Cô giáo nghèo nuôi hai con học giỏi

Nhân Dân, Theo 10:24 21/11/2012

Suýt nữa, Việt Nam không có một giải Đồng quốc tế môn Sinh học năm 2012 nếu Nguyễn Thị Hải Anh (con gái đầu của cô giáo nghèo Nguyễn Thị Tuyết Mai) phải nghỉ học do bố mẹ ly hôn, hoàn cảnh gia đình khó khăn.

Bên mâm cơm đạm bạc, tiếng cười đùa của hai mẹ con cô giáo Nguyễn Thị Tuyết Mai, giáo viên mầm mon của Nông trường Tam Đảo đã xua tan bớt đi cái lạnh lẽo, hiu quạnh, buồn bã nơi căn nhà kho của nông trường. Đã gần 10 năm rồi cô vẫn một thân một mình, vượt qua bao khó khăn, gian khổ, để cho con tiếp tục được đến trường, còn bản thân tiếp tục ước mơ đứng lớp.

Cuộc sống khó khăn ở vùng nông thôn của chị Mai càng trở nên vất vả khi hai vợ chồng chị chia tay bởi những trận đòn vô cớ cứ liên tiếp diễn ra. Sau khi chia tay, không muốn phải dựa vào bố mẹ già, chị xin đi ở nhờ nhà hàng xóm, đó là vào năm 2004. Năm 2006, được sự giúp đỡ của lãnh đạo nông trường Tam Đảo, chị mượn được một gian nhà kho để tiếp tục cuộc sống… ở nhờ của mình.

Qua trò chuyện, chị cho biết, trước khi quyết định ly hôn đã dự tính trước những nhọc nhằn, vất vả... và khi mọi việc đến rồi mới thật sự "thấm". Ban đầu khi đến vùng đồi heo hút này cũng thấy buồn, chán, có những lúc chị có ý định đi xuất khẩu lao động nhưng lại nghĩ tới những đôi mắt ngóng trông của con, nghĩ tới vất vả sau khi đã dành được phần nuôi con, chị đã ở lại.

Cô giáo nghèo nuôi hai con học giỏi 1

Ngoài mấy sào ruộng thì thu nhập chính của chị là đồng lương của giáo viên mầm non. Tiền một tháng chưa được một triệu đồng. Không chấp nhận đầu hàng số phận, ngoài công việc trên lớp, chị nhận làm đủ thứ nghề. Từ đi giao trứng cho các chợ quanh vùng, xát gạo cho các trường mầm non trong huyện, cho tới đi thu mua giẻ rách để lau súng cho bộ đội đóng tại địa phương... Dường như cuộc sống vất vả đã giúp chị trở nên mạnh mẽ hơn, chị không ngại và từ chối bất kỳ một công việc nào.

Bên trong căn nhà dột nát, ngoài chiếc tivi màu cũ được người cháu mua tặng đã nhiều năm, thì thứ có giá trị nhất trong nhà là những tờ giấy khen. Giấy khen của chị, giấy khen của con. Nhiều năm liền chị được đều là giáo viên giỏi của trường, của huyện. Năm học 2011-2012, chị được tặng danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp cơ sơ, đạt giải Nhì giáo viên dạy giỏi. Số lượng giấy khen của ba mẹ con chị dường như tỷ lệ nghịch với đồ đạc, tiện nghi trong nhà.

Hai cô con gái Nguyễn Thị Hải Anh và Nguyễn Thị Hải Yến là niềm tự hào và niềm vui của chị. Cả 11 năm học, Hải Anh đều đạt học sinh giỏi. Năm học lớp 10, em đoạt giải học sinh giỏi Sinh học cấp tỉnh; năm lớp 11 em tiếp tục đoạt giải nhì cấp quốc gia môn Sinh học và được chọn vào Đội tuyển quốc gia tham dự kỳ thi Sinh học quốc tế và đoạt giải Đồng.

Khi tôi đến nhà, Hải Anh đã về ở với bác để thuận tiện cho việc đi học ở trường THPT Chuyên Vĩnh Phúc. Hay tin con đoạt HCĐ thi Sinh học quốc tế, chị đã khóc: “Mừng vì con đạt giải cao nhưng mừng hơn là mẹ đã vượt qua mọi khó khăn để chăm lo cho con cái học hành đầy đủ”. Cũng theo lời chị, để tranh thủ tận dụng hết thời gian trong ngày, nửa đêm chị vẫn phải đi gặt lúa, phun thuốc… "Vất vả bao nhiêu chị cũng chịu đựng được khi nhìn con cái tiếp tục học tập, tiếp tục được đến trường", chị nói.

Tiếp nối những thành công của chị gái, em Nguyễn Thị Hải Yến, trong nhiều năm học qua cũng liên tục đạt học sinh giỏi xuất sắc của trường, năm 2011-2012, em đạt giải Nhì môn Sinh học của tỉnh. Yến có ước mơ riêng: “Em mong sau khi học xong sẽ kiếm việc làm để có thu nhập, xây nhà mới cho mẹ em đỡ vất vả”.

Được tin Hải Anh, Hải Yến đạt giải cao, Công đoàn giáo dục ngành và một số cơ quan đã đến chúc mừng, tặng quà, động viên em vững bước trên con đường học tập. Nhiều người khác vì tò mò, ngưỡng mộ cũng đã tìm đến để được nhìn tận mắt người mẹ vất vả một mình nuôi hai con chăm ngoan, học giỏi và tài hoa này.

Để giúp đỡ chị, Công đoàn ngành giáo dục đã vận động hỗ trợ 20 triệu đồng để sửa chữa căn nhà dột nát. Từ tháng 3/2012, sau 11 năm công tác, chị đã đã được chuyển sang hợp đồng dài hạn với mức lương hơn 2 triệu đồng.

Chính quyền dự kiến sẽ cấp cho chị một mảnh đất dựng nhà mới, thay cho căn nhà kho đã mục nát, xuống cấp đã gắn bó với ba mẹ con chị nhiều năm qua, căn nhà nuôi dưỡng những nghị lực, ý chí vươn lên của gia đình cô giáo mầm non.