Có nên học hai trường cùng lúc?

Vinrose1210, Theo Trí Thức Trẻ 00:01 12/07/2012

Học 1 trường đã đủ "mướt mồ hôi", vậy với những sinh viên chọn học tới 2, 3 trường cùng một lúc thì họ phải xoay xở thế nào?

Hiện nay, quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng ngày càng được thay đổi theo chiều hướng có lợi nhất cho sinh viên. Việc một sinh viên tốt nghiệp cùng lúc với 2, thậm chí 3 bằng đại học không còn là điều quá xa lạ. Thế nhưng, ra trường cầm một lúc mấy tấm bằng đại học là một chuyện, còn việc phải chiến đấu như thế nào với việc học song song 2 trường, 2 ngành cùng lúc lại là chuyện khác.

Nguyên nhân do đâu?

Học 2 trường, hoặc 2 ngành cùng một lúc đang là lựa chọn của rất nhiều sinh viên, khi mà tương lai, các công ty, doanh nghiệp đòi hỏi nhân viên của họ ngày một nhiều các kĩ năng. Ví dụ ngoài chuyên môn chính, người xin việc phải có một vốn ngoại ngữ nhất định (chủ yếu là tiếng Anh) và kỹ năng Tin học. Hay khi đã thông thạo một vài ngoại ngữ, sinh viên còn phải trang bị thêm một tấm bằng ở lĩnh vực Kinh tế, Tài chính nếu muốn làm việc trong các Ngân hàng, công ty đầu tư, doanh nghiệp liên doanh,… ở lĩnh vực Du lịch, Quản trị khách sạn nếu muốn làm một hướng dẫn viên, quản lí nhà hàng,…

Theo C.Hà (ĐH NN), sinh viên có 2 bằng đại học, khi ra trường, cơ hội giành được một công việc đúng ngành nghề sẽ lớn hơn. Trong khi nếu chỉ với một thứ ngoại ngữ đang theo đuổi, Hà sẽ khó có khả năng tìm việc.



Không hẳn là nhìn theo góc độ việc làm trong tương lai như C.Hà, Thu Hà (đang theo học ngành Tài Chính - Ngân Hàng của trường Đại học Kinh Tế lại chấp nhận học 2 trường cùng lúc vì niềm đang mê ngành Kinh tế ngay từ khi học Phổ thông. 

Không ngoại trừ trường hợp một số bạn học vì sự tác động của bạn bè, sự thúc ép của gia đình,…

Khó khăn là gì?

Cũng theo lời C.Hà: “học 2 trường cùng một lúc có cả mặt lợi mặt hại, nhưng hại thì nhiều hơn. Rất nhiều bạn phải bỏ dở giữa chừng vì không tải nổi chương trình học quá nặng.”

Không chỉ vậy, học 2 trường, 2 ngành khác nhau, sinh viên còn phải đối mặt với nhiều áp lực học hành. Thu Hà cho hay: “Vì học song song 2 trường nên khối lượng bài vở là rất lớn. Bình thường chỉ học một trường thôi, để học cho tốt cũng đã phải đầu tư rất nhiều thời gian và công sức rồi. Hơn nữa, học theo tín chỉ đòi hỏi sinh viên phải tự học là chính, mà mình học 2 trường cùng lúc nên thời gian học ở nhà không nhiều. Hầu hết các trường hợp học lại, thi lại đều là hậu quả của việc sinh viên học 2 ngành cùng lúc.”

Vì học bằng kép trong khối ĐHQG và các trường của 2 bạn cũng khá gần nhau nên việc di chuyển, đi lại không quá khó. Nhưng đối với những bạn học 2 trường tách biệt, việc di chuyển, qua lại là cả một vấn đề. Huyền (Hv Kĩ Thuật Quân sự ) cho hay: “Một anh khóa trên mình bắt đầu học thêm một trường vào năm nay, không may quãng khoảng cách giữa 2 trường là khá xa nên cứ học xong trường này, anh ấy lại vội vã bắt xe buýt để sang học trường kia, đến là tội”.

Hạ (năm 1, ĐH Mỹ thuật Công nghiệp) đang tích cực học tập để đạt đủ điểm có thể đăng ký thêm ngành Trang trí nội thật của trường cũng đang lo lắng: “Nghe các anh chị năm 2 kêu trời vì chương trình học nặng, mình lo không biết có đủ sức tải nổi hay không. Hiện tại mình là Uỷ viên trong Ban chấp hành đoàn của xã và tham gia khá nhiều công tác của thôn, năm tới học hành nhiều hơn, chắc tớ phải ngừng hết lại để tập trung toàn bộ cho việc học.”



Cậu bạn cho biết thêm: “Nhà tớ cũng không quá xa trường nên có thể đi đi về về, tiết kiệm một khoản lớn tiền ở trọ. Còn những bạn tỉnh lẻ phải thuê nhà, có ý định học thêm 1 chuyên ngành như tớ, gia đình không có điều kiện lắm thì điều này đồng nghĩa với việc tạo thêm một gánh nặng cho ba mẹ, điều đó khiến các bạn ấy rất phân vân.”

Không chỉ vậy, khi học cùng lúc 2 chuyên ngành, sinh viên phải đảm bảo lực học ở trường chính quy đạt ở một mức độ nhất định. Nếu điểm số ở trường đầu vào quá thấp, sinh viên buộc phải dừng việc học ở ngành kép. Trong khối ĐHQG, mức học phí cho ngành kép là 225k/tín chỉ, cao gấp gần 3 lần so với mức học phí thông thường. Thời gian học ngành kép do sinh viên tự lựa chọn. Đa phần các bạn đểu chọn vào ngày cuối tuần để tránh trùng lịch học với trường chính quy. Hơn nữa, thông thường một kỳ, một sinh viên thường học 15-25 tín chỉ, nhưng khi học thêm một ngành, tổng số tín chỉ có thể vượt quá con số 40, cực kỳ vất vả. 

Kết

Ông cha ta có câu, "một nghề thì sống, đống nghề thì chết". Việc ra trường với 2 tấm bằng chưa chắc đã tốt bằng việc có một bằng mà thực lực của bạn khá. Vì thế, nếu bạn có ý định học song song 2 bằng, 2 trường, hãy đảm bảo mình có đủ kinh phí, sức khỏe và tâm lý để đối chọi với lịch học kín mít. Hãy cân nhắc kỹ trước những hệ quả có thể xảy ra cho bạn, tránh đứt quãng giữa đường, tốn tiền bạc, sức khỏe mà việc học hành vẫn chẳng tới đâu.