP.HCM):

Khen thưởng thì được nhưng trả lương thì không

Làm lớp trưởng là một trong những nhiệm vụ của học sinh theo điều lệ trường phổ thông, tức là các em cũng tham gia hoạt động học tập, phong trào của nhà trường.

Qua đó, nhà trường đánh giá hạnh kiểm, học lực của học sinh. Tùy theo năng lực của mỗi em mà tham gia, em nào có năng lực quản lý thì làm lớp trưởng, em nào có năng khiếu văn nghệ, thể dục thể thao thì tham gia các hoạt động phong trào...

Theo tôi, việc khen thưởng cho những em làm lớp trưởng là việc nên làm bởi các em làm nhiệm vụ nhiều hơn những học sinh khác. Ví dụ như trước đây có mạnh thường quân tài trợ cho một số học sinh Trường THCS Bạch Đằng đi tham quan, học tập tại Củ Chi, tôi đã quyết định cho toàn bộ các em lớp trưởng trong trường được đi.

Mặc dù vậy, việc trả lương hay miễn giảm học phí hằng tháng (theo một quy định có sẵn, cứ em nào làm lớp trưởng là được miễn giảm) thì không nên. Ví dụ cả trường có 40 lớp trưởng - đâu phải lớp trưởng nào cũng có khả năng, sự nhiệt tình như nhau (trong khi khen thưởng thì chỉ những lớp trưởng làm tốt nhiệm vụ mới được khen thưởng).

Trên thực tế có trường hợp phụ huynh không đồng ý cho con em mình làm lớp trưởng với lý do các em mất quá nhiều thời gian cho công việc này; cũng có trường hợp lớp trưởng bị bạn bè nói này nọ nên bản thân em cũng không muốn làm...

Thường những học sinh giỏi sẽ được giáo viên chủ nhiệm đề cử làm lớp trưởng, nhưng không phải tất cả học sinh giỏi đều làm được lớp trưởng.

Thực tế còn xảy ra tình trạng giáo viên giao quá nhiều công việc cho lớp trưởng, đôi khi đó là công việc của chính giáo viên. Có người còn cho rằng: cứ giao cho lớp trưởng đương nhiên các em phải thực hiện, khiến một số em cảm thấy bị áp lực. Có giáo viên chủ nhiệm còn la mắng lớp trưởng vì không hoàn thành nhiệm vụ...

Ở Trường Bạch Đằng, có những năm ban giám hiệu trường phải tổ chức họp các lớp trưởng, động viên và tập huấn cho các em để các em hoàn thành tốt nhiệm vụ mà không ảnh hưởng đến việc học tập.

Hiện nay, chưa có một văn bản nào quy định về những nhiệm vụ của lớp trưởng nên mới có tình trạng trên. Tôi thấy như ở Trường THPT Long Bình (Tiền Giang), chỉ vì trong lớp có học sinh không đeo phù hiệu hoặc không mặc đúng đồng phục mà phạt lớp trưởng thì tội cho lớp trưởng quá.

Hình thức phạt này không mang tính giáo dục vì lớp trưởng đâu phải thủ trưởng đơn vị mà bắt các em phải chịu trách nhiệm thay các bạn của mình? Về việc này, Bộ GD-ĐT nên có văn bản thống nhất để tất cả trường trung học thực hiện.

* Thầy Nguyễn Quang Minh ( giáo viên Trường THPT Nguyễn Công Trứ, TP.HCM ):

Nên trao học bổng

Hơn 30 năm làm công tác chủ nhiệm, tôi thấy việc trả lương cho lớp trưởng là bất thường. Không nên trả lương cho các em vì nếu lỡ có em không hoàn thành nhiệm vụ hoặc làm sai thì có được trả lương không.

Việc trả lương này không phù hợp trong môi trường sư phạm, làm tình cảm thầy - trò (giáo viên chủ nhiệm - lớp trưởng) phai nhạt ít nhiều.

Trả lương tức là có lương mới làm, trả lương tức là giao trách nhiệm và bắt các lớp trưởng phải chịu trách nhiệm về những công việc mình làm. Chẳng lẽ khi các em làm không tốt thì la “lãnh lương mà làm không nên thân”?

Ở trường tôi, hằng năm, hằng tháng luôn có những suất học bổng miễn giảm một phần học phí học thêm. Ngoài những em có hoàn cảnh khó khăn, những em học giỏi nhất lớp, cũng có năm tôi trao học bổng ấy cho lớp trưởng để động viên em học tập chứ không mang ý nghĩa trả lương. Trả lương với mức khá cao như ở Trường THPT Long Bình thì cần cân nhắc lại.

* TS Nguyễn Thị Quy ( nguyên phó viện trưởng Viện nghiên cứu giáo dục ĐH Sư phạm TP.HCM ):

Phản giáo dục

Trên thế giới và ở nước ta đã và đang quan tâm đến việc tạo môi trường thân thiện trong nhà trường. Trong đó, mỗi học sinh được chủ động, thoải mái, tự tin trong học tập và sinh hoạt; quan hệ giữa thầy và trò, giữa trò với trò là sự tôn trọng, gần gũi lẫn nhau để mỗi ngày đến trường là một niềm vui.

Đọc báo thấy một trường THPT ở Tiền Giang thực hiện việc trả lương cho lớp trưởng, đặc biệt lớp trưởng lại có quyền hành như giám thị, giáo viên thì không nên. Bởi việc này gây áp lực cho những em làm lớp trưởng và làm lu mờ hình ảnh người giáo viên.

Các em đi học để tiếp thu kiến thức, rèn luyện đạo đức, kỹ năng là nhiệm vụ chính, chứ giao các em theo dõi các bạn sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến thời gian học tập của các em.

Vô hình trung sẽ tạo khoảng cách giữa lớp trưởng với các bạn trong lớp, xóa bỏ sự hòa đồng giữa các thành viên trong lớp. Lớp trưởng đứng ở vị trí cao hơn các học sinh khác sẽ gây bất bình đẳng giữa các học sinh và môi trường thân thiện không còn nữa.

Việc trả lương cho lớp trưởng là việc làm phản giáo dục vì sẽ tạo tâm lý không tốt cho các em lớp trưởng ngay từ tuổi học trò: các em làm nhiệm vụ không vì tự nguyện, không vì việc chung mà vì được quyền lợi; e rằng sẽ tạo thành thói quen không tốt: làm gì cũng phải có lợi cho mình mới làm.

* Trần Thanh ( học sinh lớp 11B2 Trường THPT Giồng Ông Tố, Q.2, TP.HCM ):

Trả lương cũng tốt

Em thấy mỗi trường có một quy định khác nhau về nhiệm vụ cũng như điều kiện để làm lớp trưởng, nhưng trên hết việc làm lớp trưởng là tự nguyện.

Theo em, bạn lớp trưởng cũng phải có năng lực chỉ huy và nhiệt tình mới làm tốt được.

Nếu so lớp này với lớp khác thì cũng có lớp trưởng làm hết lòng, có lớp trưởng làm chưa hết lòng. Nhưng với những bạn làm tốt thì nhà trường cũng nên có phần thưởng để khuyến khích cá nhân bạn đó, đồng thời làm gương cho những lớp trưởng khác cố gắng hơn. Do vậy, em nghĩ việc trả lương cũng tốt.

Xin kiên nhẫn chờ thực tiễn chứng minh

Tôi nghĩ rằng “trả lương” kiểu như thế cũng là một cách giáo dục. Khi được cộng đồng tin tưởng thì phải làm thật tốt, làm tốt thì được ghi nhận. Mọi quyền lợi đều phải gắn liền với nhiệm vụ.

Hoàn thành tốt nhiệm vụ mà chẳng được ghi nhận, chẳng được khen thưởng thì thật bất công. Làm tốt mà không công, không khen, không thưởng thì liệu có hình thành tư duy tích cực được không?

Có ý kiến cho rằng đây sẽ dẫn đến “ham hố chức quyền... để hưởng lợi”, không hẳn thế. Nếu có quyền mà làm tốt công việc được giao thì cái lợi được hưởng là chính đáng. Nếu bạn có tâm có tài thì bạn được làm và được hưởng. Làm không tốt thì bị phạt. Còn nếu tâm còn thiếu, tài còn yếu thì thôi, để người khác.

Lại có ý kiến cho rằng đây sẽ là cái cớ để giáo viên đùn đẩy công việc cho học sinh. Không thể xảy ra chuyện đó nếu quy định rõ ràng, giám sát chặt chẽ từ ban giám hiệu, hội cha mẹ và tập thể học sinh.

Nên cho luân phiên làm lớp trưởng? Cũng tùy lớp. Công việc của lớp trưởng bản chất là làm lãnh đạo. Làm lãnh đạo phải có tố chất. Và hơn nữa lớp trưởng (lãnh đạo) rất cần có kỹ năng.

Cả tố chất và kỹ năng đều không thể hình thành trong một tuần hay nửa tháng được. Lớp tôi từng học, cô chủ nhiệm cũng để mỗi bạn thay phiên nhau làm lớp trưởng nửa tháng. Khi đó có ba trường hợp thế này.

Một là, rất nhiều bạn chưa từng làm lớp trưởng nên rất lúng túng khi nhận việc, không biết làm gì hoặc làm không xong, bị phạt. Hai là, làm cho có, cho “hết nhiệm kỳ”.

Ba là, làm để ra oai và “trả thù”. Còn những bạn làm tốt thì chỉ vỏn vẹn nửa tháng, và lớp học tốt hơn cũng ngắn ngủi như nhiệm kỳ của bạn. Luân phiên hay chuyên môn?

Cách làm của Trường THPT Long Bình chỉ mới bắt đầu hơn một tháng. Có lợi hay có hại cho học sinh? Xin cứ kiên nhẫn chờ thực tiễn chứng minh.