Chàng SV khiếm thị và niềm khát khao học vấn

PL&XH, Theo 10:22 24/06/2012

Tại trường ĐH Sư phạm Đà Nẵng, không ai không biết cậu sinh viên Lê Quang Đạt đang theo học chuyên ngành Lịch sử tại lớp 11SLS.

Đạt nổi tiếng không chỉ bởi niềm đam mê đọc sách mà cậu còn được bạn bè gọi vui với biệt danh chuyên gia "ngửi chữ".

Bệnh lạ khiến cậu học trò hiếu học thành người tật nguyền

Sinh ra trong gia đình nghèo ở tỉnh Quảng Trị, đọng lại trong Đạt là hình ảnh gia đình vất vả kiếm sống. Sau đó, cả gia đình lại phải dời bỏ quê hương để đi làm ăn tại vùng kinh tế mới Gia Lai. Tại đây, ba Đạt làm công nhân, còn mẹ làm công nhân viên chức Nhà nước, cuộc sống tuy còn nhiều khó khăn nhưng bước đầu cũng đỡ vất vả hơn so với thời gian tại quê nhà. 

Gia đình đã đỡ khó khăn hơn trước nên việc chạy chữa cho Đạt để điều trị "dứt điểm" căn bệnh lạ bẩm sinh liên quan đến mắt đã được cha mẹ Đạt hết sức lưu tâm. Nhưng dù chạy chữa bao nhiêu, từ những bệnh viện lớn, nhỏ rồi điều trị đông y, tây y, song căn bệnh lạ của Đạt vẫn không thuyên giảm. Dù có dị tật về mắt nhưng niềm đam mê "cái chữ" trong Đạt chưa bao giờ tắt, chứng kiến bạn bè cùng trang lứa được ngày ngày cắp sách tới trường Đạt cũng "thèm" lắm, gặng hỏi xin phép ba mẹ mãi mới được đồng ý… Nói về cậu con trai của mình, mẹ Đạt nhớ lại: "Hồi nhỏ, gia đình không dám cho Đạt đi học vì lo sợ con không theo kịp bạn bè trong lớp. Nằng nặc không chịu, Đạt đòi tôi và ba nó dẫn tới trường bằng được. Tôi rất thương con vì Đạt phải dò dẫm từng bước đến trường. Nhiều khi Đạt loạng choạng vấp ngã quần áo bẩn, chân tay trầy trật vì va phải gai, đá trên đường. Ấy vậy mà, 12 năm học phổ thông, nhiều năm Đạt được học lực khá trở lên. Năm nào cũng được nhà trường tuyên dương vì thành tích vượt khó trong học tập. Đến thời điểm Đạt thi đỗ ĐH tôi mừng lắm…".

Thương ba mẹ, Đạt xúc động nói: "Ước gì, mình không bị tật bẩm sinh ở mắt để có thể đỡ đần ba mẹ nhiều hơn. Vì em mà ba mẹ cực khổ, vất vả sớm hôm. Mình tự hứa với lòng mình, phải học thật tốt, lấy được tấm bằng ĐH rồi kiếm việc lo cho bản thân". Hàng ngày, ngoài công việc học tập Đạt còn giúp đỡ ba mẹ những công việc gia đình, bất cứ việc gì có thể làm được Đạt đều không từ chối. 

Có lần vì thương ba mẹ đi làm vất vả, Đạt đã tranh thủ giặt quần áo, nhưng vì thị giác hạn chế nên bị trượt chân ngã trầy xước hết người, nhưng bạn đã giấu không cho ba mẹ biết vì sợ ba mẹ sẽ không đồng ý cho giặt quần áo nữa. Những khi trời nhá nhem tối là lúc Đạt hầu như không thể nhìn thấy bất kỳ thứ gì. Cả cuộc đời này, ba mẹ đã vất vả vì mình quá nhiều mà Đạt chưa đền đáp được gì. Giờ đây, Đạt chỉ biết cố gắng học tập thật tốt để không phụ lòng mong mỏi của cha mẹ. May mắn cho Đạt là trong suốt thời gian ngồi học trên ghế nhà trường với sự giúp đỡ nhiệt tình của thầy cô và bạn bè cùng sự nỗ lực của bản thân Đạt đã gặt hái được những thành quả đáng nể. Trong kỳ thi ĐH không ai nghĩ rằng, một người khiếm thị như Đạt lại có thể thi đỗ vào trường ĐH Sư phạm Đà Nẵng với điểm số không hề thấp. "Đạt là một người bạn tốt, nhiệt tình và hòa đồng với tập thể, bạn ấy rất chịu khó học tập và tham gia hoạt động đoàn thể. Đạt chính là tấm gương cho các thành viên khác trong lớp noi theo…" - một bạn học phổ thông của Đạt nói…


Lễ Quang Đạt - cậu sinh viên “ngửi chữ”.  

Mơ ước trở thành nhà nghiên cứu Lịch sử

Kể từ khi sinh ra Lê Quang Đạt đã bị mắc tật rung giật nhãn cầu (tức là nhãn cầu luôn đung đưa trong quá trình nhìn mọi vật). Vì không nhìn cố định mọi vật một chỗ nên muốn nhìn rõ Đạt phải để đồ vật vào sát mắt, điều đó đồng nghĩa với việc muốn đọc một cuốn sách thì Đạt phải "áp" sát nó vào… mặt, rồi lấy tay rà đi rà lại từng con chữ để "định vị". Đã gần 13 năm trôi qua, Đạt vẫn kiên trì đọc sách bằng cách này. 

Đạt chia sẻ: "Ban đầu chỉ nhìn thấy mờ mờ, rồi hình ảnh rung động trong khoảng gần nửa mét. Cố gắng nhìn kỹ vật phải mất một lát sau mới thấy rõ. Muốn đọc rõ từng con chữ, Đạt phải cặm cụi tì gần sát mặt vào trang sách mà đọc". Đạt tâm sự: "Một trang giấy người có đôi mắt bình thường đọc trung bình mất 2 phút thì mình phải đọc mất 10 phút có khi còn hơn nếu đó là sách cũ, vì sách cũ được in trên nền giấy đen, và nét chữ khó nhìn hơn…". Mặc dù, gặp nhiều khó khăn trong việc đọc sách như vậy nhưng kỳ lạ thay, Đạt lại đam mê theo học chuyên ngành Lịch sử với những chồng sách dày cộp hàng nghìn trang. Với lòng đam mê và quyết tâm nên Đạt vẫn kiên trì theo đuổi sự học đến cùng. 

Đạt chia sẻ: "Lịch sử là môn học mình đam mê từ khi còn nhỏ. Mình muốn học cho thỏa cái đam mê ấy. Nếu được, sau này mình sẽ đi sâu nghiên cứu chuyên ngành Lịch sử. Có thể đối với nhiều bạn khác việc học tốt môn Lịch sử là điều rất khó khăn, nhưng nếu biết phương pháp học và chịu khó đọc thêm các tài liệu khác thì môn Lịch sử hết sức thú vị và chứa đựng nhiều điều để khám phá…".    

Ngoài niềm đam mê dành cho môn Lịch sử, một đam mê khác của Đạt là đọc thơ của Bác Hồ và cuốn sách gối đầu giường của Đạt chính là tập thơ "Nhật ký trong tù" của Bác. Chia sẻ về điều này, Đạt bộc bạch: "Mỗi bài thơ trong “Nhật ký trong tù” của Bác đều mang ý nghĩa riêng. Khi gặp khó khăn, vấp ngã trong cuộc sống, học tập mình lại mang tập thơ của Bác ra để đọc, tự động viên mình". Bài thơ Đạt yêu thích nhất và đọc đi lại mỗi ngày là bài "Đi đường". 

Giờ khi đã trở thành sinh viên ĐH, một ước mơ tưởng chừng như khó đã được thực hiện. Chỉ vài năm nữa Đạt "mọt sách" sẽ trở thành cử nhân chuyên ngành Lịch sử, một tương lai mới đang mở ra trước mắt Đạt. Cho dù Đạt có thể không nhìn rõ mọi vật, nhưng bạn có thể thấy rõ một tương lai, một chân trời tri thức đang chờ đợi em ở phía trước…