Chuyện cô Giáo dục công dân được trò yêu thích nhất

Vietnamnet, Theo 10:14 20/11/2014

Là giáo viên dạy Giáo dục công dân, một bộ môn phụ nhưng cô giáo Nguyễn Thị Thúy (Trường THPT Cẩm Bình, huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) lại có hàng ngàn học trò hâm mộ, lập fanpage trên Facebook bày tỏ sự yêu mến.

Cô môn phụ “được yêu thích nhất”

“Em không phải là học sinh nổi bật, cũng không gần gũi với cô nên cô không nhớ tới em. Nhưng em luôn nhớ về cô. Em là người mang rất nhiều mặc cảm trong người, những suy nghĩ vớ vẩn.

Chuyện cô Giáo dục công dân được trò yêu thích nhất 1

Fanpage học trò cũ lập như lời tri ân tới cô giáo Nguyễn Thị Thúy.

Những mỗi lúc nghe giọng nói của cô trong giờ giảng bài, những gì cô dạy em rất thích nghe. Và em rất muốn được tâm sự với cô về những khó khăn tâm lí của em khiến em không hòa nhập được với mọi người. Nhưng em không đủ tự tin cô à. Nhưng em được như bây giờ cũng là nhờ những bài giảng của cô” – tâm sự của một hoc trò trên fanpage Hội những người yêu quý cô Thuý - GDCD (THPT Cẩm Bình).Hiện hội đã có hơn 2600 thành viên yêu thích.

Dù dạy “môn phụ”, nhưng năm 2010, Trường THPT Cẩm Bình tổ chức cho học sinh bỏ phiếu bình chọn “giáo viên được yêu thích nhất”, cô Thúy đạt số phiếu cao nhất.

Trò quý cô bởi những tiết học sôi nổi, không còn nhiều cảnh cô đọc trò chép. Các em được hòa mình vào từng bài giảng bằng cách đóng vai, đàm thoại, thảo luận nhóm,... Nhờ những tiết học đó cô gần gũi và hiểu trò hơn.

Cô chú trọng lấy nhiều ví dụ trong cuộc sống để dạy cho trò. “Ví dụ trong một tiết học pháp luật tôi đặt câu hỏi liệu pháp luật có làm mất tự do con người. Phần lớn các em nhận ra không phải vậy. Nó đem lại tự do trong khuôn khổ cho mỗi người. Nhưng có em lại trêu cô, cho rằng mình thấy mất tự do quyền con người.

Tôi lại nhẹ nhàng trao đổi. Vậy khi em tham gia giao thông, thấy tự do khi nào? Đó là khi em gặp CSGT mình có đủ điều kiện, giấy tờ và không vi phạm luật. Cũng như em sẽ tự do làm kiểm tra khi thực sự hiểu bài”.

Cô Thúy tâm niệm: “Lý thuyết luôn là những điều tốt đẹp nhưng cuộc sống muôn màu, nhiều điều trái đạo đức vẫn hiển hiện. Mình là giáo viên GDCD phải tìm mọi cách từ năng lực chuyên môn, bằng nhân cách của mình để giáo dục cho trò”.

Xã hội có xấu tốt nhưng cô luôn mong trò nhìn đời bằng nhiều chiều, thấy điểm tích cực để hướng tới; chắc chắn có những điều xấu nhưng không được tuyệt đối cực đoan.

Coi trò vừa là bạn vừa như con trong nhà, cô không ngại khi được giúp đỡ những trò cá biệt. K.A, nữ sinh khóa 2007-2010, người lập ra fanpage hâm mộ cô chính là một trong số trò như vậy.

Ngày đầu vào lớp, cô Thúy đã bất ngờ với cô trò tóc ngắn, nhuộm vàng, giao nhiệm vụ không làm. Nhưng khi gần gũi, chia sẻ cô Thúy nhận ra bên trong cô trò nhỏ lại là trái tim yếu đuối bị tổn thương vì gia đình nhiều trắc trở. K.A giờ đã tốt nghiệp đại học, ra trường và có việc.

Trong số nhiều học sinh cá biệt ấy, có nam sinh cô từng đưa về nhà để kèm cặp, giúp em bỏ nghiện game và sống có trách nhiệm hơn. Học sinh này đã tiến bộ, nay có việc làm ổn định.

Từng bán hàng rong, nấu rượu, bốc cát

Cô Thúy tên đầy đủ là Nguyễn Thị Thúy sinh năm 1971, tại Hòa Bình. Bố làm công nhân xây dựng, mẹ là cán bộ thủy sản. Năm 6 tuổi, cô theo bố mẹ về huyện Triệu Sơn (Thanh Hóa). Sau đó cô đỗ lớp chuyên văn Trường chuyên Lam Sơn sau học đại học tại Trường ĐH Vinh.

Chuyện cô Giáo dục công dân được trò yêu thích nhất 2

Cô Thúy và chồng trong sáng 19/11 tại Văn Miếu-Quốc Tử Giám. 

Là học sinh giỏi văn nhưng được phân vào Khoa Giáo dục chính trị. Buồn vì ước mơ trở thành giáo viên dạy văn không thành nhưng ngay sau những tuần đầu tiếp xúc với bộ môn triết học, cô đã yêu thích chuyên ngành Giáo dục chính trị.

Vừa học, cô vừa hăng hái tham gia công tác đoàn. 4 năm học, cô là Bí thư Chi đoàn và Phó Bí thư Liên chi đoàn khoa GDCT xuất sắc, được công nhận Bí thư chi đoàn giỏi năm 1990 và được kết nạp vào Đảng tại trường.

Tốt nghiệp ĐH, cô Thúy về làm dâu tại xã Thạch Lâm, huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh.

Chồng là sĩ quan quân đội đóng tại tỉnh Lạng Sơn, cha mẹ chồng già yếu. Năm 1992 học sinh các cấp nghỉ học khá nhiều, nhất là học sinh THPT, ngành giáo dục giảm biên chế nên không xin được việc làm. Để có tiền trang trải cuộc sống, cô làm đủ thứ nghề để mưu sinh: làm men, nấu rượu, nuôi lợn, bán hàng rong, kể cả công việc nhọc nhằn là bốc cát thuê.

Sau 4 năm vất vả, công việc không ổn định đến năm 1996, cô được biên chế, giảng dạy tại Trường THPT Cẩm Bình.

Vượt lên khó khăn

2 năm sau ngày vui ấy, cô Thúy lại nhận tin mình bị chứng thận hư, suy thận độ 1, phải uống thuốc suốt đời với chế độ ăn uống khắt khe. Cô đã bị một số biến chứng do tác dụng phụ của thuốc như loãng xương, đau dạ dày, đục thủy tinh thể...

Cô Thúy nhớ lại: “Thời gian đầu phải nằm viện điều trị, luôn có 15-16 thầy cô liên tục thay nhau mang cơm cho tôi. Họ còn vận động chồng con nấu cơm mang vào cho tôi. Học sinh thì thay nhau đến dọn nhà, mua từng cái bàn chải, khăn mặt cho cô. Tình cảm ấy với tôi là vô giá”.

Vượt qua bệnh tật để đến lớp với tình yêu nghề, cô Thúy đã đạt được nhiều thành tích. Năm 1998-1999, cô đạt danh hiệu giáo viên giỏi cấp tỉnh, từng có 5 năm liên tục có sáng kiến kinh nghiệm đạt bậc 4/4 cấp sở; điển hình tiên tiến Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh của huyện.

Từ năm 1997 đến nay, năm nào cô cũng được tập thể tín nhiệm bầu vào BCH Công đoàn, Phó Chủ tịch Công đoàn trường; từ năm 2008 đến nay, là Tổ trưởng chuyên môn Tổ Sử - GDCD; từ năm 2012 đến nay, là Bí thư Chi bộ Văn - Ngoại ngữ - Sử - GDCD. Năm 2009 cô là GV “giỏi việc nước - đảm việc nhà” do Liên đoàn Lao động tỉnh tặng thưởng. Tham gia hội thi bí thư chi bộ và đạt giải Nhất toàn tỉnh,...

Hai con gái của vợ chồng cô đều là học sinh giỏi, hiện đang học đại học.

Ngày 19/11, Bộ GD-ĐT, Công đoàn GDVN phối hợp với Cục Nhà giáo và cán bộ quản lí cơ sở, VTV tổ chức chương trình Thay lời tri ân các thầy cô giáo” tuyên dương những gương mặt xuất sắc, tiêu biểu cho đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lí giáo dục đang công tác tại các vùng có điều kiện khó khăn, vùng biển đảo VN. Cô Thúy vinh dự là 1 trong 66 giáo viên trên.